4
18
/
1100527
Vì một Quảng Ninh hạnh phúc
longform
Vì một Quảng Ninh hạnh phúc

Cover

Trong chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh (ngày 6/4/2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh, bảo đảm an sinh, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội. Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa trong mọi lĩnh vực của đời sống, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh đã xác định "Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo" là một trong ba khâu đột phá chiến lược nhiệm kỳ 2020-2025.

Văn hóa là một phạm trù rất rộng. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (ngày 24/11/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra khái niệm: Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ (một con người có văn hóa, một gia đình có văn hóa, một dân tộc có văn hóa; lối sống văn hóa, nếp sống văn hóa, cách ứng xử có văn hóa...).

Ảnh trong văn bản

Thăm và làm việc tại Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Từ xa xưa Quảng Ninh đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt", bởi có Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 600 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Trên sông Bạch Đằng vẫn còn ghi đậm dấu ấn những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân xâm lược vào thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII, viết nên bản hùng ca bất hủ, khẳng định nền độc lập dân tộc và vị thế quốc gia. Trúc Lâm - Yên Tử nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hoá Việt Nam gắn liền với vị vua - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hoá lớn Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông, đội quân hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, để lại tiếng thơm muôn thuở của một bậc minh quân thống nhất giữa Đời và Đạo, không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, hết lòng vì nước, vì dân.

Ảnh với chú thích
Bảo tàng Quảng Ninh thu hút đông khách dịp cuối tuần.

Như lời của Tổng Bí thư, Quảng Ninh là một vùng đất có kho tàng văn hóa khổng lồ, đặc sắc của 43 dân tộc anh em cùng sinh sống, phân bổ khắp từ vùng núi biên giới, trung du, cho tới miền biển đảo và liên tục phát triển qua các thời kỳ.

Đến nay, trên địa bàn hiện có 632 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gồm 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 54 di tích cấp quốc gia, 85 di tích cấp tỉnh, 488 di tích kiểm kê, phân loại. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn sở hữu 362 di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó có 6 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có khoảng 80 địa điểm khảo cổ, nhiều địa điểm khảo cổ là di tích.

Không chỉ giàu có với những di tích giá trị, sự đa dạng văn hóa còn tạo nên màu sắc cho 77 lễ hội truyền thống diễn ra thường niên gắn với các di tích, khu di tích. Có thể kể đến nhiều lễ hội lớn, diễn ra trong nhiều ngày và có tầm ảnh hưởng lớn, như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội xuân Ngọa Vân, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội chùa Ba Vàng,…

Qua đó, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo và du ngoạn của nhân dân, đồng thời đóng góp không nhỏ vào việc thu hút lượng du khách đến chiêm bái, hành lễ, tạo xu hướng phát triển “du lịch văn hóa tâm linh”. Người dân và du khách đến với lễ hội, nhất là lễ hội gắn với các di tích, ngày càng gia tăng, trung bình mỗi năm hơn 3 triệu lượt khách.

Ảnh với chú thích
Các lễ hội văn hóa tạo không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tinh thần đoàn kết và hiện thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân.

Với bề dày truyền thống và văn hóa, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước. Theo đó, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh tập trung thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các tầng lớp nhân dân.

Đồng thời, dành nguồn lực đầu tư bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc thiểu số trở thành các sản phẩm du lịch đặc sắc. Đặc biệt, quan tâm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp thời trang dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, những năm qua Quảng Ninh đã chủ động đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đồng bộ, cơ bản hoàn thiện về số lượng cũng như chất lượng hoạt động.

Có thể kể đến cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh có quy mô, kiến trúc hiện đại, tổng diện tích hơn 25.000m2, mức đầu tư trên 673,6 tỷ đồng. Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, đầu tư 1.100 tỷ đồng; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ ngồi, đầu tư 1.200 tỷ đồng; Cung Văn hóa thanh thiếu nhi, đầu tư trên 342,7 tỷ đồng.

Các địa phương được đầu tư hệ thống thư viện, trung tâm văn hoá thể thao, nhà văn hoá, các sân bóng đá, bể bơi… khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Ảnh với chú thích
Lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an xuân Yên Tử năm 2022 thu hút đông du khách và người dân đến tham quan, chiêm bái. 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở đã phát huy hiệu quả, cơ bản từng bước đáp ứng được nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và địa phương, cũng như tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, luyện tập thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn.

Đặc biệt, các thiết chế, văn hóa thể thao là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, gắn kết tinh thần đoàn kết dân tộc, thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Theo ông Hoàng Huy Trọng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ văn hóa luôn được huyện coi trọng. Đặc biệt, đối với các thôn, bản, nhà văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng, là địa điểm thường xuyên tổ chức hội họp, sinh hoạt của các đoàn thể; triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị do cấp trên giao; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí, nơi sinh hoạt của các câu lạc bộ… Từ đó, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Cùng với xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, việc phát triển văn hóa, con người là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Do đó các cấp, ngành và địa phương không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị, phát huy vai trò Khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, kiên trì gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để phát huy sức mạnh nội sinh, giữ vững ổn định và tạo động lực cho sự phát triển.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, việc phát triển văn hóa gắn với nâng cao chất lượng đời sống của người dân, cụ thể nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Cùng với đó, xây dựng văn hóa trong Đảng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; sự gương mẫu của mỗi đảng viên trong lối sống, học tập, rèn luyện và tu dưỡng để xây dựng con người Quảng Ninh “Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, văn minh, thân thiện” luôn được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật đề cao tính tiên phong, gương mẫu trong văn hóa ứng xử của người lãnh đạo, cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật và Hội Văn học nghệ thuật trong việc tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh...

