Đái tháo đường bắt đầu với tình trạng rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, làm đường huyết cao hơn bình thường. Do đó, các bác sĩ thường khuyến cáo người bệnh nên tự kiểm tra chỉ số đường huyết vào các thời điểm trong ngày như buổi sáng mới ngủ dậy, sau ăn sáng, ăn trưa và buổi tối trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân đái tháo đường dù đã áp dụng chế độ ăn kiêng và thay đổi lối sống nhưng các biểu hiện như chóng mặt, khô miệng, khát nước, đi tiểu thường xuyên, nhìn mờ, mệt mỏi vẫn xuất hiện sau khi thức dậy. Theo các nhà khoa học, hiện tượng này có thể do hiệu ứng bình minh và hiệu ứng Somogyi chi phối.
Hiệu ứng bình minh
Đường huyết sẽ có xu hướng tăng vọt lúc 2-8 giờ sáng. Theo lý giải của các nhà khoa học, hiện tượng này được gọi là hiệu ứng bình minh. Trong khoảng thời gian này, cơ thể sẽ bắt đầu tạo ra glucose dự trữ để chuẩn bị cho ngày mới, đồng thời tiết ra một số hormone cortisol, glucagon và epinephrine làm giảm độ nhạy cảm với insulin.
Với người bình thường, cơ chế này được xem là hiện tượng bình thường và tự cơ thể họ sẽ có khả năng điều chỉnh nên không gây ra triệu chứng đáng kể. Tuy nhiên, hiệu ứng bình minh này lại có thể ảnh hưởng lớn đến người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân là do cơ thể của họ không đủ lượng insulin để chống lại tác dụng của các hormone này, từ đó khiến đường huyết tăng cao kéo dài. Theo Cleveland Clinic (Mỹ), có khoảng 50% những người mắc bệnh tiểu đường type 2 gặp phải hiệu ứng này.
Hiện tượng Somogyi
Hiện tượng Somogyi (tăng đường huyết dội ngược) cũng là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao vào sáng sớm. Đây là hiện tượng các chu kỳ đường huyết tăng cao vào buổi sáng sau một đợt hạ đường huyết của đêm ngay trước đó. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng các hormone hoạt động chống lại insulin và khiến đường huyết tăng.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng Somogyi thường xảy ra khi người bệnh dùng quá nhiều hoặc quá ít insulin trước khi đi ngủ, hoặc khi họ bỏ bữa ăn nhẹ vào ban đêm. Cách để ngăn ngừa hiệu ứng Somogyi là tránh bị hạ đường huyết ngay từ đầu bằng cách cần có liều thuốc tiêm chuẩn ngay từ đầu. Để hạn chế hiệu ứng Somogyi người bệnh có thể điều chỉnh liều hay thay đổi loại insulin trước khi ngủ và ăn nhẹ trước khi tiêm.
Cách phân biệt hiệu ứng bình minh và hiện tượng Somogyi
Hiệu ứng bình minh và hiện tượng Somogyi đều cho ra kết quả tăng đường huyết vào buổi sáng. Tuy nhiên chúng lại có cơ chế có khác nhau. Ở hiện tượng Somogyi, người bệnh sẽ hạ đường huyết vào ban đêm và tăng đường huyết vào buổi sáng.
Trong khi đó, đường huyết của hiện tượng bình minh sẽ ở mức bình thường hoặc tăng cao vào lúc 2 đến 3 giờ sáng. Theo các nhà khoa học, sự khác biệt này rất quan trọng vì nó sẽ giúp bác sĩ đưa ra hướng xử trí phù hợp với người bệnh.
Với hiệu ứng bình minh, bệnh nhân cần: ăn sáng nhẹ nhàng hơn; không ăn carbohydrate trước khi đi ngủ;
không nên uống sữa sau 8 giờ đêm; điều chỉnh liều thuốc tiêm insulin hay thuốc uống điều trị đái tháo đường.
Với hiện tượng Somogyi, bệnh nhân cần: tập thể dục buổi tối sớm hơn; ăn sáng đúng giờ để cơ thể bạn kiềm chế các hormone chống insulin và giúp mức đường huyết trở lại bình thường; ăn bữa ăn nhẹ với một số chất bột đường và chất đạm trước khi đi ngủ. Nếu người bệnh đang dùng insulin, hãy hỏi bác sĩ để chuyển sang máy bơm insulin tự động, lập trình để nó giải phóng ít insulin qua đêm hơn.
Ý kiến ()