Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:27 (GMT +7)
Vì hạnh phúc của mỗi gia đình
Thứ 6, 14/07/2023 | 09:56:57 [GMT +7] A A
Nhờ cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai cho người dân mà số người sử dụng các biện pháp KHHGĐ trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, giúp phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh có thể lây nhiễm qua đường tình dục, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Nhằm quản lý các phương tiện tránh thai một các hiệu quả, Chi cục DS-KHHGĐ (Sở Y tế) duy trì hoạt động hệ thống thông tin quản lý hậu cần các phương tiện tránh thai tuyến tỉnh bằng phần mềm LIMS, thực hiện bảo quản, vận chuyển các phương tiện tránh thai đảm bảo kịp thời, chính xác. Riêng năm 2022, Chi cục đã cấp phát 27 dụng cụ tử cung, 10 que cấy tránh thai, 13.067 vỉ uống tránh thai, 29.935 bao cao su miễn phí đến những đối tượng theo quy định; thực hiện tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại các huyện, thị xã, thành phố với 8.300 bao cao su, 5.000 vỉ uống tránh thai.
Chi cục cung cấp, nâng cao kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản (SKSS), phòng chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục; chỉ đạo phòng dân số các huyện, thị xã, thành phố tổ chức truyền thông tại địa phương, chú trọng địa bàn có nhiều cặp vợ chồng trẻ, sinh con một bề, vùng có mức sinh cao, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, chưa áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, nhóm tuổi vị thành niên, thanh niên...
Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền với các nội dung, hình thức phong phú: Nói chuyện chuyên đề; truyền thông nhóm nhỏ; cấp phát tờ rơi, tranh ảnh; các chiến dịch truyền thông có quy mô lớn về chăm sóc SKSS-KHHGĐ.
Mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ được củng cố, kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở, từng bước thực hiện nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu cơ bản của người sử dụng dịch vụ. Từ đó cung cấp các loại phương tiện tránh thai miễn phí cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời triển khai xã hội hóa các phương tiện tránh thai để người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.
Chị Nguyễn Thị Nga (xã Cẩm Hải, TP Cẩm Phả) hiện có 2 con gái. Chị làm nông nghiệp, chồng chị làm lái xe, kinh tế gia đình ổn định. Vợ chồng chị đã sử dụng phương tiện tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, tập trung nuôi dạy 2 con cho tốt. Chị Nga chia sẻ: “Gia đình tôi không có ý định sinh con thứ 3. Được sự tuyên truyền tích cực của cán bộ dân số xã, gia đình tôi đã chủ động thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Bố mẹ tôi tư tưởng cũng rất tiến bộ, không phân biệt là sinh con trai, con gái, nên vợ chồng tôi yên tâm làm ăn, chăm sóc các con”.
Chị Mai Thị Hà, cộng tác viên dân số xã Cẩm Hải, cho biết: “Để người dân chủ động thực hiện KHHGĐ, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động, nhất là với những hộ gia đình có nguy cơ cao sinh con thứ 3, những hộ gia đình sinh con một bề. Đồng thời chủ động tuyên truyền theo nhóm nhỏ đối với những hộ gia đình đi biển dài ngày để họ hiểu được việc sinh thêm con sẽ ảnh hưởng đến đời sống kinh tế gia đình như thế nào. Nhờ đó mà hầu hết là các gia đình nắm được các biện pháp KHHGĐ, chủ động tìm các phương pháp phù hợp”.
Với việc tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu” của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số, hầu hết người dân đã tự chủ động tìm cho mình những phương tiện KHHGĐ an toàn, hiện đại; đồng nghĩa với tư duy, nhận thức của người dân thay đổi, đã chủ động tìm đến các cơ sở y tế uy tín để các chuyên gia tư vấn cụ thể về từng phương tiện tránh thai, tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân.
Sự thay đổi trong suy nghĩ, ý thức của người dân, mô hình gia đình ít con ngày càng được nhiều người đồng thuận. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp KHHGĐ ngày càng tăng.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()