Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:22 (GMT +7)
Vì một Quảng Ninh xanh
Thứ 6, 27/01/2023 | 09:24:49 [GMT +7] A A
Hôm nay ngày 27/1 (mùng 6 Tết), hoạt động trồng cây xanh, hưởng ứng Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ diễn ra sôi động, phấn khởi trên cả 13/13 địa phương toàn tỉnh. Đây là hoạt động đầu tiên của năm mới của tỉnh Quảng Ninh nhằm hiện thực hoá nhiệm vụ trồng cây gây rừng năm 2023, hướng tới mục tiêu vì một Quảng Ninh xanh.
Theo kế hoạch của tỉnh, dịp Tết trồng cây này (tính đến hết quý I/2023), toàn tỉnh phấn đấu trồng 1 triệu cây xanh, tăng 2,5 lần so với mức trung bình chung các năm giai đoạn 2021 trở về trước, tăng cao hơn so với mục tiêu đề ra thuộc Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Trong đó, riêng trong ngày ra quân đầu tiên, mùng 6 Tết, toàn tỉnh phấn đấu trồng cây xanh nhiều nhất có thể.
Nét khác biệt trong Tết trồng cây năm nay là các địa phương tổ chức lễ phát động trồng cây trong một ngày, có sự tham dự và trực tiếp trồng cây xanh trên thực địa của các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Loại cây trồng trong Tết trồng cây năm nay chủ yếu là các loại cây bản địa, ưu tiên cây lim, giổi, lát, ngoại trừ huyện Cô Tô và TX Quảng Yên có thể trồng cây phân tán phù hợp tính chất đô thị, do 2 địa phương này tỉnh không giao chỉ tiêu trồng lim, giổi, lát. Tinh thần của Tết trồng cây năm nay là trồng cây gây rừng, tức trồng với số lượng lớn, tập trung, chất lượng cây sống sau trồng đạt cao nhất, thúc đẩy quá trình phát triển của cây, tạo ra những cánh rừng cây xanh từ hoạt động Tết trồng cây.
Theo ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đối với Tết trồng cây năm nay, tỉnh Quảng Ninh thay đổi cả cách thức, mục tiêu triển khai, hướng tới mục tiêu cao nhất là nhân lên những cánh rừng xanh, tạo thêm dư địa phát triển cho tỉnh.
Thực tế lễ phát động Tết trồng cây năm nay đã được đẩy thành cao điểm. Thông qua việc tổ chức đồng loạt trong một ngày, tạo sự lan toả, đưa nhiệm vụ trồng cây là một nhiệm vụ chính trị, khuyến khích toàn dân tham gia trồng cây gây rừng. Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh bám sát hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững nên lựa chọn loại cây trồng chủ yếu là lim, giổi, lát và cách thức trồng tập trung, đảm bảo cao nhất tỷ lệ cây sống, phát triển tốt sau trồng.
Cũng theo ông Bông, với 1 triệu cây trồng trong dịp Tết trồng cây này, Quảng Ninh có tương đương 100ha rừng, trong đó phần lớn là rừng lim, giổi, lát, góp phần chung vào mục tiêu trồng 2.000ha rừng lim, giổi, lát năm 2023.
Có thể thấy bằng nhiều cách thức, hoạt động trồng cây gây rừng của tỉnh trong những năm gần đây được đề cao và có sự đầu tư tương xứng, qua đó đạt được những kết quả rất đáng mừng. Năm 2022, Quảng Ninh trồng mới được gần 14.000ha rừng, cao nhất so với nhiều năm trở lại đây, trong đó bao gồm trên 2.100ha rừng lim, giổi, lát và gần 1.500ha rừng cây bản địa khác. Đây là những loại cây rừng đa tầng tán, sức sống tốt, chất lượng gỗ được đánh giá cao, tạo nên sự đa dạng sinh học của rừng cũng như làm giàu rừng, phát triển kinh tế rừng, là yếu tố để tạo nên sự phát triển bền vững của rừng.
Năm 2023 này, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng mới rừng đạt từ 12.000ha trở lên, trong đó trồng 2.000ha rừng lim, giổi, lát. Những thông số này là cơ sở để Quảng Ninh duy trì và nâng cao chất lượng tỷ lệ che phủ rừng trên toàn tỉnh đạt 55%, mức cao so với trung bình của cả nước. Đồng thời Quảng Ninh cũng là địa phương điển hình trong toàn quốc có những cánh rừng trồng là rừng lim, giổi, lát, loại cây rừng được đánh giá có chất lượng và tác dụng tốt nhất.
Có thể thấy Quảng Ninh đầu tư cho rừng là đầu tư cho môi sinh, môi trường, cho các tình huống ứng phó biến đổi khí hậu. Đầu tư cho rừng cũng là tạo sinh kế bền vững cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển cũng như tạo bệ đỡ cho các ngành kinh tế phát triển. Với những kết quả đã và đang có, rừng sẽ là dư địa phát triển, hoà cùng sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của các ngành kinh tế, hiện thực hoá mục tiêu phát triển mà tỉnh Quảng Ninh đã đề ra.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()