Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 16:26 (GMT +7)
Vì một Vịnh Hạ Long xanh mãi xanh
Chủ nhật, 25/09/2022 | 08:34:57 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long có lẽ thuộc những điểm du lịch của tỉnh nói không với rác thải nhựa sớm nhất, từ tháng 9/2019. Kết quả rất đáng khích lệ khi đã giảm được 90% lượng rác thải nhựa dùng một lần phải thu gom tại các điểm tham quan trên vịnh. Vậy sau 2 năm thưa vắng khách bởi dịch bệnh, nay chương trình tăng cường trở lại sẽ nhận được phản hồi như thế nào từ các cơ sở dịch vụ cũng như du khách?
Từ ý thức tới hành động
Theo chân đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Cảng vụ Đường thủy nội địa, chúng tôi có mặt tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long vào dịp đầu tháng 9 vừa qua. Ở các cơ sở dịch vụ bán hàng nơi đây đã có những chuyển đổi nhất định khi bắt đầu tư vấn cho khách việc sử dụng chai nước thủy tinh và dùng túi ni lông tự phân hủy để đựng đồ cho khách.
Chị Nguyễn Thị Chiên, nhân viên bán hàng Siêu thị 7+1 tại đây còn chia sẻ rằng, chị thường tư vấn cho khách nếu uống nước trên cảng thì dùng chai nhựa còn nếu mang nước xuống tàu thì nên dùng chai thủy tinh. Cơ sở cũng nhập về túi ni lông sinh học tự phân hủy để thay thế, mặc dù giá thành cao gấp đôi so với túi ni lông thường…
Đây quả là một cách làm khá chủ động và đáng khích lệ. Theo đại diện Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, để có kết quả này thì đơn vị đã tuyên truyền cụ thể tới từng điểm dịch vụ trên bến, kể cả các chủ tàu du lịch thông qua các pa nô, biển báo và cả tuyên truyền trực tiếp, trên hệ thống loa phóng thanh của đơn vị.
Qua tìm hiểu được biết, công tác tuyên truyền tới các cảng bến cũng như các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch được Ban Quản lý Vịnh Hạ Long làm khá bài bản, sâu rộng, không chỉ thông qua các văn bản mà còn được nhắc nhở trực tiếp.
Cho đến nay đã có trên 200 doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch; 15 doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kayak, đò chèo tay và 51 doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản ký cam kết với Ban Quản lý Vịnh Hạ Long không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch trên vịnh. Đây cũng là toàn bộ số doanh nghiệp, cơ sở có đăng ký kinh doanh dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long hiện nay. Việc đồng loạt ký cam kết đã cho thấy ý thức, quyết tâm cao của các đơn vị.
Linh hoạt về cách làm
Qua chuyến khảo sát thực tế một số tàu và điểm du lịch trên vịnh cũng cho thấy điều này. Nhiều tàu du lịch đã có động thái thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần, túi ni lông trên tàu. Các chai nước lọc phục vụ khách giờ đây đều sử dụng sản phẩm của nhà cung cấp đựng trong chai thủy tinh.
Đặc biệt như tàu Long Giang 88 còn tự in một tấm biển với những hình vẽ sinh động để khuyến cáo du khách không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần như đũa, thìa, muỗng, dĩa, hộp, không dùng đồ thực phẩm làm từ nhựa, đặc biệt là nhựa màu đen; ưu tiên dùng các loại túi có thể tái sử dụng, dùng chai lọ thuỷ tinh thay cho chai nhựa, mua hàng với số lượng lớn để tiết kiệm bao bì…
Hay như tại các điểm bán hàng của Công ty CP Dịch vụ Vịnh Hạ Long tại khu vực động Thiên Cung - Đầu Gỗ, nước mía ép bán cho khách được đựng trong cốc giấy, ống hút giấy, các túi đựng sản phẩm đồ lưu niệm cho khách hoặc bằng túi giấy hoặc bằng túi ni lông sinh học.
Tại điểm dịch vụ chèo thuyền nan, kayak của HTX Vạn chài Con đò cổ tích (khu vực Ba Hang), các nhân viên chèo đò cũng chủ động mang siêu để đựng nước uống cho mình. Không chỉ giảm phát thải rác thải nhựa trong hoạt động dịch vụ, thời gian qua, HTX cũng đã tiến hành thay thế phao xốp bằng vật liệu bền vững HDPE theo nhiều đợt. Cho đến tháng 7 vừa qua, đơn vị đã thay thế hoàn toàn hệ thống phao xốp trước đây trên diện tích mặt sàn công trình lên tới 3.000m2, với kinh phí lên tới 1 tỷ đồng.
Không chỉ HTX Vạn chài Con đò cổ tích mà việc thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững (thuộc khuôn khổ Chương trình Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa) cũng được nhiều đơn vị, doanh nghiệp thực hiện khá tốt. Nhờ vậy, cho đến nay đã giảm được 94% lượng phao xốp tại các công trình nổi tại đây. Hiện chỉ còn một số ít đơn vị chưa thay thế hết, đó là những phao nằm ở giữa bè, chờ tới các đợt bảo dưỡng lớn sẽ tiếp tục thay thế, chiếm khoảng 6% số phao xốp trong các công trình nổi trên Vịnh Hạ Long.
