Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:38 (GMT +7)
Vì sao Chị đẹp đạp gió khó có concert như 2 show Anh trai?
Thứ 7, 21/12/2024 | 07:39:53 [GMT +7] A A
Chị đẹp đạp gió bước đến công diễn 3, nhưng đường đến với concert còn rất xa vì chưa tạo được dấn ấn khác biệt.
Khi Anh trai vượt ngàn chông gai tổ chức 2 đêm concert bùng nổ, nhiều khán giả đã nhắc đến "trái ngọt" cho Chị đẹp đạp gió rẽ sóng. Với Anh trai say hi còn tổ chức liên tục 4 concert đều thu hút hàng chục nghìn khán giả mỗi show.
Ở mùa 1, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng có nhiều tiết mục ấn tượng, đạt triệu lượt xem trên YouTube và quy tụ dàn sao tên tuổi.
Chương trình không có concert sau khi khép lại do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Điều đó khiến khán giả mong chờ Chị đẹp mùa 2 có thể tổ chức một đêm diễn quy mô.
Tuy nhiên, nhìn lại hành trình mùa 2, Chị đẹp đạp gió khó đi đến cái kết là một concert hoành tráng như show Anh trai vượt ngàn chông gai đã có.
Sau 3 công diễn, chương trình chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa. Đến nay, chỉ có 3/23 tiết mục trong các công diễn đạt trên 1 triệu lượt xem, trong đó "Nếu anh là em" có thành tích cao nhất là tiến vào top 10 YouTube Thịnh hành.
Con số đó là khá khiêm tốn nếu so với Anh trai vượt ngàn chông gai có sân khấu "Trống cơm" gây sốt, đạt hạng 1 YouTube Thịnh hành ngay ở công diễn 1.
Xét về âm nhạc, chất lượng chuyên môn của Chị đẹp đạp gió mùa 2 chưa tìm được điểm chạm với khán giả.
Các ca khúc chủ yếu được nghe nhiều do bài hát gốc đã nổi tiếng, tính nghe lại không cao và khả năng leo hạng gần như không có.
Khán giả nhận xét ngay cả những tiết mục có phong cách đặc thù như "Mưa tháng sáu" lấy cảm hứng từ anime (hoạt hình Nhật Bản) hay "Vì yêu cứ đâm đầu" có màu sắc viễn tưởng, "September Flower" có concept thần tiên, chất liệu âm nhạc vẫn còn nhạt nhòa, khiến phần nghe không ăn khớp phần nhìn.
Đó là lý do những ca khúc đã quen thuộc với khán giả được "mặc áo mới" nhận lại nhiều ý kiến trái chiều, có người nói họ quên luôn bản gốc, hay không nhận ra ca khúc gốc.
Nhìn lại hơn 20 ca khúc đã được biến tấu lại, có thể thấy phần lớn trong số đó là ca khúc nhạc trẻ, quen thuộc với khán giả gen Z hoặc 9X, ít những bài hát đã đi cùng năm tháng.
Vì vậy, chương trình cũng làm mất đi tinh thần ban đầu là kết nối quá khứ và hiện tại, phục vụ nhiều thế hệ khán giả.
Việc giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền liên tục đưa các sáng tác của mình vào công diễn cũng khiến màu sắc âm nhạc của show thiếu sự đa dạng, ít những bài hát "quốc dân" có tuổi đời hàng chục năm.
Mỗi công diễn, chuyện thắng - thua được định đoạt bởi các khán giả trường quay đều gây tranh cãi. Những tiết mục ấn tượng đôi khi lại nằm áp chót, hoặc một đội giành chiến thắng nhờ có nhiều thành viên độ nhận diện cao với công chúng.
Chưa kể, qua gần 2 tháng lên sóng, dàn "chị đẹp" chưa có cộng đồng người hâm mộ chung và riêng vững chắc.
Bởi lẽ, muốn tổ chức được concert, cần có 2 yếu là chương trình có nhiều khán giả ủng hộ và riêng từng cá nhân có cộng đồng người hâm mộ riêng.
Trừ một số ca sĩ nổi tiếng như Minh Hằng, Tóc Tiên hay dàn sao trẻ đông fan như MisThy, Gil Lê, các "chị đẹp" còn lại có ít fan "cứng", có thể ủng hộ lâu dài và chi tiền cho các hoạt động quảng bá.
Sắp tới, vẫn còn 2 công diễn và đêm chung kết để Chị đẹp đạp gió chinh phục khán giả. Nhưng để khán giả bỏ tiền ra xem concert, trên hết, chất lượng âm nhạc, sân khấu phải thực sự tương xứng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()