Với cách tính hiện nay, hai khách hàng dùng cùng lượng điện, tiền trả như nhau, nhưng chi phí nhà đèn bỏ ra cho họ chưa được phản ánh chính xác, theo chuyên gia.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tuần trước cho biết đơn vị này báo cáo Bộ Công Thương để sớm thí điểm cơ chếgiá hai thành phần(gồm lượng điện tiêu thụ và công suất) trong năm nay, trước khi triển khai diện rộng từ 2025.
Hiện, Việt Nam áp dụng giá một thành phần theo Quyết định 28 cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, tức tiền trả theo lượng dùng trong tháng. Chẳng hạn, một tháng hộ gia đình sử dụng 500 kWh. Tiền phải trả = kWh tiêu thụ x giá bán lẻ ứng với mỗi bậc thang (giá sinh hoạt hiện là 6 bậc).
Với nhóm sản xuất, kinh doanh, hóa đơn = số kWh tiêu thụ x giá theo cấp điện áp, khung giờ (bình thường, thấp, cao điểm).
Ông Nguyễn Minh Đức (Liên đoàn Thương mại & Công nghiệp Việt Nam, VCCI) cho rằng, cách tính hiện nay không phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng. Đây là điểm bất cập.
Ví dụ hai hộ gia đình, hộ 1 dùng 24 kW trong một giờ và hộ 2 là 24 kW một ngày. Tiền họ trả như nhau, cùng giá bậc 1, song thực tế chi phí vận hành, đầu tư cho hai trường hợp này khác nhau.
Với trường hợp đầu, EVN bỏ chi phí đầu tư quy mô công suất dùng 24 kW (chi phí cố định) và phí vận hành cho một giờ (chi phí biến đổi). Trường hợp 2, phí đầu tư công suất ít hơn, chỉ 1 kW, nhưng tiền vận hành tính trong 24 giờ. Như vậy, mức đầu tư của nhà đèn cho hộ gia đình 1 gấp nhiều lần so với hộ 2.
Tương tự, với các nhà máy sản xuất, nhu cầu công suất mỗi tháng khoảng 1.500 kW, ngành điện phải đầu tư trạm biến áp, đường dây và quản lý vận hành tương ứng mức công suất này.
Trường hợp nhà máy giảm sản xuất, lượng tiêu thụ ít đi và tiền trả hàng tháng tính trên số kWh tiêu thụ thực tế. Lúc này, ngành điện chịu lỗ các chi phí vận hành, quản lý đường dây, trạm. Tức, chi phí đầu tư bị dàn trải, bất kể nhà máy nhỏ hay lớn.
Cơ chế hiện tại, theo PGS.TS Trần Văn Bình (Đại học Bách khoa Hà Nội), có ưu điểm đơn giản, nhưng chưa phản ánh đúng chi phí của người dùng. Chưa kể, với biểu giá cho sản xuất, kinh doanh, khung giờ thấp-cao điểm hiện thay đổi nhiều so với 10 năm trước - thời điểm đưa ra biểu giá hiện hành.
Thực tế, điện là hàng hóa đặc biệt, quá trình sản xuất, vận hành gồm hai thành phần là điện năng tiêu thụ và công suất đăng ký. Vì thế, theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) việc nghiên cứu thí điểm cơ chế giá bổ sung phần công suất, là cần thiết.
Tuy nhiên, trước mắt việc thí điểm này chỉ nghiên cứu áp dụng cho khách hàng dùng điện sản xuất, kinh doanh - những hộ tiêu thụ lớn và đang áp giá theo thời gian dùng trong ngày.
Còn hộ dùng sinh hoạt chưa áp dụng, nên tiền điện của họ không bị ảnh hưởng do vẫn trả theo biểu giá hiện hành.
Với cơ chế tính giá hai thành phần, theo chuyên gia, sẽ tránh đầu tư dàn trải, chi phí được tính sát với từng nhu cầu sử dụng.
Về bản chất, tiền trả theo giá hai thành phần = tiền của điện tiêu thụ và khoản cho công suất đăng ký.
Trong đó, giá công suất, theo ông Bình, có thể tính theo mức sử dụng của khách hàng hoặc suất chi phí đầu tư của EVN. Phần chi phí đầu tư của nhà máy sẽ chia riêng cho từng khách hàng.
