Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:40 (GMT +7)
Vì mục tiêu sinh kế bền vững
Thứ 4, 29/03/2023 | 09:06:14 [GMT +7] A A
Các mô hình trồng rừng gỗ lớn không chỉ hứa hẹn mang lại sinh kế bền vững cho chủ rừng, mà còn góp phần mở ra triển vọng sản xuất hàng hóa lâm sản có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhìn xa để thắng lớn
Trồng rừng từ những năm 1990, chủ yếu là cây keo tai tượng; năm 2021 được chính quyền xã Đồng Lâm (TP Hạ Long), các tổ chức đoàn thể, trong đó có HND, tuyên truyền, vận động, hộ anh Bàn Hữu Mạnh (thôn Đèo Đọc) đã chuyển đổi hơn nửa diện tích đất rừng của gia đình sang trồng cây quế. Anh Mạnh cho biết: Gia đình có 7ha trồng cây keo mấy chục năm nay, sau một chu kỳ 6 năm, thu nhập khoảng 360 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Nếu chuyển sang trồng cây quế, tuy chu kỳ khai thác có dài hơn, nhưng thu nhập có thể cao gấp 4-5 lần; nên từ năm 2021, gia đình đã chuyển 4ha trồng cây keo sang trồng cây quế để nâng giá trị từ rừng.
Nhiều chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh đang dần thay đổi tư duy, chuyển hướng sang mô hình trồng rừng gỗ lớn nhằm tạo sinh kế bền vững hơn trong tương lai. Bà Tằng Chíu Múi (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) cho biết: Nhận thấy lợi ích từ trồng rừng gỗ lớn nên gia đình đã chuyển 2ha trồng cây keo sang trồng cây quế. Hiện rừng quế của gia đình sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 2-3 tấn lá, cành, vỏ, thu nhập khoảng 200 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng cây keo.
Theo lãnh đạo HND tỉnh, phong trào trồng rừng gỗ lớn đã và đang được các cấp HND tỉnh triển khai từ nhiều năm trước, nhận được sự quan tâm, tham gia của nhiều hộ có rừng. Đặc biệt, trong 2 năm qua, khi chủ trương này được đẩy mạnh thì diện tích rừng gỗ lớn ngày càng được mở rộng. Đến hết năm 2022, HND các cấp đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cây giống, phân bón cho các hộ hội viên, nông dân toàn tỉnh trồng trên 51ha rừng gỗ lớn với các loại cây lim, giổi, lát, quế…
Bên cạnh nhân rộng những cánh rừng gỗ lớn, HND các cấp tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và an ninh nguồn nước. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, nông dân trong bảo vệ rừng; lên án, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, phá hoại, khai thác rừng trái phép. Trong năm 2022, HND tỉnh đã xây dựng 3 mô hình điểm cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng gỗ lớn, gắn với bảo vệ nguồn sinh thủy các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung tại các địa phương Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ.
Cùng nông dân làm giàu từ rừng
Quảng Ninh là địa phương có diện tích rừng lớn với hơn 370.000ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong nước, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 55%. Xác định kinh tế rừng là một trong những hướng đi giúp hội viên, nông dân giảm nghèo hiệu quả, những năm qua, các cấp HND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 28/11/2019) của BTV Tỉnh ủy "Về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.
HND các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; tổ chức trao hàng nghìn cây giống cho hội viên, nông dân; phối hợp với các đơn vị chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây gỗ lớn cho những hộ dân có nhu cầu. Hằng năm, các cấp HND đăng ký xây dựng mô hình điểm cộng đồng trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng cây gỗ lớn.
HND tỉnh phát huy hiệu quả nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) để hỗ trợ hội viên, nông dân vay vốn phát triển các mô hình kinh tế trồng rừng, cây bản địa, ươm cây giống, gắn với khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng; hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân liên kết, phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp liên quan đến kinh tế rừng. HND tìm kiếm, giới thiệu, làm cầu nối để doanh nghiệp liên kết với nông dân trong cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra theo chuỗi giá trị. Qua đó, nhiều diện tích đất rừng đã được phủ xanh, cải thiện môi trường sinh thái, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân.
Năm 2023, mục tiêu trồng rừng của Quảng Ninh là trồng 1 triệu cây phân tán và 11.640ha trở lên rừng sản xuất; trong đó có 2.000ha cây lim, giổi, lát. Thực hiện mục tiêu chung, các cấp HND tỉnh vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân phấn đấu trồng 196ha rừng gỗ lớn. Theo đó, Hội tiếp tục phát động và đưa việc trồng, bảo vệ rừng, cây xanh trở thành phong trào thi đua rộng khắp, gắn với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguyên Ngọc
- Đông Triều: Liên kết, tiêu thụ nông sản cho nông dân
- 60.000 - là số hội viên nông dân đăng ký thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh hàng năm
- Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của hội viên, nông dân
- Đánh giá tình hình thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam tại Quảng Ninh
- Đoàn ĐBQH tỉnh - Hội Nông dân tỉnh: Tổ chức lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Liên kết website
Ý kiến ()