Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:12 (GMT +7)
Vì sao mống mắt lại được thu thập làm dữ liệu căn cước công dân?
Thứ 6, 01/12/2023 | 11:26:02 [GMT +7] A A
Mống mắt của mỗi người có cấu trúc đường vân duy nhất và không thay đổi nhiều theo thời gian, đây là lý do chúng được nhiều nước sử dụng làm cơ sở dữ liệu nhận dạng.
Trong Luật Căn cước mới vừa được Quốc hội thông qua nêu rõ thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin nhân dạng; thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; nghề nghiệp…
Mống mắt là một trong những thông tin sinh trắc học phục vụ cho dữ liệu căn cước công dân mới được nhiều người quan tâm. Có người cho rằng việc thu thập mống mắt là quan trọng, đặc biệt hỗ trợ người không thu nhận được vân tay như khuyết tật hay vân tay bị biến dạng. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết và phức tạp trong quá trình thu thập dữ liệu căn cước công dân.
Vậy mống mắt là gì và tại sao lại được nhiều nước trong đó Việt Nam sử dụng làm cơ sở dữ liệu nhận dạng cho căn cước công dân?
Cấu trúc độc nhất vô nhị
Theo định nghĩ về sinh học, mống mắt (Iris), theo cách đơn giản và dễ hiểu được chúng ta thường xuyên gọi là tròng đen của mắt. Mặc dù được gọi là tròng đen nhưng nó lại thường có nhiều màu khác nhau như xanh, đen, nâu...
Đặc biệt, cấu trúc các đường vân trên mống mắt rất phức tạp, gồm những đường sóng uốn lượn từ trong ra ngoài. Những đường sóng này tạo thành một cấu trúc riêng biệt, được xem là duy nhất với mỗi người (thậm chí khác nhau giữa cả mắt trái và mắt phải của một người).
Từ những đặc điểm trên mống mắt cũng như vân tay có thể được ứng dụng để sử dụng làm cơ sở dữ liệu nhận dạng.
Để thu thập và nhận diện mống mắt (Iris Recognition) cần có một cảm biến với camera và đèn chiếu tia hồng ngoại.
Tia hồng ngoại giúp camera ghi nhận chính xác các đường vân trên mống mắt của mỗi người, ngay cả khi người đó đeo kính áp tròng hay mắt kính. Hình ảnh mống mắt sẽ được chụp lại và lưu trữ mã hóa trên thiết bị.
Và để nhận diện mống mắt trên cơ sở dữ liệu cũng cần đến thiết bị chuyên dụng, đơn giản như điện thoại thông minh cho đến phức tạp như máy quét an ninh.
Hiện nay công nghệ bảo mật bằng mống mắt đã trở nên phổ biến và xuất hiện trong nhiều mặt của đời sống. Đơn giản nhất là nhận diện mống mắt trên một số dòng điện thoại thông minh, truy cập các website yêu cầu bảo mật cao cho đến ra vào các cơ sở yêu cầu an ninh.
Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng công nghệ này để nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu, điền thông tin xác thực qua các cổng thông tin trực tuyến.
Xu hướng bảo mật của tương lai
Theo Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), mống mắt là một trong ba dữ liệu nhận dạng bên cạnh dấu vân tay và khuôn mặt được Mỹ sử dụng trong hệ thống nhận diện tương lai (NGI) để quản lý dữ liệu công dân. Trong đó công nghệ nhận diện mống mắt được đánh giá là là bảo mật có độ an toàn hơn vân tay.
Điều này xuất phát từ việc mống mắt của con người từ khi được hình thành vào 10 tháng tuổi cho đến khi trưởng thành gần như không thay đổi. Xác suất hai mống mắt giống nhau hoàn toàn là gần như không thể. Do đó, mống mắt có độ an toàn ổn định và không gây nhầm lẫn.
Công nghệ nhận dạng mống mắt dễ dàng được tích hợp vào các hệ thống an ninh hiện tại hoặc hoạt động như một thiết bị độc lập. Quét mống mắt không dễ bị đánh cắp, mất mát hay xâm nhập giống như vân tay.
Ở khía cạnh an ninh, nhận dạng mống mắt vừa có tốc độ thực hiện nhanh, chính xác và không cần tiếp xúc như vân tay, mang đến sự an toàn cho người dùng..., nhất là trong hoàn cảnh có dịch bệnh truyền nhiễm.
Dù vậy theo các chuyên gia y tế, mống mắt không thể bị thay đổi nhưng chúng vẫn có thể bị hư hại do các nguyên nhân bệnh lý hoặc tác động từ bên ngoài chấn thương mắt; xuất huyết nội nhãn; phù viêm do viêm màng bồ đào, viêm mống mắt; viêm mống mắt dị sắc; Glaucoma có dùng thuốc tra nhỏ kéo dài; u lành và ác của mống mắt; bệnh đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc…
Do đó, mống mắt chỉ nên được sử dụng như một trong các phương pháp thu thập dữ liệu và xác minh nhận dạng công dân.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()