Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:42 (GMT +7)
Vì sao ngữ liệu đề thi Văn tốt nghiệp THPT 2021 gây tranh cãi?
Chủ nhật, 11/07/2021 | 15:03:01 [GMT +7] A A
Giáo viên phân tích về ngữ liệu đang gây tranh cãi trong câu đọc hiểu đề Văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Bản dịch cuốn “Bí mật của nước” (Masaro Emoto) còn lủng củng, thiếu trau chuốt là một trong những hạn chế của đề thi Văn năm 2021.
Ngữ liệu gây tranh cãi
Bàn về ngữ liệu phần Đọc hiểu của đề thi tốt nghiệp THPT môn Văn năm nay, nhiều người bình luận cuốn “Bí mật của nước” là cuốn sách thuộc thể loại “phi giả tưởng” (non-fiction) chứ không phải là “giả tưởng” (fiction).
Bởi hình thức trình bày không có cốt truyện và ghi chép những gì tác giả thấy trong hiện thực, cũng như diễn giải kiến thức. Như vậy, cuốn sách không thuộc thể loại văn chương nên đề thi Văn đưa đoạn trích này vào phần Đọc hiểu là không đúng.
Tuy nhiên, cá nhân người viết cho rằng, cho dù cuốn sách “Bí mật của nước” không thuộc thể loại văn chương nhưng cũng có thể ra đề đọc hiểu cho một đề thi Văn. Bởi những hình ảnh như “sông”, “nước”, “thuyền” ẩn dụ cho dòng đời, thân phận con người trong văn hóa Việt.
Đất nước chúng ta sông ngòi dạy đặc, cuộc sống của con người hầu như đều gắn với sông nước. Theo tác giả Trịnh Sâm (nhà Ngôn ngữ học), sông nước và những thực thể liên quan đến sông nước có một vai trò to lớn trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt.
Với tư cách là chủ thể tri nhận, con người thường phóng chiếu hình bóng của chính mình lên môi trường sông nước, qua tương tác, môi trường ấy ngược chiếu lại chính con người và xã hội.
Điều này được thể hiện rõ nhất qua bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận (SGK Văn lớp 11 hiện hành). Bao quát bài thơ “Tràng giang” là bức tranh sông nước mênh mông, con thuyền phó mặc trôi theo dòng nước, cành củi khô vô định. Hình ảnh con thuyền, dòng nước biểu trưng cho thân phận nhỏ bé của con người trên dòng đời.
Trên dòng sông ấy, ẩn dụ dòng đời mang theo cả nghĩa thực thể, dòng đời mà con người phải đi qua có bao nhiêu sóng gió, bao nhiêu ngã rẽ mà với thân phận nhỏ bé, con người khó có thể đoán định được. Như thế, rõ ràng dòng đời và dòng sông có nhiều nét tương đồng. Thông qua hình ảnh sông nước, chúng ta có thể hiểu phần nào về cuộc đời người, con người, kể cả hoàn cảnh xã hội.
Bản dịch lủng củng
Cùng với đó, dư luận cho rằng, bản dịch “Bí mật của nước” (tác giả Masaro Emoto, Nhà xuất bản Lao Động năm 2019) còn lủng củng, thiếu trau chuốt, dẫn đến phần nào gây nhàm chán cho học sinh khi làm bài. Đọc kĩ văn bản “Bí mật của nước” (tác giả Masaro Emoto, Nhà xuất bản Lao Động năm 2019), tôi nhận thấy, nội dung bản dịch còn một số hạn chế như sau.
Câu văn “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn”. Câu này dịch lủng củng vì lặp lại hai từ “nhiều”. Lẽ ra nên dịch: “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều hơn nữa”.
Tiếp đến văn bản tách câu “Một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi”, cũng chưa phải là câu vì còn thiếu vị ngữ. Có thể diễn đạt: “Một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi cũng trở thành những câu chuyện của nước".
Nhưng tốt nhất là nên gộp 2 câu thành 1 câu: “Khi nước gặp con người, nó còn được chứng kiến nhiều chuyện nhiều hơn: một ông lão băng qua cầu, một cô gái trẻ trên chiếc xe đạp, một đôi tình nhân ngồi ngắm sông trôi” thì rất hợp lí, bởi câu mới này đã có đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ.
Hay câu “Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ cuối cùng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một đường bờ biển mới và rộng rãi” cũng chưa rõ ràng. Câu văn này thiếu chủ ngữ, người đọc không biết cái gì tạo nên “khởi nguồn”, “tạo nên một đường bờ biển mới và rộng rãi”.
Nên dịch “Đều có khởi nguồn như một bờ cát nhỏ, cuối cùng chúng đã phát triển thành một vùng đất rộng lớn, tạo nên một bờ biển mới và rộng rãi” (thêm một dấu phảy và từ chúng).
Như thế, chưa bàn đến nội dung các câu hỏi của đề thi thì phần ngữ liệu cũng bất ổn. Nên chăng, đề thi Văn cấp quốc gia cần bỏ hẳn phần đọc hiểu, vì nội dung những câu hỏi liên quan manh mún, dễ dãi, không phù hợp với học sinh lứa tuổi 18.
Theo vtc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()