Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:10 (GMT +7)
Vì sao nhiều F0 bị tê bì tay chân hậu Covid-19?
Thứ 5, 31/03/2022 | 10:12:10 [GMT +7] A A
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Mỹ, phát hiện nhiều F0 bị đau, ngứa ran và tê bàn tay, chân sau khi khỏi bệnh. Nguyên nhân có thể là ảnh hưởng dây thần kinh ngoại biên.
Nghiên cứu này của nhóm chuyên gia tại Đại học Washington một lần nữa cung cấp bằng chứng cho thấy các vấn đề liên quan Covid-19 tồn tại lâu hơn ở người bệnh. Công trình này được công bố trên tạp chí Pain ngày 24/3, phân tích dữ liệu của 1.500 người xét nghiệm nCoV trong năm đầu của đại dịch.
Các tác giả phát hiện những người mắc Covid-19 có nguy cơ bị đau, tê, ngứa ran bàn tay, bàn chân cao hơn gấp 3 lần nhóm không nhiễm nCoV.
Nguyên nhân?
Theo thống kê, đau mỏi cơ kéo dài là một tình trạng chiếm khoảng 20-30% các triệu chứng dai dẳng sau Covid-19. Đau cơ ở bệnh nhân Covid-19 có thể kéo dài hơn so với các trường hợp nhiễm virus khác và có thể đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường.
Nhóm chuyên gia khảo sát những người xét nghiệm Covid-19 được lưu hồ sơ tại Đại học Washington từ ngày 16/3/2020 đến hết 12/1/2021. Trong số 1.556 tình nguyện viên, 542 người có xét nghiệm dương tính, 1.014 người âm tính.
Nhiều người trong nhóm âm tính đang trải qua phẫu thuật hoặc nhập viện vì ung thư, tiểu đường hoặc vấn đề sức khỏe khác. Do những vấn đề sức khỏe sẵn có, mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính, họ vẫn bị đau mạn tính và bệnh thần kinh không liên quan Covid-19.
Ở những người có kết quả dương tính với nCoV, đa số đều khỏe mạnh và trẻ tuổi. Trong đó, 29% báo cáo về các triệu chứng thần kinh tại thời điểm nhiễm virus. Sau đó, khoảng 13% gặp thách thức về sức khỏe với triệu chứng kéo dài dù kết quả xét nghiệm đã âm tính. Các triệu chứng họ gặp phải là đau, tê bì bàn tay, chân, mỏi nhức cơ thể.
TS Simon Haroutounian, Đại học Washington, điều tra viên cao cấp, trưởng nhóm nghiên cứu lâm sàng, cho biết phát hiện này củng cố giả thuyết nCoV có thể tham gia vào việc gây ra các triệu chứng của bệnh thần kinh ngoại biên.
Ông Simon và cộng sự phát hiện gần 30% bệnh nhân dương tính với nCoV cũng báo cáo vấn đề về bệnh ở dây thần kinh tại thời điểm chẩn đoán. Đặc biệt, 6-7% trong số họ vẫn có triệu chứng sau ít nhất 2-3 tuần khỏi Covid-19. Thậm chí, nhiều người gặp vấn đề về dây thần kinh trong nhiều tháng sau đó, cho thấy tác động kéo dài của SARS-CoV-2 lên các dây thần kinh ngoại biên.
Một số F0 sau khi phát triển triệu chứng thần kinh đã tìm đến Bệnh viện Đại học Washington để điều trị. Tuy nhiên, hầu hết tình nguyện viên trong nghiên cứu của ông đều được đánh giá là vấn đề nhẹ đến trung bình, có thể họ không tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia về đau thần kinh.
Hệ thần kinh ngoại biên bao gồm tất cả dây thần kinh không nằm ở não và tuỷ sống. Bệnh của hệ thần kinh ngoại biên gây rối loạn quá trình trao đổi thông tin giữa não và cơ, da, nội tạng và mạch máu, gây ra các triệu chứng như đau hoặc tê bì, cảm giác kiến bò, yếu cơ, bỏng rát hoặc mất cảm giác.
Những triệu chứng này thường bắt đầu từ từ. Ở một số người triệu chứng có thể rất nhẹ và không nhận thấy. Ở một số người khác, triệu chứng trở nên dai dẳng và gần như không thể chịu đựng nổi, nhất là về ban đêm.
Bổ sung dữ liệu về ảnh hưởng lâu dài của Covid-19
Theo TS Simon Haroutounian, một số bệnh nhiễm trùng do virus như HIV, zona có liên quan bệnh thần kinh ngoại biên do virus tấn công và làm tổn thương hệ thống này.
“Điều quan trọng là phải hiểu liệu nhiễm virus có liên quan việc tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh hay không. Với các ca nhiễm HIV, chúng tôi không nhận thấy điều này sau vài năm đại dịch AIDS xuất hiện. Do đó, nhiều người không được chẩn đoán mắc bệnh thần kinh và cũng không được điều trị cho những cơn đau liên quan vấn đề này”, vị chuyên gia nói.
Các thông tin trên cũng có thể đúng với F0 bị bệnh thần kinh sau khi mắc Covid-19. Hiện tại, chưa có bất kỳ chẩn đoán xác định về bệnh thần kinh liên quan Covid-19. Song, TS Simon giải thích bất kể nguyên nhân là gì, các phương pháp điều trị bệnh thần kinh hiện tại khá giống nhau. Khi người bệnh bị đau, tê bì, ngứa ran bàn tay, bàn chân, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để điều trị bệnh thần kinh ngoại vi, bất kể họ có từng bị tiểu đường, HIV hay bệnh khác không.
Nghiên cứu được thực hiện tại một đơn vị y tế, do đó, TS cho biết cần thêm nhiều dự án khác với số mẫu lớn hơn. Điểm hạn chế của nghiên cứu này là dữ liệu được thu thập khi nghiên cứu lâm sàng ngoại trú bị tạm dừng vì đại dịch, tình nguyện viên được đánh giá dựa trên phản hồi của họ thay vì phỏng vấn trực tiếp và khám sức khỏe. Dù vậy, các tác giả vẫn nhấn mạnh đây là dữ liệu bổ sung cho những ảnh hưởng của Covid-19 sau khi người mắc khỏi bệnh.
Nhiều công trình trước đây cũng phát hiện nCoV gây ra những tổn thương ở hệ thống thần kinh. Ngày 1/3, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurology: Neuroimmunology & Neuroinflammation của tiến sĩ Anne Louise Oaklander tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ), cho thấy gần 60% người gặp di chứng hậu Covid-19 bị tổn thương dây thần kinh. Điều này có thể xuất phát từ những khiếm khuyết trong phản ứng hệ miễn dịch.
Một nghiên cứu khác từ nhóm chuyên gia Tây Ban Nha phát hiện rối loạn chức năng dây thần kinh phế vị khi nhiễm nCoV có thể là nguyên nhân gây ra những triệu chứng Covid-19 kéo dài. Các biểu hiện thường gặp là mơ hồ, khó nuốt, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường, huyết áp thấp và các vấn đề tiêu hóa, theo Jpost.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()