Tức là, hộ dùng phải trả cho mỗi 1 kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không dùng hết, họ phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Ưu điểm của cách tính giá này, theo Cục Điều tiết điện lực, các hộ có cùng lượng dùng nhưng hệ số phụ tải (nhu cầu thực tế so với công suất đăng ký) thấp hơn, thì tiền phải trả cao hơn. Việc này nhằm điều tiết nhu cầu sử dụng, trong khi EVN vẫn có thể thu hồi chi phí đầu tư.
Hơn nữa, cùng công suất đăng ký như nhau, đơn vị nào có thời gian dùng nhiều thì giá bình quân thấp hơn. Nghĩa là, chi phí họ trả cho một đơn vị điện năng sẽ giảm do giá công suất (chi phí cố định) không đổi. Đây cũng là ưu điểm của cách tính giá này.
Ví dụ, hai doanh nghiệp A và B có dùng lần lượt 2,7 MWh và 7,5 MWh. Họ cùng đăng ký công suất dùng 2.000 kW. Với giả định, giá công suất là 216.540 đồng một kW/tháng; nhu cầu dùng thực tế so với công suất đăng ký (Hệ số phụ tải) của A và B lần lượt là 0,14% và 0,84%.
So sánh hóa đơn, giá bình quân của hai doanh nghiệp khi áp cách tính hiện hành (điện năng tiêu thụ) và khi thêm giá công suất:
Đơn vị
Doanh nghiệp A
Doanh nghiệp B
Tổng
Tính theo điện tiêu thụ (giá một thành phần):
Lượng tiêu thụ
MWh (=1.000 kWh)
2,7
7,5
10.283
Giá bình quân
đồng/kWh
1.364
1.364
1.364
Tiền phải trả
tỷ đồng
3,7
10,3
14
Tính theo điện tiêu thụ và công suất (giá hai thành phần):
Công suất sử dụng lớn nhất
kW
2.000
2.000
4.000
Giá công suất
đồng/kW/tháng
216.540
216.540
216.540
Chi phí cố định (giá công suất x công suất sử dụng)
tỷ đồng
0,43
0,43
0,86
Chi phí biến đổi (phí vận hành/giờ)
đồng/kWh
1.011
1.011
1.011
Hệ số phụ tải (nhu cầu dùng thực tế so với công suất đăng ký)
%
0,14
0,84
0,66
Tiền trả
tỷ đồng
5,85
8,2
14
Giá bình quân
đồng/kWh
2.161
1.079
1.364
(Nguồn: Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương)
Ví dụ trên cho thấy, tiền EVN thu từ hai doanh nghiệp là như nhau, trên 14 tỷ đồng khi tính theo hai cách.
Nhưng, cùng công suất đăng ký (2000 MW), giá bình quân doanh nghiệp B phải trả thấp hơn khi thời gian dùng nhiều hơn. Tức là, mức dùng thực tế sát với công suất đăng ký thì càng được lợi về giá. Theo Cục Điều tiết điện lực, đây là động lực để người dùng có trách nhiệm, điều tiết hành vi sử dụng, tối ưu chi phí.
"Họ đăng ký công suất với nhà cung cấp, nhưng thêm thiết bị, vượt mức đăng ký, công tơ điện sẽ nhảy. Khi đó, họ phải tiết giảm, hoặc ký tăng lên", ông Bình nói.
Với nhà sản xuất, cơ chế giá hai thành phần cũng giúp họ tính được nhu cầu của toàn hệ thống dựa trên công suất đăng ký của khách hàng. "Giá hai thành phần sẽ phát ra những tín hiệu cho nhà sản xuất, đảm bảo bù đắp chi phí vật tư và vận hành", ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá nhận định.
Đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết áp dụng thêm giá công suất còn giúp giảm đầu tư nguồn và mở rộng lưới. Đặc biệt, với những khách hàng đăng ký công suất lớn hơn so với thực tế nhu cầu, họ vẫn phải trả tiền dù không dùng và ngành điện sẽ thu hồi được cả chi phí đầu tư. Cách này nhằm đảm bảo giá phản ánh đúng, đủ chi phí.
Dù vậy, ông Trần Văn Bình lưu ý, EVN và Bộ Công Thương cần xây dựng biểu giá cơ bản để thí điểm, sau đó tổng kết và nhân rộng theo lộ trình. Cùng đó, cơ quan quản lý phải có cơ chế hạch toán chi phí, giám sát độc lập để tăng minh bạch khi áp dụng cách tính thêm giá công suất.
Ý kiến ()