Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:05 (GMT +7)
Vì một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ
Thứ 6, 02/07/2021 | 09:17:59 [GMT +7] A A
Tiếp nối những thành công đã đạt được trong giai đoạn trước, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được xác định là một trong 3 khâu đột phá chiến lược tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025. Thực hiện đột phá này, tỉnh luôn không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt bậc, quyết tâm đưa bộ máy hành chính của tỉnh ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh nhất, tốt nhất.
Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục
Những năm qua, Quảng Ninh luôn xác định nhiệm vụ CCHC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, xuyên suốt và là trách nhiệm chính của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các cơ quan công quyền của tỉnh đều xác định chủ thể những lợi ích của cải cách hành chính trên hết, trước hết đó chính là nhân dân, là doanh nghiệp. Vì vậy, tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là phải luôn luôn lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức làm thước đo cho hiệu quả công tác CCHC, với phương châm CCHC là thường xuyên, kiên trì, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Với quyết tâm đó, khởi đầu từ năm 2012, khi phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án chính quyền điện tử giai đoạn 2012-2014, Quảng Ninh mạnh dạn thành lập Trung tâm Hành chính công và thí điểm tại một số huyện, thị. Từ hiệu quả mô hình trên, năm 2015, tỉnh tiếp tục triển khai xây dựng và dần hoàn thiện quy trình, mô hình ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, đồng thời kết nối liên thông với 186/186 (nay là 177/177) bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại thuộc UBND cấp xã. Mô hình này được thực hiện theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, tức là: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả ngay tại chỗ. Cách làm này góp phần tăng tính minh bạch, phát huy vai trò giám sát của người dân và hướng tới sự hài lòng của người dân, cũng như doanh nghiệp.
Từ mô hình đã giúp các TTHC được cắt giảm trung bình từ 50% đến 70% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương và luật pháp; tỷ lệ hồ sơ giải quyết, trả kết quả đúng hạn và trước hạn trung bình hàng năm ở cấp tỉnh đạt 99,9%; cấp huyện đạt 96,9%.
Đặc biệt từ đầu năm 2019, tỉnh đã sáng tạo, vận dụng các quy định pháp luật để triển khai việc sử dụng con dấu thứ hai để giải quyết TTHC ngay tại trung tâm hành chính công các cấp. Với cách làm này, quy trình giải quyết các TTHC được nâng từ 4 tại chỗ trước đây lên 5 tại chỗ: Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả tại trung tâm. Qua đó giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân với cơ quan quản lý nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng sách nhiễu, tiêu cực...
Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sau khi thí điểm ở một số sở, ngành, địa phương, từ 2016, tỉnh tập trung hoàn thiện bộ chỉ số, đồng thời nhân rộng ra các địa phương và sở, ngành. Từ đó, tỉnh đã tìm ra cách để “truyền lửa” cải cách từ cấp tỉnh tới các sở, ban, ngành và địa phương; chủ động để các đơn vị thi đua, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.
Bên cạnh cải cách nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trước khi Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương ban hành, Quảng Ninh đã tích cực thực hiện các nghị quyết, kết luận của các hội nghị Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị ở các nhiệm kỳ trước. Hiện 100% sở, ban, ngành, địa phương đã rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, bố trí biên chế hợp lý và chấp hành nghiêm túc kỷ cương công vụ, công chức.
Đặc biệt, xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là yếu tố then chốt trong công tác CCHC, từ năm 2013, trước khi Trung ương có chủ trương thực hiện thống nhất, mở rộng thí điểm thi tuyển lãnh đạo trong cả nước, Quảng Ninh đã tổ chức thi tuyển đối với một số chức danh lãnh đạo quản lý cấp sở, ngành, địa phương và thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo quản lý cấp phòng. Đồng thời, tỉnh cũng thường xuyên tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ CBCCVC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả trong thực thi công vụ.
