Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:30 (GMT +7)
Vì sao ổ SSD nhanh hơn ổ HDD?
Thứ 4, 24/02/2021 | 13:47:35 [GMT +7] A A
SSD đang ngày càng phổ biến hiện nay và việc trang bị một ổ cứng có tốc độ đọc ghi nhanh hơn là điều rất quan trọng.
Máy tính ngày càng phát triển với các thế hệ CPU, VGA khủng có khả năng xử lý hoàn hảo. Kéo theo đó là sự ra đời của các loại ổ cứng tiên tiến. Ổ SSD đã ra đời từ rất lâu nhưng chỉ dần phổ biến trong khoảng vài năm trở lại đây khi giá thành rẻ hơn trước và có dung lượng lớn hơn. Tất nhiên, ổ SSD cũng nhanh hơn ổ HDD đáng kể nếu xét ở tốc độ đọc/ghi dữ liệu.
Nếu hiểu một cách đơn giản, vì ổ SSD đắt hơn mà lại có dung lượng bé hơn ổ HDD ở cùng một mức giá, thế nên ổ SSD nhanh hơn ổ HDD là điều đương nhiên.
Tuy nhiên, nếu hiểu một cách cặn kẽ thì lý do nằm ở công nghệ bên trong ổ này. Trước hết, ổ SSD (solid-state drive) là ổ thể rắn/đặc và không có cái đĩa (disk) nào ở đây nếu mổ bụng chiếc ổ này ra. Trong khi đó, ổ HDD (hard disk drive) là ổ cứng theo đúng nghĩa đen bởi vì bên trong nó có một chiếc đĩa cứng tròn được đọc/ghi dữ liệu bởi một đầu đọc/ghi giống như cái máy hát đĩa than cổ điển.
Bên trong ổ HDD là một đĩa cứng được phủ từ |
Bởi ổ HDD dùng đĩa và có đầu đọc, tốc độ đọc/ghi của nó phụ thuộc vào tốc độ quay của đĩa và thường bị giới hạn ở một tốc độ tối đa khoảng 7.200 RPM (vòng mỗi phút). Như vậy, ổ HDD vấp phải một hạn chế chí mạng là chỉ có một kim đọc/ghi dẫn tới tốc độ chậm khi đọc/ghi song song, đĩa quay càng nhanh càng ồn. Vì thế các nhà sản xuất thường tập trung cải thiện dung lượng ổ cứng thay vì cải thiện tốc độ đọc/ghi bởi tiếng ồn quá lớn không phù hợp với người dùng cá nhân.
Trong khi đó, ổ SSD không dùng đĩa mà dùng những thứ để đọc/ghi như DRAM, bộ nhớ Flash (giống USB), lưu dữ liệu trong các tụ điện chứa chất bán dẫn. Như vậy, ổ SSD không phải mất công tìm dữ liệu trên đĩa như ổ HDD, do đó việc đọc đã nhanh, việc tìm dữ liệu lại càng nhanh hơn và việc ghi dữ liệu đồng thời không hề bị chậm lại chút nào. Ổ SSD nhanh hơn ổ HDD chính là do công nghệ khác nhau khi một bên dùng tính chất điện tử còn một bên dùng tính chất cơ học trong việc lưu trữ dữ liệu.
Bên trong ổ SSD là các chip nhớ, khá giống một chiếc USB |
Từ sự khác nhau này cũng dẫn đến những vấn đề khác. Chẳng hạn, ổ HDD thường bị phân mảnh do dữ liệu được ghi ngẫu nhiên trên đĩa, dẫn tới việc truy xuất dữ liệu khó khăn và phải chống phân mảnh (defragment) sau một thời gian sử dụng. Ổ HDD cũng dễ gặp lỗi thậm chí là hỏng khi bị tác động cơ học từ bên ngoài (ví dụ động đất).
Ổ SSD đương nhiên không bị các lỗi nêu trên do tất cả được lưu vào các tụ điện. Tuy nhiên, vì tụ điện có tuổi thọ hữu hạn, ổ SSD đương nhiên không bền bằng và rất khó cứu dữ liệu điện tử khi vô tình xóa nhầm.
Từ những ưu nhược điểm này, ổ SSD từ lâu đã được khuyến cáo dùng để làm nơi chứa hệ điều hành, giúp máy khởi động nhanh hơn. Ngoài ra, một số game thế giới mở cũng được khuyến khích cài trên ổ SSD để việc tải bản đồ (loading) nhanh hơn. Tất nhiên, với nhu cầu sử dụng thông thường, một ổ SSD 120GB kết hợp ổ cứng HDD 1TB là đã quá đủ.
Theo ictnews.vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()