Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:09 (GMT +7)
Vì sao người nổi tiếng lộng ngôn trên mạng xã hội?
Thứ 6, 16/07/2021 | 14:50:14 [GMT +7] A A
Nhiều người nổi tiếng không có trách nhiệm cộng đồng đã hành xử thiếu chuẩn mực khi phát ngôn buông tuồng bất chấp hậu quả.
Sở TT&TT TP.HCM sẽ xử lý vụ Trác Thúy Miêu có bài viết gây kích độngNhững lần 'vạ miệng' gây tranh cãi của các MC nổi tiếngSao Việt với những lần bị phạt vì 'vạ miệng'
Những ngày qua, khán giả quan tâm thông tin Cục PTTH&TTĐT chuyển vụ việc MC Trác Thúy Miêu đăng nội dung có dấu hiệu kích động, gây mâu thuẫn đối với đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên đến từ Hải Dương cho Sở TT&TT TP.HCM xem xét xử lý. MC này nhắn nhủ những người vào TP.HCM hỗ trợ chống dịch Covid-19 với giọng điệu trịch thượng nên vấp phải phản ứng gay gắt trong cộng đồng.
Nêu quan điểm “tặng kèm” mạt sát, đay nghiến?
Trước đó, Trác Thúy Miêu được biết đến như người thường xuyên phát ngôn gây sốc. Năm 2019, MC này từng chỉ trích gay gắt một doanh nghiệp vì một ảnh chụp sản phẩm được cho là của họ. Khi báo chí vào cuộc xác nhận đây chỉ là tấm ảnh trôi nổi trên mạng nhiều năm nay, cơ quan chức năng xác nhận không có sản phẩm này ở địa phương, cô không hề có động thái đính chính hay xin lỗi, ít nhất là hành vi lan truyền tin giả không kiểm chứng.
Tháng 3/2021, Trác Thúy Miêu gây tranh cãi với bài viết dài có tiêu đề Để yên cho tôi làm đàn bà với những nhận định như: Đàn bà mà không chịu làm việc nhà thì làm gì; Gian bếp là đặc ân của riêng đàn bà;…
MC Trác Thúy Miêu. |
Chuyện người nổi tiếng phát ngôn trên mạng xã hội muôn màu muôn vẻ lẫn “muôn thuở”. Số lượng phát ngôn sốc của người nổi tiếng xuất phát từ mạng xã hội còn nhiều hơn từ báo chí. Người nổi tiếng trước hết là người dùng mạng, họ sử dụng mạng xã hội theo sở thích cá nhân và một số trong đó có nhu cầu thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm cá nhân. Dù vậy, không phải người nổi tiếng cũng phát ngôn đúng tư cách nghệ sĩ.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng đối đáp anti-fan, tuyên bố mình là “vùng đất cấm”, treo thưởng fan “dạy dỗ” người cha bạo hành con ở Tiền Giang; Cát Phượng dằn mặt, hăm dọa một gymer có tiếng...
Các livestream của Lê Dương Bảo Lâm đều suồng sã, có những cái nói năng thô tục. Thậm chí, khán giả tin rằng không dễ tìm một livestream bán hàng chửi bới, văng tục “tầm cỡ” Trang Trần.
Những lần người nổi tiếng đấu khẩu qua Facebook, chưa biết ai thắng ai thua thì công chúng đã bội thực nội dung thiếu văn hóa từ cả đôi bên. Nói không ngoa, sự cố vạ miệng mạng xã hội như cái dớp mà nghệ sĩ, người nổi tiếng lĩnh vực nào cũng đều từng mắc phải, từ có thâm niên như Đức Hải đến người trẻ như Xuân Nghị; từ làm nghề nghiêm túc như Thanh Lam, Văn Mai Hương đến làm nghề làng nhàng như Hiệp Gà; từ nổi tiếng ngô nghê như Ngọc Trinh đến người đẹp trí thức như Hoàng My…
Sống bằng quyền lợi nhưng từ chối trách nhiệm cộng đồng?
