Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:56 (GMT +7)
Vì sao NQ-194 chưa đi vào cuộc sống?
Thứ 3, 03/08/2021 | 10:53:50 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND được ban hành với loạt các chính sách nhằm tiếp thêm động lực cho nông nghiệp của tỉnh phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 đã thông qua Nghị quyết số 194/2019/NQ-HĐND “Về việc ban hành chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt NQ-194). Theo đó, tỉnh không chỉ triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương (Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, Nghị định số 109/2018/NĐ-CP), mà còn có những chính sách ưu đãi đặc thù của tỉnh. Cụ thể như: Hỗ trợ đầu tư khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm thuộc Chương trình OCOP; hỗ trợ đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm...
Để NQ-194 đi vào cuộc sống, ngày 11/11/2019, UBND tỉnh đã có Quyết định số 35/2019/QĐ-UBND, ban hành quy định về điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành, địa phương... Theo đó, Sở NN&PTNT, Ban Xây dựng NTM tỉnh là 2 đơn vị chủ trì trong các khâu từ tiếp nhận, phối hợp thẩm định các hồ sơ hỗ trợ dự án liên kết, phát triển nông nghiệp hữu cơ, trình UBND tỉnh phê duyệt (Ban Xây dựng NTM tỉnh phụ trách những nội dung đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP). Liên sở, ngành (gồm 10 đơn vị) và UBND cấp huyện cùng phối hợp chặt chẽ theo phạm vi chuyên môn được giao tham mưu cho tỉnh trong triển khai thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, mặc dù NQ-194 nhận được sự quan tâm lớn, kết quả triển khai trong hơn 1 năm qua vẫn chưa đạt hiệu quả mong đợi. Cụ thể là đến nay, chưa có dự án nào triển khai thực hiện theo chính sách này. Thực trạng sản xuất quy mô nhỏ còn chiếm đa số; nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) chưa áp dụng đồng bộ công nghệ, kỹ thuật mới, tập quán canh tác theo kinh nghiệm, thói quen tiêu thụ không qua hợp đồng, chủ yếu bán tươi không qua sơ chế, chế biến... Chính các doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn tham gia liên kết với các HTX, tổ hợp tác; các hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn ít, thiếu chặt chẽ...
Một trong những nguyên nhân do nguồn vốn thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh hằng năm phân bổ về các địa phương để thực hiện Chương trình Xây dựng NTM, sau đó UBND các địa phương chủ động phân khai cho các dự án thực hiện 2 nội dung: Xây dựng cơ bản và phát triển sản xuất. Tuy nhiên thực tế ghi nhận tại các địa phương vẫn chủ yếu “ưu ái” cho đầu tư xây dựng, còn nội dung phát triển sản xuất nhìn chung bố trí tỷ lệ vốn ít.
Ngoài ra, phản ánh từ nhiều doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm cho rằng, khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất, trình độ canh tác khác nhau (thực tế thường dẫn đến tình trạng “bể kèo”, phá vỡ hợp đồng). Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài gần 2 năm liên tục cũng khiến cho rất nhiều doanh nghiệp, HTX gặp khó khăn về đầu ra tiêu thụ sản phẩm, nên khó mở rộng, phát triển liên kết. Cùng với đó, do cơ chế hỗ trợ dự án sau đầu tư, nên nhiều doanh nghiệp, HTX ít tiềm lực, quy mô nhỏ còn e ngại khi tiếp cận với chính sách.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả NQ-194, Sở NN&PTNT đã và đang chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai chính sách cho đội ngũ cán bộ của đại diện các phòng, ban cấp huyện, UBND cấp xã phụ trách lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, góp phần phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu của cán bộ tại các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án theo tinh thần NQ-194. Những vướng mắc, bất cập trong quá trong quá trình triển khai của từng địa phương thực hiện cũng đã được trao đổi, thảo luận qua các buổi hội nghị để tìm hướng tháo gỡ phù hợp.
Thực hiện hiệu quả NQ-194 sẽ góp phần tạo nền tảng vững vàng để ngành nông nghiệp của tỉnh thực hiện mục tiêu phát triển trong thời gian tới. Đó là hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, phát triển chuỗi sản xuất, chế biến sạch, tăng lợi thế cạnh tranh cho những sản phẩm chủ lực.
Hoàng Giang
- Bình Liêu chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Ngành nông nghiệp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021
- Đồng hành cùng doanh nghiệp Nông nghiệp
- Giải ngân đầu tư công trong nông nghiệp ước đạt gần 36% trong 6 tháng
- Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp: Đầu tư theo hướng chuyên sâu
- Tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp
- Xác nhận người trực tiếp sản xuất nông nghiệp cần điều kiện gì?
Liên kết website
Ý kiến ()