Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:24 (GMT +7)
Khơi dậy niềm tin, ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững
Thứ 3, 19/03/2024 | 14:26:40 [GMT +7] A A
Với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND "Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025", cao gấp 1,4 lần so với trung ương về tiêu chí thu nhập, là mức cao thứ 2 (sau TP Hồ Chí Minh). Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết đã có những tác động quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội bền vững trên địa bàn tỉnh.
Đầu năm 2023 theo rà soát tiêu chí nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh, gia đình anh Voòng Dì Sàu (thôn Cao Sơn, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) thuộc hộ cận nghèo. Để tạo điều kiện cho gia đình anh nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, huyện hỗ trợ anh Sàu vay vốn theo cơ chế chính sách hộ cận nghèo để mở rộng diện tích trồng rừng quế.
Anh Sàu cho biết: "Được sự quan tâm, động viên của chính quyền địa phương, năm 2023 gia đình tôi được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng CSXH 50 triệu đồng để phát triển rừng quế. Đến nay rừng quế phát triển rất tốt. Đây vừa là động lực, vừa là nền tảng để gia đình tôi nâng cao thu nhập, quyết tâm thoát hộ cận nghèo trong năm 2024".
Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được mở rộng theo chuẩn nghèo mới của tỉnh trên địa bàn huyện Bình Liêu được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; hưởng hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh, thông tin truyền thông… Qua đó đã giúp các hộ gia đình tiếp tục có cơ hội tăng thu nhập, có cuộc sống ổn định hơn.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Liêu, việc quy định chuẩn nghèo riêng của tỉnh đã giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế, đồng thời cải thiện điều kiện sống cho nhiều hộ còn khó khăn trên địa bàn. Chính sách mới này đã tiếp thêm động lực để nhiều gia đình nỗ lực vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn. Huyện hiện chỉ còn 69 hộ nghèo (chiếm 0,89%), 1.166 hộ cận nghèo (chiếm 14,99%) theo tiêu chí của tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70,52 triệu đồng/năm; trong đó khu vực nông thôn đạt 65,2 triệu đồng/người, tăng 22,9 triệu đồng so với năm 2020.
Chuyển sang giai đoạn xây dựng và triển khai theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước đã góp phần tạo động lực, khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) miền núi, biên giới, hải đảo, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Các hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, nước sạch, thông tin truyền thông, các chính sách hỗ trợ về nhà ở…
Bà Trần Thị Quyên (phường Tràng An, TX Đông Triều) cho biết: "Từ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân, gia đình tôi đã có được một ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống và đã thoát nghèo. Đây là niềm hạnh phúc rất lớn với hoàn cảnh đơn thân nuôi hai con nhỏ, không việc làm ổn định như tôi. Tôi đang được địa phương tạo điều kiện tìm được việc làm ổn định để quyết tâm thoát hộ cận nghèo trong năm nay".
Thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2023 và chuẩn nghèo đa chiều mới áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, đến hết năm 2023 toàn tỉnh đã giảm 165 hộ nghèo (giảm 0,046%) và 1.145 hộ cận nghèo (giảm 0,313%); hiện còn 246 hộ nghèo (tỷ lệ 0,064%) và 3.063 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,797%). Đời sống của người dân được nâng lên. Theo số liệu thống kê, năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của đồng bào đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đạt trên 73,3 triệu đồng, tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2021.
Năm 2024 Quảng Ninh đặt mục tiêu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Để thực hiện được mục tiêu này, các địa phương đang tập trung giải quyết tốt hơn nữa vấn đề “tam nông”, giảm nghèo bền vững và phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đồng thời quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, phát triển văn hóa, xã hội, nhất là y tế, giáo dục.
Minh Hiền
Liên kết website
Ý kiến ()