Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:32 (GMT +7)
Vì nông thôn xanh - sạch - đẹp
Thứ 3, 05/07/2022 | 10:17:47 [GMT +7] A A
Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua từ tỉnh đến các ngành, địa phương luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường lên hàng đầu.
Phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội
Hoàn thành tiêu chí môi trường nông thôn luôn là bài toán khó, cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là mỗi người dân để thay đổi từ nhận thức, thói quen đến hành động. Xác định được điều này, ủy ban MTTQ và đoàn thể các cấp chủ trì, phối hợp với sở, ngành xây dựng chương trình hành động cụ thể để tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tham gia bằng nhiều mô hình.
Những năm qua, hội nông dân các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động nông dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, nhất là các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ đề lớn về môi trường, như Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường...
Các cấp hội nông dân còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải tại hộ gia đình, thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; vận động, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo quy trình trồng trọt, chăn nuôi vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn VietGAP. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân về bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Hằng năm HND tỉnh đều đưa chỉ tiêu “Tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường” thành một trong những chỉ tiêu chính để xếp loại. Trên cơ sở đó, các cấp hội xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các ngành để thực hiện các chương trình, hoạt động. Đặc biệt, qua chương trình xây dựng NTM đã huy động được sự tham gia tích cực của hội viên nông dân trong thực hiện tiêu chí môi trường.
Các mô hình về bảo vệ môi trường gắn với xây dựng NTM đã trở thành nét riêng tiêu biểu của tổ chức hội phụ nữ các cấp. Cuộc vận động được các cấp hội phụ nữ tập trung triển khai, đạt nhiều kết quả rõ nét, đi vào nền nếp ở tất cả các địa phương. Các cấp hội đã tập trung nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra sự thay đổi trong ý thức, trách nhiệm đối với môi trường.
Nổi bật là phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", đã được các cấp hội thực hiện gắn với chương trình xây dựng NTM với nhiều nét mới, chiều sâu, cụ thể, chất lượng, phù hợp.
Thời gian qua, 100% các cơ sở hội đăng ký với cấp ủy chính quyền địa phương hàng trăm công trình xây dựng NTM, như: Di chuyển chuồng trại chăn nuôi xa nơi ở; xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường không rác; tuyên truyền giải phóng mặt bằng làm đường liên thôn... Đồng thời duy trì 138 mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”; 120 mô hình “Chi hội phụ nữ sống xanh”; biểu dương 50 gia đình tiêu biểu thực hiện “5 không, 3 sạch”; mô hình "Biến rác thành tiền"; 725 đoạn đường xanh, sạch, đẹp phụ nữ làm nòng cốt; trang bị 45.245 thùng rác công cộng để phân loại rác tại gia đình; thành lập 1 tổ phụ nữ sản xuất sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa tại phường Hà Trung (TP Hạ Long)...
Dồn lực cho năm 2022
Tại những địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM luôn được xem là một nhiệm vụ khó. Bởi tiêu chí này không thể giải quyết chỉ bằng nguồn ngân sách đầu tư, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự chuyển biến nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, thói quen trong sinh hoạt, sản xuất, đời sống của người dân.
Để đảm bảo mục tiêu toàn tỉnh về đích NTM trong năm nay, các địa phương Ba Chẽ, Bình Liêu, Vân Đồn, Hạ Long đang rất khẩn trương dồn lực cho hoàn thành tiêu chí này. Kinh nghiệm của các địa phương đã hoàn thành xây dựng NTM, giải bài toán khó về môi trường nông thôn khá phong phú, có thể được vận dụng hiệu quả ở các địa phương đang đẩy nhanh về đích xây dựng NTM.
Như huyện Ba Chẽ, qua rà soát từ đầu năm đã đặt ra những giải pháp rất cụ thể trong thực hiện tiêu chí môi trường. Với số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân ăn, ở, sản xuất vệ sinh được đặt lên hàng đầu với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”.
Huyện huy động người dân tham gia trồng cây xanh dọc các tuyến đường; hoàn thành mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh tại xã Đạp Thanh với quy mô 100 tấn; hỗ trợ hộ dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh… Đặc biệt, huyện triển khai Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về bảo vệ môi trường bền vững, nâng cao chất lượng dòng sông Ba Chẽ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại TP Hạ Long, lời giải cho bài toán về môi trường nông thôn được đặt ra cho cả năm 2022 là phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây nhà tiêu hợp vệ sinh, tặng thùng rác, hướng dẫn hộ khó khăn phân loại rác thải tại nguồn; ra mắt mô hình “Tổ công nhân vì môi trường xanh - Tự quản về an ninh, trật tự”; vận động nhân dân sản xuất theo quy trình Vietgap…
Do địa hình phức tạp, nằm xa trung tâm, dân cư thưa thớt, TP Hạ Long còn 10 xã miền núi (Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Tân Dân, Bằng Cả, Quảng La, Sơn Dương, Dân Chủ, Vũ Oai, Hòa Bình, Đồng Lâm) gặp khó khăn trong việc cấp nước sạch. Để giải bài toán nước sạch cho người dân, thành phố đang nghiên cứu chủ trương đầu tư dự án cấp nước sạch tập trung cho các xã này với các hạng mục chính là: Đập tràn, khu xử lý, đường ống cấp nước thô… với tổng mức đầu tư gần 190 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2024-2027. Sau khi hoàn thành, hệ thống sẽ đáp ứng nhu cầu của nhân dân, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()