Quảng Ninh cũng là tỉnh đi đầu, tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để căn bản hoàn thành xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử và bước đầu triển khai Đề án Thành phố thông minh; tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và kết nối liên ngành, liên thông dịch vụ công trực tuyến 4 cấp... Đặc biệt, hiệu quả của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động điều hành, quản lý được thể hiện ở cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND dân các cấp ngày 23/5 vừa qua, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất, đầu tiên trong cả nước sử dụng công nghệ thông tin bằng hình thức hội nghị truyền hình trực tuyến đến 177 xã, phường, thị trấn phục vụ cho công tác điều hành toàn diện, kịp thời để cuộc bầu cử diễn ra đúng tiến độ, đảm bảo các quy định.
Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để vừa đảm bảo an toàn, vừa giải quyết kịp thời TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp, Quảng Ninh đã đẩy mạnh thêm một mức đối với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đây là giải pháp tối ưu vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, vừa góp phần phòng tránh dịch bệnh. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã cung ứng hơn 1.600 TTHC mức độ 3, 4, trong đó đã thực hiện cung cấp 987 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt 52%); trung bình các TTHC đưa vào Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã được cắt giảm tới 45% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương. Qua đó tạo sự thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân.
Với những chuyển biến mạnh mẽ, đột phá, đi đầu cả nước trong CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, nhiều năm qua, Quảng Ninh đã mang lại cho mình hình ảnh của một địa phương năng động với môi trường đầu tư - kinh doanh thông thoáng, hiệu quả cùng chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền tốt nhất cả nước. Điều này cũng lý giải vì sao, Quảng Ninh luôn được Trung ương quan tâm đặt niềm tin vào vị trí, vai trò của tỉnh trong sự phát triển của cả vùng và cả nước; ủng hộ tư duy đổi mới, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai thực hiện thí điểm nhiều mô hình đột phá. Các nhà đầu tư, du khách và nhân dân trên địa bàn luôn tin tưởng, kỳ vọng về một địa phương năng động, sáng tạo với môi trường sống đẹp.
Sẵn sàng cho những bứt phá mới
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, thời cơ, thể chế, trong đó có CCHC, cải thiện môi trường đầu tư sẽ là những yếu tố then chốt để Quảng Ninh khẳng định thương hiệu riêng có của tỉnh, tiếp tục giành được những thắng lợi mới trên “đấu trường” quốc tế. Bởi vậy, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định trong xây dựng nền hành chính hiện đại, chặng đường đua phía trước Quảng Ninh chưa khi nào ngừng nỗ lực.
Tỉnh xác định, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục; là một trong ba đột phá chiến lược trong phát triển KT-XH. Sau mỗi lần được những bước tiến mới, Quảng Ninh lại nhanh chóng nhìn nhận, phân tích những kết quả đạt được và đưa ra những mục tiêu mới cao hơn, lập ra kế hoạch triển khai kĩ lưỡng, bài bản và quyết liệt thực hiện để vượt qua những thử thách mới. Từng chỉ số thành phần, từng chỉ số con trong chỉ số PCI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI đều được tỉnh phân tích kỹ lưỡng và chỉ ra những việc phải làm, để khắc phục những hạn chế và điểm yếu còn tồn tại.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác CCHC, chất lượng quản trị và hành chính công trên địa bàn, góp phần cải thiện điểm số của các tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm, sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, của từng cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể CBCCVC, người lao động tại các cơ quan nhà nước trong CCHC. Đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải nhận thức rõ trọng trách là người đứng đầu quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương, quán triệt sâu sắc tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo và hiệu quả”.
Cùng với đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế, yếu kém thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương quản lý; có chính sách, giải pháp phù hợp, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH. Tỉnh cũng xác định và nhất quán quan điểm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ.
Đặc biệt, trong điều kiện tình hình KT-XH nói chung và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng gặp nhiều thách thức, năng lực cạnh tranh phần nào bị suy yếu do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 và sự cạnh tranh giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước ngày càng diễn ra quyết liệt thì Quảng Ninh lại cần phải nỗ lực hơn nữa.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()