Các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình vi tính để tìm hiểu những khu vực trong đường hô hấp dễ bị ảnh hưởng bởi hít thở vi nhựa độc hại nhất. Họ công bố phát hiện trên tạp chí Physics of Fluids, Live Science hôm 19/6 đưa tin.
Mohammad S. Islam, tác giả chính của nghiên cứu ở Đại học New South Wales, Sydney, và cộng sự xây dựng một mô hình vi tính nhằm phân tích những mẩu nhựa nhỏ li ti thường di chuyển và tích tụ ở đâu bên trong đường thở. Thông quan phân tích sự tuần hoàn này trong điều kiện thở nhanh và chậm với 3 hình dáng mẩu nhựa (hình tròn, hình tứ diện và hình trụ), nhóm nghiên cứu nhận thấy các khối vi nhựa lớn nhất, cỡ 5,56 micron (bằng 1/70 bề rộng sợi tóc người), là loại nhiều khả năng mắc kẹt nhất. Nơi chúng có xu hướng trôi tới là đường hô hấp trên như khoang mũi và phía sau cổ họng.
Năm 2019, một nhóm nhà khoa học ước tính có tới 16,2 mẩu vi nhựa chui vào đường thở mỗi giờ, có nghĩa con người có thể hít thở lượng vi nhựa độc hại tương đương một chiếc thẻ tín dụng mỗi tuần. Islam và cộng sự dựa trên phát hiện đó để tính toán cách vi nhựa di chuyển quanh hệ hô hấp.
Vi nhựa là những mẩu nhựa nhỏ li ti dài chưa đến 5 milimet, theo Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). Chúng là phần sót lại từ chất thải công nghiệp và hàng hóa tiêu dùng, có thể tìm thấy trong khí quyển và trên khắp đại dương. Giới nghiên cứu vẫn chưa biết đầy đủ tác động của vi nhựa tới cơ thể người. Tuy nhiên, vi nhựa có thể tiêu diệt tế bào của con người, gây viêm ruột và giảm khả năng sinh sản ở chuột. Vi nhựa cũng có thể mang theo virus, vi khuẩn và nhiều hóa chất độc hại khác.
Các nhà nghiên cứu cho biết bước tiếp theo là tìm hiểu vi nhựa tích tụ bên trong phổi bằng cách nào thông qua xem xét những yếu tố như độ ẩm và nhiệt độ. Theo họ, vi nhựa đang trở nên ngày càng phổ biến. "Hàng triệu tấn hạt vi nhựa nằm trong nước, không khí và đất. Sản xuất vi nhựa trên toàn cầu đang tăng vọt và mật độ vi nhựa trong không khí cũng tăng đáng kể", Islam nói.
Ý kiến ()