Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:46 (GMT +7)
Vì sao Mỹ khó có thể cho phép Ukraine gia nhập NATO?
Thứ 5, 13/07/2023 | 14:00:09 [GMT +7] A A
Bất kỳ động thái thực sự nào của Washington trong việc mời Kiev gia nhập NATO đều đồng nghĩa với việc sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
Theo bình luận của đài RT, cuộc khủng hoảng Ukraine đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng trong việc xác định giới hạn hiện diện quân sự của mình ở châu Âu. Bất kỳ động thái thực sự nào của Washington trong việc mời Kiev gia nhập NATO đều đồng nghĩa với việc sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga. Nhiều người tin rằng một lựa chọn ít rủi ro hơn sẽ là hứa hẹn với chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky một số đảm bảo song phương đặc biệt.
Khối quân sự NATO được thành lập trên cơ sở sự phân chia thực sự của châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến thứ hai. Kết quả của cuộc đối đầu vũ trang lớn nhất trong lịch sử nhân loại, phần lớn các quốc gia châu Âu đã mất vĩnh viễn khả năng tự quyết những vấn đề cơ bản trong chính sách quốc gia của mình, trong đó yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất chính là quốc phòng và khả năng hình thành liên minh với các quốc gia khác. Châu Âu bị chia rẽ giữa các bên chiến thắng thực sự của cuộc xung đột - Moskva và Washington. Chỉ có Áo, Ireland, Thụy Điển, Phần Lan và một phần nhỏ của Thụy Sĩ nằm ngoài khu vực ảnh hưởng của họ.
Cả hai cường quốc đều có quyền không chính thức để xác định trật tự nội bộ của các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát của mình. Ngay cả Pháp, nước tiếp tục thể hiện tư duy tự do trong nhiều thập kỷ, cũng không nghi ngờ gì về việc họ sẽ ngả về bên nào trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột toàn cầu mới.
NATO được thành lập vào năm 1949 để chính thức tước đi khả năng tự đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại và học thuyết quân sự của các đồng minh của Mỹ tại châu lục này. Về mặt này, NATO không khác gì Hiệp ước Warsaw đã xuất hiện trong phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô.
Mối quan hệ giữa Mỹ và các nước NATO khác chưa bao giờ là một liên minh theo nghĩa truyền thống. Trong thế kỷ trước, các liên minh cổ điển đã không còn tồn tại hoàn toàn - khoảng cách về khả năng quân sự giữa các siêu cường hạt nhân và mọi quốc gia khác trên thế giới trở nên quá lớn.
Một liên minh quân sự giữa các nước tương đối bình đẳng là có thể như đã từng có cho đến giữa thế kỷ trước nhưng vũ khí hạt nhân đã khiến điều này trở nên bất khả thi. Các quốc gia có chủ quyền cũ của châu Âu đã trở thành một căn cứ lãnh thổ mà từ đó các cường quốc có thể đàm phán trong hòa bình và hành động trong chiến tranh. Việc thành lập NATO và sự gia nhập sau đó của các quốc gia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Tây Đức vào liên minh là một sự chính thức hóa ranh giới thống trị của Mỹ mà Liên Xô đã đồng ý trong quan hệ song phương.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, việc mở rộng sự kiểm soát của Mỹ đối với các đồng minh cũ của Moskva ở Đông Âu và thậm chí cả các nước cộng hòa Baltic cũng không phải là một chính sách gây rủi ro nghiêm trọng cho Washington. Ngẫu nhiên, đây là lý do tại sao NATO có một quy tắc không chính thức là không kết nạp các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với các quốc gia thứ ba. Sự mở rộng của NATO sau Chiến tranh Lạnh dựa trên sự lừa dối, với việc Mỹ hứa với Moskva rằng họ sẽ không mở rộng khối liên minh quân sự này đến biên giới Nga. Tuy nhiên, thời kỳ đầu đầu, Nga không đủ sức mạnh để chống lại, đồng nghĩa với việc Mỹ có thể tạo ảnh hưởng lên các quốc gia không có mối đe dọa xung đột quân sự ngay lập tức. Cách tiếp cận của Mỹ đối với NATO vẫn đúng với triết lý của những người chiến thắng năm 1945: không có quốc gia có chủ quyền, chỉ có các vùng lãnh thổ được kiểm soát.
