Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Vì một nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp
Thứ 2, 06/05/2024 | 07:54:05 [GMT +7] A A
Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là ngành gây phát thải khí nhà kính khổng lồ, làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi cần có những mô hình giảm phát thải, phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp. Xác định rõ điều đó, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp carbon thấp, qua đó góp phần giảm thiểu khí thải, thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là đến năm 2030 mức phát thải carbon của Việt Nam sẽ bằng 0.
Nhiều mô hình, sáng kiến độc đáo
Nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về nguồn gốc, xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, đầu năm 2022, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên đã triển khai việc trồng rừng theo chuỗi tiêu chuẩn VFCS/PEFC cho 1.003 hộ trồng rừng liên kết với HTX trên địa bàn huyện Ba Chẽ, tổng diện tích trồng hơn 9.500ha.
Để tham gia trồng và quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC, các hộ dân phải tuân thủ các nguyên tắc canh tác an toàn: Không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, không được đốt thực bì... Đối với HTX, đã tổ chức tập huấn quy trình chọn cây giống, trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác gỗ đạt kết quả cao, đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Đến cuối năm 2022, HTX Lâm nghiệp Thuận Nhiên, đại diện cho các hộ dân được cấp chứng chỉ rừng. Qua đánh giá, rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường 10-15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng 15-25% (tương đương 150.000-200.000 đồng/m3) so với gỗ không có chứng chỉ, doanh thu bình quân tăng 45-50 triệu đồng/ha/chu kỳ kinh doanh (8-10 năm).
Ông Nguyễn Hoàng Tiệp, Phó Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (VFCO) chia sẻ: Rừng chứa đựng hàm lượng lớn oxy cung cấp cho sự sống và là thành phần quan trọng trong việc ngăn chặn xói mòi đất. Việc người dân tham gia trồng và quản lý rừng bền vững không chỉ tăng năng suất, giá trị kinh tế rừng trồng, mà lợi ích lớn nhất là bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Khi kết hợp cả hai với nhau, giá trị của việc trồng rừng sẽ lớn hơn rất nhiều nhờ có tính bền vững.
Trong lĩnh vực NTTS, Quảng Ninh hiện cũng đang là điểm sáng của cả nước về ban hành quy chuẩn vật liệu kỹ thuật trong NTTS. Đặc biệt là tỉnh đã xử lý, chuyển đổi trên 6 triệu phao xốp (đạt 97,8%); triển khai mô hình nuôi cá giò theo hướng VietGAP trong lồng bằng vật liệu HDPE đảm bảo an toàn sóng gió, thân thiện môi trường và gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Bản Sen (huyện Vân Đồn) với quy mô 750m3; nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn đảm bảo ATTP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại phường Tân An (TX Quảng Yên); nuôi biển kết hợp du lịch trải nghiệm tại huyện Vân Đồn...
Đánh giá về cách làm của tỉnh trong Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển, nhìn từ Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Quảng Ninh có hạ tầng, kỹ thuật rất tốt, cùng hệ sinh thái đang được hình thành với công nghệ cao, kết hợp phát triển du lịch trải nghiệm chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt. Với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả có thể thấy rõ những tín hiệu tích cực từ môi trường biển Quảng Ninh đang càng ngày càng sạch hơn. Quảng Ninh không chỉ nuôi biển, mà còn đang xây dựng một hệ sinh thái kinh tế môi trường biển cho hôm nay và cho thế hệ mai sau.
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiệu có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải nhà kính, nhiều mô hình hướng tới phát thải carbon thấp cũng được các địa phương đẩy mạnh triển khai. Đối với lĩnh vực trồng trọt, đến nay có mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo hướng VietGAP tại các huyện khu vực miền Đông đạt 110ha; 2 mô hình trà hoa vàng hữu cơ với tổng diện tích 10ha tại huyện Ba Chẽ và huyện Hải Hà; 2 mô hình về ứng dụng IPM trên cây lúa diện tích 6,0ha tại huyện Đầm Hà và TX Đông Triều.
Trong lĩnh vực chăn nuôi có một số mô hình chăn nuôi trang trại với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, quy trình khép kín, nhằm vừa đảm bảo sản xuất sản phẩm chất lượng, vừa giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường, như: Công ty TNHH Phú Lâm; Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường Quảng Ninh; Công ty CP Đông Bắc Green; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông, lâm, ngư nghiệp Phúc Long; trại gà Tân An.