Ảnh trong văn bản

Việc dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho các thiết chế văn hóa cùng bề dày truyền thống đã thêm nhiều điều kiện tốt để Quảng Ninh trở thành địa phương được vinh dự đăng cai 7 môn thi đấu SEA Games 31 (số lượng các môn thi đấu chỉ đứng sau Thủ đô Hà Nội).

Tỉnh đã chủ động, tích cực, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để cho các môn tổ chức thi đấu trên địa bàn tỉnh thành công tốt đẹp. Trong đó, chủ động lựa chọn những địa điểm tốt nhất, đẹp nhất để phục vụ các bộ môn thi đấu. Các địa điểm thi đấu như Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh, Sân vận động Cẩm Phả đều là những công trình được tỉnh đầu tư với mức kinh phí lớn, hiện đại, khang trang, tại những khu vực có thắng cảnh đẹp nhất.

Tỉnh cũng rà soát, nâng cấp, sửa mới các địa điểm diễn ra thi đấu, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế. Việc tổ chức thành công một sự kiện tầm cỡ khu vực đã khẳng định chủ trương đầu tư đúng đắn của tỉnh. Đồng thời mở ra những cơ hội trong tương lai để Quảng Ninh tiếp tục là điểm đến cho các sự kiện nổi bật của khu vực và quốc tế.

Ảnh với chú thích
Với sự đầu tư các thiết chế văn hóa một cách bài bản và chuyên nghiệp, Quảng Ninh là một trong các địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31. 

Từ sự hội nhập, giao lưu văn hóa đã tạo điều kiện để Quảng Ninh mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế. Đến nay, bên cạnh 6 địa phương của Trung Quốc, Quảng Ninh đã thiết lập quan hệ với 8 địa phương khác của các nước: Hàn Quốc, Lào, Belarus. Tỉnh đang xúc tiến phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác tiềm năng là Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ba Lan và một số đối tác khác ở châu Âu.

Những thành quả văn hóa đã đem lại những giá trị tích cực cho đời sống tinh thần của người dân, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa nội sinh, trong bối cảnh cơ chế thị trường và cuộc cách mạng KHCN, tỉnh đã xác định nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung, con người Quảng Ninh nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Thông qua việc tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương; Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9/3/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh.

Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế hiện nay; cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa, ban hành các văn bản phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương; chủ động đấu tranh, phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa.

Ảnh với chú thích
Tại các nhà văn hóa, Ngày hội bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022-2025 diễn ra trong không khí vui mừng, náo nức.

Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người; đồng thời giám sát các cấp ủy, chính quyền trong việc triển khai các nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh. Trong đó, quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa, tri thức pháp luật... để phát huy tinh thần dân tộc, yêu quê hương, nâng cao hiểu biết và ý thức tuân thủ pháp luật, tăng sức đề kháng cho thế hệ trẻ, nhất là trên mạng xã hội; đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập để mỗi người dân luôn tự hoàn thiện mình, cải tiến và nâng cao hiệu suất công việc của bản thân; tập trung xây dựng, nhân rộng các gương điển hình, người tốt việc tốt; kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; ban hành và đưa vào thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh trên cơ sở kế thừa và phát triển Bộ Quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”. Đồng thời, phát huy các yếu tố tích cực trong văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng, loại bỏ dần các yếu tố mê tín, dị đoan, các hủ tục trong thực hiện các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.

Cùng với đó, tỉnh hoàn thiện xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao một cách đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng địa phương, vùng miền, phong tục tập quán của các dân tộc; nâng cao hiệu quả, phát huy tối đa công năng sử dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao đời sống thể chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, coi trọng và phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng, nâng cao sức khoẻ người dân cả về thể chất và tinh thân, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số.

Ảnh với chú thích
Các lễ hội trên địa bàn TX Quảng Yên được quản lý, tổ chức đảm bảo trang trọng, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Trong ảnh: Lê hội Bạch Đằng (tháng 4/2021). Ảnh: Phan Hằng

Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa và phát triển con người; tăng cường đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người tại địa phương; quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa cho nhân dân, duy trì hoạt động hiệu quả của các CLB văn hóa, thể dục thể thao; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực...

Trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thông tin tuyên truyền là "vũ khí" quan trọng thông qua việc phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng các phương tiện truyền thông mới; thường xuyên tuyên truyền, định hướng tư tưởng, đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời trước những thông tin, quan điểm sai trái, lệch lạc. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới ở các cấp...

Hoàng Quỳnh

Ảnh: Nhóm PV
Đồ họa: Vũ Đức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu