Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long Vì mục tiêu phát triển bền vững
Chủ nhật, 02/06/2024 | 14:47:22 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, với nhiều giá trị nổi trội đã được quốc gia, quốc tế công nhận, đặc biệt có Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long sở hữu hệ sinh thái và động thực vật đa dạng, có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, bảo tồn ĐDSH là nhiệm vụ quan trọng để tỉnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tiềm năng quý giá
Quảng Ninh có diện tích trên 12.000km2, bao gồm hơn 6.200km2 đất liền và hơn 6.100km2 mặt biển là ngư trường khai thác rộng lớn, có đường bờ biển dài 250km, có hai vịnh lớn là Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và 2.077 hòn đảo chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước; có trên 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha diện tích eo biển và vịnh kín.
Quảng Ninh là địa phương có ĐDSH nổi trội với cả 3 hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên cạn (hệ sinh thái rừng), hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển tập trung tại khu vực Vịnh Hạ Long và 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Vườn quốc gia Bái Tử Long, Khu bảo tồn thiên nhiên rừng quốc gia Yên Tử và Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng). Theo thống kê, đến nay, tỉnh Quảng Ninh có ĐDSH với hơn 7.300 loài, chi, họ thuộc 19 ngành, 3 giới động vật, nấm, thực vật và 19 hệ sinh thái chính, trong số đó có nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp thuộc Sách đỏ Việt Nam.
Nhắc đến ĐDSH của Vịnh Hạ Long là nhắc đến sự da dạng về hệ sinh thái và đa dạng loài sinh vật. Đây là khu vực được xác định có đa đạng cao các hệ sinh thái với nhiều kiểu hệ sinh thái đặc thù của quần đảo đá vôi vùng nhiệt đới như: Hệ sinh thái các thảm thực vật trên đảo và hệ sinh thái hang động, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái vùng triều đáy mềm, hệ sinh thái vùng triều đáy cứng, hệ sinh thái bãi triều cát, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng - áng và hệ sinh thái vùng ngập nước thường xuyên ven bờ.
Về sinh vật, hiện nay, Vịnh Hạ Long đã thống kê được 2.949 loài động thực vật với 1.259 loài động thực vật sống trên cạn và 1.553 loài sinh vật sống trong thuỷ vực. Trong đó, có 102 loài quý hiếm đang bị đe dọa ở các cấp độ khác nhau theo Sách đỏ Việt Nam, Công ước CITES, Danh lục đỏ của IUCN và 17 loài thực vật đặc hữu thuộc Vịnh Hạ Long như: Cọ Hạ Long, thiên tuế Hạ Long, nhài Hạ Long, ngũ gia bì Hạ Long... Đặc biệt, trong số các loài thực vật phong phú có rất nhiều loài hoa có giá trị thẩm mỹ cao, có tiềm năng lớn trong nâng cao giá trị cảnh quan phải kể đến như: Bông mộc, hài vệ nữ hoa vàng, khổ cử đài tím, lan hài đốm…
Vườn quốc gia Bái Tử Long là nơi tập trung ĐDSH cao nhất tại Vịnh Bái Tử Long. Do có cấu tạo địa hình, địa chất đa dạng nên hệ sinh thái của Vườn quốc gia rất đa dạng gồm: Hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh nhiệt đới trên núi đất, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái thảm cỏ biển, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái thung áng trong núi đá vôi.
Vườn quốc gia Bái Tử Long cũng sở hữu sự đa dạng về loài và nguồn gen. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến thời điểm hiện nay tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đã ghi nhận sự xuất hiện của 2.212 loài sinh vật, trong đó, có 992 loài sinh vật trên cạn, có 1.220 loài sinh vật biển. Trong tổng số 2.212 loài sinh vật, có 108 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam cũng như Sách đỏ IUCN; trong đó có nhiều loài động, thực vật đặc biệt được quan tâm bảo tồn như: Trai lý, táu mặt quỷ, dè vàng, kim giao núi đá, báo gấm, cầy hương, đồi mồi, vích, cá heo, san hô, cỏ biển...
Sự đa dạng về hệ sinh thái, loài vật tại Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long đã tạo nên cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đặc sắc và ĐDSH cao, là tiềm năng quý giá cho tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
Bảo tồn bền vững
Xác định bảo vệ tài nguyên ĐDSH là một nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược, nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, bảo vệ sự ĐDSH, duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái nhất tại các khu bảo tồn thiên nhiên nói chung và khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long nói riêng.
Theo đó, tỉnh đã phê duyệt Đề án rà soát, xác định hiện trạng tài nguyên Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long, với 2.500ha rừng tự nhiên núi đá để cập nhật vào hồ sơ quản lý rừng phục vụ công tác bảo tồn ĐDSH, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững đối với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Đồng thời, tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý Vịnh Hạ Long xây dựng đề cương nghiên cứu thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Vịnh Hạ Long nhằm bảo tồn nghiêm ngặt tài nguyên tự nhiên khu vực Vịnh Hạ Long theo tiêu chí của khu bảo tồn thiên nhiên. Đồng thời, triển khai các giải pháp bảo tồn ĐDSH gồm: Khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực ĐDSH cao, tập trung các loài quý, hiếm, đặc hữu trên Vịnh Hạ Long; bảo tồn các loài thực vật quý trên Vịnh Hạ Long (Năm 2020, 2021 đã trồng 1.060 cây bông mộc trên các điểm tham quan của Vịnh); thực hiện giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn các giá trị di sản (giá trị cảnh quan, địa chất, địa mạo) theo bộ tiêu chí và giám sát ĐDSH trên Vịnh Hạ Long theo Bộ tiêu chí giám sát tài nguyên ĐDSH...
Vườn quốc gia Bái Tử Long, đặc biệt là khu vực đảo Minh Châu đang bảo tồn quần thể rừng cây trâm mốc cổ thụ, với gần 280 cây có tuổi đời từ 150-500 năm, trên 2.000 cây dưới 150 năm. Trong đó, trên 150 cổ thụ đáp ứng đủ các tiêu chí đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Quần thể trâm mốc bao quanh đảo góp phần chắn bão, chắn sóng bảo vệ xã đảo...
Để tiếp tục bảo tồn ĐDSH tại nơi này, mới đây, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) đã ký kết kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2026, trong đó, tập trung đánh giá tiềm năng, hiện trạng, cơ sở dữ liệu hệ sinh thái động thực vật tại Vườn quốc gia Bái Tử Long. Các đơn vị cũng đã khảo sát một số vị trí thuộc đảo Minh Châu và đảo Ba Mùn để làm cơ sở bước đầu xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về đặc điểm môi trường, ĐDSH và các hệ sinh thái biển…
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường hoạt động khẩn cấp ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã; bảo vệ và tôn trọng các phong tục, tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương như các khu bảo tồn, vườn quốc gia và những khu vực được công nhận Di sản thiên nhiên; áp dụng các giải pháp giảm ô nhiễm và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến ĐDSH.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()