Một khi quyết định được đưa ra ở Washington, đó chỉ là vấn đề chiến lược để đảm bảo rằng chính quyền địa phương đưa ra quyết định "đúng". Điều này càng trở nên tồi tệ hơn khi việc gia nhập NATO của các quốc gia mới trong những năm 1990 và 2000 được "đóng gói" với sự mở rộng của Liên minh châu Âu. Điều này mang lại cho giới tinh hoa tại các nước đó mọi lý do để khao khát gia nhập khối, từ đó họ mong đợi những lợi ích vật chất hữu hình. Đối với một số quốc gia Baltic và Ba Lan - tư cách thành viên trong khối cũng cung cấp khả năng giải quyết các vấn đề nội bộ thông qua chính sách chống Nga bằng cách nuôi dưỡng “nỗi sợ hãi đối với người hàng xóm khổng lồ ở phía Đông”. Ở các nước Baltic, vị thế của một tiền đồn của Mỹ cũng được giới tinh hoa sử dụng để chống lại bất kỳ sự phản đối nào từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Đối với các quốc gia đã gia nhập, NATO trở thành sự đảm bảo cho sự ổn định nội bộ. Vì các quyết định quan trọng nhất đối với họ được đưa ra bên ngoài hệ thống chính trị quốc gia của họ, không có lý do gì để cạnh tranh nội bộ và không có nguy cơ gây bất ổn nghiêm trọng.
Tất nhiên, không có quốc gia nào an toàn trước những xáo trộn chính trị nội bộ nhỏ, chẳng hạn như những xáo trộn chính trị do thay đổi chính phủ - đặc biệt nếu quốc gia nắm quyền không được Mỹ ưa thích. Nhưng những thay đổi căn bản, thường liên quan đến các vấn đề chính sách đối ngoại, đã trở nên bất khả thi. Các chính quyền ở Đông Âu và Baltic ngay lập tức nhận ra rằng họ sẽ không tồn tại lâu trong quyền lực mà không nằm dưới sự kiểm soát của Washington - sự đoạn tuyệt với Moskva và vị trí ngoại vi của của họ hứa hẹn quá nhiều vấn đề.
Đối với chính Hoa Kỳ, như chúng ta đã thấy, việc mở rộng sự hiện diện của họ chưa bao giờ đặt ra bất kỳ mối đe dọa hay rủi ro nghiêm trọng nào. Ít nhất là cho đến bây giờ. Đây chính xác là những gì đang được chỉ ra bởi những người ở Mỹ đang kêu gọi một cách tiếp cận thận trọng để đáp ứng yêu cầu của chính quyền ở Kiev về tư cách thành viên. Một lời kêu gọi được hỗ trợ bởi một số thành viên của khối.
Điều này được hiểu rằng một cuộc đụng độ quân sự giữa Moskva và NATO sẽ đồng nghĩa với chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, trở lại thời Liên Xô, Mỹ tin rằng bất kỳ cuộc xung đột nào với Liên Xô đều có thể giới hạn ở châu Âu và sẽ không liên quan đến các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ của nhau. Có lý do để tin rằng Moskva cũng cảm thấy như vậy trong Chiến tranh Lạnh.
Sự mở rộng về phía Đông của NATO sau Chiến tranh Lạnh là một trường hợp giành được các vùng lãnh thổ mà không ai muốn xung đột. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay ở Ukraine, đối với Mỹ không phải là vấn đề giành lãnh thổ, mà là lấy nó từ một cường quốc đối thủ muốn giữ Washington đứng ngoài. Điều này chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử NATO và người ta có thể hiểu những người ở Tây Âu và Mỹ đang kêu gọi xem xét nghiêm túc các hậu quả có thể xảy ra.
Việc mời Kiev gia nhập NATO có thể có ý nghĩa hoàn toàn mới đối với chính sách đối ngoại của Mỹ - sẵn sàng chiến đấu trực diện với một đối thủ ngang hàng như Nga. Trong suốt lịch sử, người Mỹ luôn tránh xa điều này, sử dụng những “người chơi” khác vì lợi ích của Mỹ. Đây là trường hợp đã xảy ra trong cả Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Do đó, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là Mỹ sẽ tự giới hạn mình trong việc hứa hẹn giải quyết vấn đề Ukraine và NATO sau khi chính quyền Kiev đã giải quyết các vấn đề với Nga bằng cách này hay cách khác. Trước khi điều đó xảy ra thì chắc chắn Mỹ có lẽ sẽ chỉ hứa hẹn một số điều khoản "đặc biệt" trên cơ sở song phương.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()