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua triển khai mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải rắn hữu cơ và chất thải rắn chăn nuôi tại xã Bình Khê (TX Đông Triều) với quy mô 500 tấn nguyên liệu chất thải rắn hữu cơ thải bỏ; mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải rắn hữu cơ của quá trình chế biến miến dong tại xã Húc Động (huyện Bình Liêu) với quy mô 500 tấn nguyên liệu thu gom từ bã dong riềng.
Hướng đi tất yếu để phát triển bền vững
Theo các kết quả khảo sát cho thấy, sản xuất nông nghiệp góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Phát thải khí trong sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực trồng lúa nước, chăn nuôi và quản lý đất, sử dụng phân bón và quản lý đất phát thải, đốt tàn dư thực vật… Trong đó, gần 70% phát thải CO2 đến từ các hoạt động trồng trọt.
Với tư duy đổi mới và cùng hành động chuyển đổi mô hình sản xuất từ tăng trưởng về sản lượng, năng suất, sử dụng nhiều đầu vào, thâm dụng tài nguyên sang mô hình tăng trưởng nông nghiệp xanh, ít phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, Quảng Ninh đang hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền "Nông nghiệp xanh - giảm phát thải" với việc triển khai một loạt các mô hình nổi bật nói trên.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng nông nghiệp Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, như: Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh còn rất ít; việc đầu tư sản xuất chủ yếu vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ; việc áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn ở nhiều địa phương chưa chặt chẽ; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn chưa đầy đủ, hiệu quả thấp. Mặt khác, việc liên kết giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn rất hạn chế; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia. Việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn còn phụ thuộc vào điều kiện của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, địa phương và không gian, thời gian, tính chất của từng mô hình cụ thể.
Thực trạng này đang gây ra nhiều rủi ro cho môi trường và nguy hại hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, bao gồm cả người sản xuất và người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: Nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường... Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, hướng tới nền kinh tế xanh, nông nghiệp Quảng Ninh đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu thế tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.
Theo đó, ngành nông nghiệp đã đặt ra những mục tiêu chính, như: Tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Cùng với chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường, ngành nông nghiệp phấn đấu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong tỉnh. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản hữu cơ đạt tối thiểu 1,5% tổng diện tích nuôi trồng đối với một số sản phẩm có thế mạnh đặc trưng của tỉnh; diện tích đạt tiêu chuẩn hữu cơ đối với sản phẩm cây quế khoảng 20%... Đồng thời, mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp.
Với quyết tâm đạt những mục tiêu trên, ngành nông nghiệp cũng đã nhận diện và đưa ra những giải pháp đồng bộ cho từng lĩnh vực. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đẩy mạnh áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, gây ô nhiễm môi trường, làm thoái hóa đất canh tác và phát thải khí nhà kính. Tất cả các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi côn trùng, sản xuất năng lượng tái tạo...
Đối với thủy sản, ngành sẽ điều chỉnh cường độ và cơ cấu khai thác hải sản đảm bảo hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Trong lĩnh vực lâm nghiệp sẽ phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ quản lý bền vững cũng như phát huy tối đa dịch vụ môi trường rừng để tạo nguồn thu, khai thác các tiềm năng, các dịch vụ mới, đặc biệt là dịch vụ du lịch sinh thái, các dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon.
Trong chế biến nông, lâm, thủy sản sẽ xử lý triệt để tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, gắn hoạt động kinh tế với dịch vụ du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ.
Quan điểm của ngành nông nghiệp là thúc đẩy tiêu dùng xanh, phát triển thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất theo hướng xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại… Phát triển chuỗi giá trị nông sản xanh, carbon thấp cho các ngành hàng nông sản chủ lực, gắn với việc dán nhãn cho nông sản, sản phẩm OCOP xanh. Đặc biệt là sẽ chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ về tài chính và chuyển giao công nghệ. Qua đó nhằm đưa nông nghiệp Quảng Ninh thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp xanh, carbon thấp, an toàn thực phẩm, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là giảm metan trong trồng trọt và chăn nuôi.
Hoàng Nga
- Nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có
- Nâng giá trị, sức cạnh tranh, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững
- Những giải pháp để tạo sự phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn
- 1.100ha - là diện tích cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt trên địa bàn tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()