Nắng nóng đến sớm ngay từ tháng 3 và kéo dài sang tháng 5 đã ảnh hưởng đến nhiều nước Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, hai trong những quốc gia đông dân nhất thế giới.
Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, nước này đã ghi nhận tháng 3 nóng nhất kể từ năm 1901, với nhiệt độ trung bình toàn quốc ở mức 33,1°C. Nhiệt độ tháng 4 và 5 tiếp tục tăng cao, thậm chí vượt ngưỡng 50°C tại nhiều địa điểm.
Cục Khí tượng Pakistan hôm 13/5 cũng ghi nhận mức nhiệt 50°C tại thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh. Tại các vùng đầm lầy lớn của đất nước, nhiệt độ ban ngày cũng cao hơn từ 5°C đến 8°C so với bình thường.
Nguyên nhân
Nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng thời tiết cực đoan ở Nam Á trong những tháng vừa qua có liên quan đến biến đổi khí hậu. Nắng nóng gia tăng cả về tần suất và mức độ là một trong những hậu quả trực tiếp nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Sóng nhiệt cũng đã thiêu đốt Bangladesh trong hai tháng qua. Theo Met Office, nhiệt độ vượt mức 40°C đã được ghi nhận tại nhiều thành phố lớn ở phía bắc và tây nam đất nước vào hôm 24/4, như Chuadanga (41°C), Jashore (40,4°C), Rajshahi (40,3°C) và Ishwardi (40,2°C).
Trong khi đó, nắng nóng trên 36°C đã ảnh hưởng đến hàng trăm nghìn người tại các khu dân cư đông đúc như Vavuniya, Anuradhapura và Kurunegala của Sri Lanka, một nước láng giềng khác của Ấn Độ, theo Trung tâm Quản lý Thiên tai.
Nam Á không xa lạ gì với nhiệt độ khắc nghiệt, nhưng đợt nắng nóng này là bất thường vì nó xuất hiện sớm hơn nhiều, khởi phát nhanh và đạt ngưỡng gay gắt trên một khu vực rộng lớn thay vì tập trung tại một vài địa điểm.
Nam Á là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Trong Báo cáo Đánh giá lần thứ 6, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết các đợt nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt và thường xuyên hơn ở Nam Á trong thế kỷ này. Tần suất xuất hiện các sự kiện cực đoan như sóng nhiệt ở Ấn Độ và Pakistan có khả năng tăng cao gấp 30 lần, theo Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Sóng nhiệt bắt đầu khi một hệ thống khí quyển áp suất cao lắng xuống một khu vực, đôi khi được kích hoạt bởi những nhiễu động cách nửa vòng Trái Đất. Hệ thống này nén và làm nóng không khí, trong khi ép các đám mây ra ngoài. Nếu không có mây ở trên, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào vùng đất bên dưới, lấy đi hơi ẩm có thể giúp làm mát không khí. Khi áp suất tăng lên, ánh sáng mặt trời chiếu xuống mặt đất nhiều hơn và theo thời gian, nhiệt tích tụ lớn hơn.
Bên cạnh sóng nhiệt, các nhà nghiên cứu nói rằng lượng mưa thấp cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến đợt nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ và Pakistan.
Theo Naresh Kumar, nhà khoa học cấp cao tại Cục Khí tượng Ấn Độ, nắng nóng bao trùm nước này còn được thúc đẩy bởi các yếu tố khí quyển địa phương.
Các nhiễu động phía tây, bắt nguồn từ khu vực Địa Trung Hải, khiến lượng mưa trước gió mùa giảm mạnh ở phía tây bắc và miền trung Ấn Độ. Hoạt động của xoáy nghịch - một vùng có áp suất khí quyển cao, nơi không khí chìm xuống - cũng dẫn đến thời tiết khô nóng tại các khu vực phía tây Ấn Độ vào tháng 3.
Ý kiến ()