Thay thế các sản phẩm từ nhựa dùng một lần thì lo ngại nhất là ảnh hưởng tới chi phí của các cơ sở dịch vụ, từ đó có thể khiến họ không tự giác chấp hành. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, khắc phục điều này, các cơ sở dịch vụ như Công ty CP Dịch vụ Vịnh Hạ Long đã nhập hàng với số lượng lớn nhằm giảm thiểu chi phí phát sinh, gia tăng...
Còn với tàu du lịch, nói về điều này, anh Nguyễn Văn Phương, thuyền trưởng đội tàu du lịch Huy Hoàng, cho hay, khi sử dụng các chai nước thuỷ tinh thì không ảnh hưởng gì tới chi phí của nhà tàu, vì vỏ sẽ được thu về để cơ sở sản xuất tái sử dụng. Và hiện cũng đã có đơn vị nghiên cứu để tiến tới cung cấp nước lọc đựng trong lon, khi ấy nhà tàu sẽ sử dụng các lon này, vừa tiện dụng hơn mà lại không gây hại cho môi trường…
Cần sự chung tay của cộng đồng
Có nhiều thuận lợi, nhất là được sự đồng thuận, ủng hộ của các cảng bến, cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, người dân và du khách, tuy nhiên không phải không còn những cái khó.
Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, cho hay: Cái khó nhất hiện nay để Vịnh Hạ Long không còn rác thải nhựa vẫn là ý thức của cộng đồng. Phải làm sao để mỗi doanh nghiệp, du khách chủ động trong việc giảm thiểu sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần và thay thế bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần.
Việc tuyên truyền phải làm cả trên bờ và dưới biển. Và cần có sự tham gia tích cực, ưu tiên dành nguồn lực từ các cơ quan bảo vệ môi trường, các địa phương có vùng nước giáp ranh với Vịnh Hạ Long. Bởi lẽ, hiện nay tình trạng sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản trái phép ở vùng giáp ranh còn nan giải, rác thải nhựa trôi nổi trên Vịnh chủ yếu xuất phát từ khu vực ven bờ…
Những điều này khá dễ thấy trong thực tế. Quay trở lại điểm di chuyển ban đầu của chúng tôi là cổng soát vé của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ở đây có những tấm biển cảnh báo không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và cả những chú cá đan mắt lưới rỗng để đựng chai nhựa, những thùng rác có biển phân loại rất dễ thấy nhưng nhiều du khách dường như không để ý, vẫn mang theo túi ni lông, chai nhựa ra cảng. Chỉ đến khi có sự nhắc nhở của nhân viên thì họ mới dừng bước, để lại đồ nhựa trên bến trước khi xuống tàu tham quan Vịnh Hạ Long.
Số chai nước phải bỏ lại khá nhiều, thật là đáng tiếc, giá như các nhà xe, cơ sở lưu trú và những công ty lữ hành có sự tuyên truyền, nhắc nhở với du khách từ xa, từ sớm thì chắc chắn sẽ không lãng phí số nước sạch này. Vì du khách hiện nay đa phần có ý thức tương đối cao trong việc giảm thiểu xả thải, bảo vệ môi trường chung.
Còn trên một số tàu du lịch, vẫn có tàu còn dùng nhiều sản phẩm từ nhựa dùng một lần, khi thấy đoàn kiểm tra thì rào rào thu dọn để tránh bị nhắc nhở, xử lý. Du khách cũng vậy, nếu như cố tình giấu các chai nhựa, túi ni lông trong túi xách thì việc phát thải rác thải nhựa trên vịnh là tất yếu.
Và các điểm bán hàng, với các đồ bao gói thực phẩm sẵn bằng nhựa còn rất phổ biến hiện nay thì việc hạn chế, thay thế ra sao, hay như việc để song song cả hai loại túi ni lông tự phân huỷ và túi ni lông thông thường, thì việc sử dụng loại nào chỉ có thể tuỳ thuộc vào ý thức người bán hàng…
Du lịch trên Vịnh Hạ Long sau hai năm thưa vắng vì dịch bệnh giờ đây đã và đang sôi động trở lại, lượng khách có sự gia tăng mạnh mẽ. Vì vậy, việc tiếp tục triển khai chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” là vô cùng cần thiết để hướng tới một di sản ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.
Nhưng để loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa trên Vịnh Hạ Long, thiết nghĩ không chỉ làm trong hoạt động du lịch, mà xa hơn cần lan toả trở thành một phong trào rộng khắp, nhằm từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Qua đó, góp phần vào việc bảo vệ môi trường nói chung và môi trường Vịnh Hạ Long nói riêng một cách bền vững hơn.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()