Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:11 (GMT +7)
Quảng Ninh tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Thứ 5, 12/08/2021 | 07:13:31 [GMT +7] A A
Một trong những giải pháp hữu hiệu để nâng cao ý thức của người sản xuất, kinh doanh, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là đẩy mạnh công tác thanh tra, hậu kiểm.
Quảng Ninh hiện có 53.917 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; trong đó, ngành Y tế quản lý 10.757 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 8.858 cơ sở, ngành NN&PTNT quản lý 34.302 cơ sở. Phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ lẻ, cá thể hộ gia đình. Thực phẩm được sử dụng từ nhiều nguồn cung cấp: Trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhập khẩu, nên việc kiểm soát ATTP luôn gặp nhiều khó khăn.
Thanh, kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP đối với các cơ sở nhằm đạt mục tiêu: Không để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm, không xảy ra dịch bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; khu du lịch, lễ hội, khu công nghiệp, khu cách ly trên địa bàn tỉnh...
Ngay từ đầu năm, các cơ quan quản lý chuyên ngành về ATTP và các địa phương đã chủ động, phối hợp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp thanh, kiểm tra theo phân công, phân cấp quản lý, nghiêm túc thực hiện Quyết định số 4412/QĐ-UBND (ngày 26/11/2020) của UBND tỉnh "Về việc thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2021". Hoạt động thanh tra, hậu kiểm VSATTP được triển khai rộng khắp từ tỉnh đến tuyến xã.
Đoàn thanh, kiểm tra liên ngành được thành lập kịp thời với nhiều thành phần tham gia. Sở Y tế, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và nhiều địa phương còn thành lập đoàn thanh, kiểm tra chuyên ngành để kiểm tra VSATTP liên quan đến nước lọc, nước giải khát, vệ sinh thú y, buôn bán thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản thực vật, v.v..
Các đoàn không chỉ kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, mà còn tập trung vào thanh, kiểm tra, hậu kiểm việc thực hiện đảm bảo VSATTP của cấp huyện, cấp xã...
Nhờ vậy, việc kiểm tra đã đi sâu đi sát được vào tất cả mặt hàng thực phẩm sản xuất, kinh doanh, chế biến trên địa bàn, kịp thời phát hiện những bất cập, sai phạm để có biện pháp hướng dẫn các cơ sở chấp hành việc đảm bảo VSATTP theo quy định. 6 tháng đầu năm 2021, các đoàn đã kiểm tra định kỳ và đột xuất 3.469 cơ sở, qua đó phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính gần 1,84 tỷ đồng đối với 334 cơ sở; tịch thu, tiêu hủy gần 8 tấn thực phẩm của trên 70 tổ chức, cá nhân (600kg ba kích, 240 chai xì dầu, 190kg hạt hướng dương, 50kg củ cải muối, 1.055 gói và 318kg bánh kẹo các loại, 932kg thủy hải sản, 2.569kg thịt gia súc và gia cầm, 5.690kg chân gà... ), trị giá hàng tiêu hủy hàng tỷ đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm quy định về điều kiện ATTP, nhãn hàng hóa... Các vụ việc vi phạm được xử lý ngay, công khai kịp thời trên phương tiện thông tin đại chúng, không để tồn tại các điểm nóng về vi phạm ATTP.
Việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm về VSATTP đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trong việc thực thi pháp luật về ATTP; hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm gây tổn hại đến sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()