Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:27 (GMT +7)
Vì sao người bệnh đái tháo đường nên ăn nhiều chất xơ?
Thứ 3, 31/01/2023 | 08:12:27 [GMT +7] A A
Dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng trong phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường. Các chuyên gia cho rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát kiểm soát lượng đường trong máu.
1. Chất xơ rất quan trọng với người bệnh đái tháo đường
Chất xơ là một thành phần của thực phẩm có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không tiêu hóa được và thường làm tăng lượng chất thải trong quá trình tiêu hóa.
Nhiều nghiên cứu cho thấy, chất xơ còn có vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa những bệnh mạn tính như: tim mạch, béo phì và đái tháo đường.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, những người ăn chế độ ăn nhiều chất xơ có mức protein phản ứng C (CRP) trong máu thấp hơn. CRP là một dấu hiệu của chứng viêm có liên quan đến các bệnh như viêm khớp dạng thấp, bệnh tim và đái tháo đường.
Khi ăn chất xơ, cơ thể bạn mất nhiều thời gian hơn để phân hủy thức ăn. Điều này giúp bạn duy trì lượng đường trong máu ổn định hơn. Do đó chất xơ đặc biệt tốt đối với những người mắc bệnh đái tháo đường.
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết - đái tháo đường, hầu hết mọi người đều cần chất xơ vì nó giúp mang lại cảm giác no và giữ cho hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru hơn.
Các chuyên gia cho rằng, những người mắc bệnh đái tháo đường nên được cung cấp nhiều chất xơ hơn so với người bình thường để giúp kiểm soát kiểm soát lượng đường trong máu. Hơn nữa, chất xơ còn có tác dụng hỗ trợ làm giảm lượng cholesterol xấu, rất tốt cho hệ tim mạch.
Chế độ ăn giảm lượng tinh bột (carbohydrate) luôn cần được chú ý trong điều trị bệnh đái tháo đường để tránh việc tăng đường huyết sau bữa ăn. Chất xơ cũng là thực phẩm cung cấp chất bột nhưng lượng không nhiều và đây là một loại tinh bột đặc biệt không làm tăng lượng đường trong máu.
2. Người bệnh đái tháo đường nên ăn chất xơ như thế nào?
Nngười bệnh đái tháo đường nên dùng các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, nhiều chất xơ. Thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp giúp giữ lượng đường trong máu ổn định. Những thực phẩm này thường sẽ không làm tăng lượng đường trong máu quá nhanh như thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.
Có 2 loại chất xơ là chất xơ hòa tan trong nước và chất xơ không tan trong nước.
- Chất xơ hòa tan trong nước có nhiều trong các loại đậu như: đậu nành, đậu ngự, đậu tây, rau, trái cây... Chất xơ hòa tan sẽ hấp thụ độ ẩm, giúp phân mềm hơn và dễ đi ngoài hơn.
- Chất xơ không hòa tan trong nước như: cám lúa mì, hạt ngũ cốc chưa xay, rau. Chất xơ này hút nước, tăng khối lượng chất bã khiến quá trình thải cặn bã mau hơn. Chất xơ không hòa tan không hấp thụ độ ẩm, nhưng tăng tốc độ di chuyển thức ăn qua ruột.
Nghiên cứu cũng cho thấy, ăn ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp và bệnh tim. Chúng cũng là nguồn thức ăn cho vi khuẩn có lợi trong hệ vi sinh vật đường ruột giúp giảm viêm trong cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt rất giàu vitamin B và chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại. Chúng có nhiều chất xơ, liên kết với các axit béo như LDL cholesterol và mang chúng ra khỏi cơ thể trước khi chúng có thể làm tắc nghẽn động mạch và dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt phổ biến bao gồm: Cám, bánh mì nguyên cám, yến mạch, lúa mì nguyên cám, gạo lứt, hạt giống…
3. Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt cho người bệnh đái tháo đường
- Rau
Các loại rau chứa lượng chất xơ rất dồi dào, giàu vitamin và khoáng chất nhưng lại chứa rất ít carbohydrate, giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát tốt lượng đường máu.
Bông cải xanh là một trong những loại rau giàu chất xơ và nhiều chất dinh dưỡng nhất. Sulforaphane là một hợp chất chứa lưu huỳnh được tìm thấy tự nhiên trong các loại rau họ cải, bao gồm bông cải xanh và mầm bông cải xanh.
Sulforaphane có thể giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách tăng hấp thu glucose từ máu bằng cách điều chỉnh các protein truyền tín hiệu kiểm soát tế bào gan và phản ứng của chúng với insulin.
Cải xoăn cũng là một lựa chọn thông minh với người bệnh đái tháo đường. Cải xoăn cung cấp một loạt các chất dinh dưỡng thiết yếu, bao gồm vitamin A, C, E và K, sắt, canxi và kali. Đồng thời nó chứa ít calo và carbs.
- Trái cây
Không chỉ là thực phẩm cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tuyệt vời, trái cây còn là một nguồn chất xơ dồi dào rất tốt cho hệ tiêu hóa và giúp ổn định đường huyết.
Các loại trái cây phù hợp cho người bệnh đái tháo đường là những loại chứa ít glucose, nhiều chất xơ và vitamin.
Người bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây có chỉ số đường huyết thấp (GI bằng 55 hoặc ít hơn) giúp đường huyết tăng một cách chầm chậm. Hạn chế ăn trái cây có chỉ số đường huyết cao (GI bằng 70 trở lên) khi ăn vào đường tăng nhanh.
Những trái cây có chỉ số đường huyết thấp nên lựa chọn là: ổi, bưởi, cam, táo, lê, thanh long, bơ, chuối…
Những trái cây có chỉ số đường huyết cao nên hạn chế là: nhãn, vải, mít, sầu riêng…
- Gạo lứt
Ăn gạo lứt đã được chứng minh là giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu sau bữa ăn tốt hơn ở những người mắc bệnh đái tháo đường và thậm chí có thể giúp ngăn ngừa bệnh đái tháo đường type 2.
Những tác dụng này được cho là nhờ chất xơ, tinh bột cháy chậm, chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa của gạo lứt cũng như khả năng giúp nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột có liên quan đến bệnh đái tháo đường và phòng chống béo phì.
Có nhiều loại gạo lứt (đen, nâu, đỏ), người bệnh nên ăn phối hợp cả 3 loại, khi nấu nên nấu cùng với các loại hạt như: hạt đậu, hạt sen… Tuy nhiên, gạo lứt không tốt cho các bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính, người đang bị rối loạn tiêu hóa, chứng khó tiêu hoặc mới phẫu thuật đường tiêu hóa.
- Yến mạch
Yến mạch có thể thúc đẩy sức khỏe tim mạch do hàm lượng chất xơ hòa tan và nó có thể hỗ trợ làm giảm cholesterol. Điều này rất quan trọng vì những người mắc bệnh đái tháo đường dễ mắc bệnh tim. Hàm lượng chất xơ cao trong yến mạch cũng giúp người bệnh cảm thấy no lâu hơn và giúp kiểm soát cân nặng.
Người bệnh đái tháo đường nên chọn loại yến mạch già hoặc đã được cắt thép (yến mạch thô). Những loại này chứa một lượng chất xơ hòa tan cao hơn, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu tốt hơn và được chế biến tối thiểu để làm chậm quá trình tiêu hóa. Không nên ăn bột yến mạch đóng gói sẵn hoặc bột yến mạch ăn liền có thêm đường và muối hoặc ăn quá nhiều cùng một lúc lại có thể làm tăng lượng đường trong máu.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()