Nghệ sĩ nói riêng và người nổi tiếng nói chung có sức ảnh hưởng nhất định đến xã hội nên phát ngôn luôn phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng. Trách nhiệm đối với cộng đồng là quy định thành văn hoặc bất thành văn tùy vào quốc gia, khu vực. Nhưng tựu trung, người có sức ảnh hưởng đến đám đông chưa bao giờ được phép phát ngôn tùy tiện.
Ở những nền công nghiệp giải trí phát triển như Âu-Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc,… nghệ sĩ dùng mạng xã hội luôn có sự can thiệp của công ty quản lý. Vì mọi hành vi của nghệ sĩ đều quy ra tiền và giá trị phi vật chất, một động thái nhỏ của họ trên mạng xã hội đã có thể tạo thành một chủ đề, luồng dư luận.
Trái lại, thị trường giải trí Việt Nam chỉ vừa manh nha theo hướng chuyên nghiệp. Có thể thấy nhóm người nổi tiếng phát ngôn buông tuồng, tùy tiện trên mạng xã hội chủ yếu thuộc về thế hệ trước - khi thị trường ở giai đoạn sơ khai; và những “ngụy nghệ sĩ” mượn showbiz, danh tiếng để thực hiện mục đích cá nhân.
Lê Dương Bảo Lâm và vợ. |
Showbiz có một nhóm đối tượng sống thoải mái nhờ quyền lợi của nghệ sĩ nhưng luôn từ chối trách nhiệm cộng đồng. Trang Trần, Trác Thúy Miêu, Thu Hoài, Duy Mạnh, Lê Dương Bảo Lâm,… ít nhiều kiếm tiền bằng danh tiếng và sự liên kết với showbiz. Họ có thể không phải nghệ sĩ như chính họ luôn phủ nhận nhưng vẫn thực tế liên kết với giới nghệ sĩ, dựa vào đó để công việc cá nhân thuận lợi, trơn tru. Nghịch lý ở chỗ: họ thụ hưởng quyền lợi từ showbiz nhưng các phát ngôn phản cảm, thiếu trách nhiệm đều được hậu thuẫn bởi lý do “Tôi không phải nghệ sĩ”.
Người nổi tiếng cần ý thức rằng mạng xã hội là phương tiện truyền thông xã hội thay vì “chơi Facebook”. Đồng nghĩa, tài khoản mạng xã hội là nơi dư luận hướng vào họ, bất kỳ động thái nào của họ trên mạng xã hội đều mặc nhiên hiểu là hướng đến đám đông. Hiểu đúng bản chất của mạng xã hội, người nổi tiếng sẽ không ngây ngô nói: “Facebook là nơi riêng tư của tôi” hoặc “Tôi chỉ đăng chế độ bạn bè xem, không hiểu sao lại lọt ra ngoài”. Mạng không còn là ảo, một thao tác đăng tải có thể đánh đổi bằng quyết định xử phạt hành chính và thiệt hại về uy tín trong mắt khán giả.
Khán giả cũng phải chịu trách nhiệm với chính mình
Duy Mạnh - người được biết đến “phong cách” chửi thề, văng tục mọi lúc, từng nhận định đúng về thực trạng khán giả luôn lợi dụng điểm yếu là tính chất nghề nghiệp của nghệ sĩ để công kích. “Họ luôn lợi dụng việc nghệ sĩ không dám chửi lại để thoải mái mắng chửi, mạt sát nghệ sĩ”, anh viết.
Đàm Vĩnh Hưng và phát ngôn "để đời". |
Đây là thực trạng diễn ra hơn 10 năm nay. Nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể phát ngôn thiếu trách nhiệm cộng đồng nhưng họ cũng là đối tượng thường xuyên chịu bạo lực mạng từ những người được gọi là khán giả. Sẽ không công bằng nếu chỉ chĩa mũi dùi về phía nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Làm sao để xây ý thức trách nhiệm cộng đồng của nghệ sĩ, người nổi tiếng trên mạng xã hội? Phát ngôn có trách nhiệm liệu có mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận của công dân? Trách nhiệm của khán giả, người dùng mạng là gì?…
Nếu có ý kiến hãy gửi cho chúng tôi vào địa chỉ: [email protected]. Ý kiến của bạn có thể không trùng với quan điểm của VietNamNet.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()