Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 16/01/2025 05:47 (GMT +7)
Vì an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân
Thứ 2, 08/05/2023 | 13:34:57 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, Quảng Ninh giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tiêu cực của những cơn bão lũ đến đời sống nhân dân trên địa bàn. Năm 2021 đến nay, toàn tỉnh không xảy ra thiệt hại về người trong các đợt bão lũ, thiệt hại về tài sản ở mức nhỏ.
Quyết liệt như chống bão lũ
Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi nhiều cơn bão lớn, trong đó cơn bão số 2 và số 3 đổ bộ trực tiếp đến vùng biển và đất liền của tỉnh. Khi bão số 2 còn trên biển đông (ngày 8/8/2022), cách đất liền gần 200 km, sức gió của cơn bão này đã rất mạnh, giật đến cấp 11. Toàn tỉnh Quảng Ninh, từ tỉnh cho tới cơ sở xã phường, doanh nghiệp, người dân chạy đua để ứng phó với bão số 2.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã dừng mọi cuộc họp, đổ xuống các địa phương thường trực kiểm tra, chỉ đạo công tác chống bão. Ngành du lịch cấp tốc thực hiện đưa trên 6.000 du khách trên các vùng biển đảo về đất liền. Quảng Ninh cấm biển, ngừng cấp phép ra vào cho các phương tiện thuỷ. Ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan huy động 100% tàu thuyền trên biển vào nơi tránh trú, đưa chủ phương tiện, chủ cơ sở NTTS trên biển, ngư dân KTTS trên biển về đất liền. Ngành than kiểm tra, rà soát, triển khai ngay các phương án gia cố, đảm bảo an toàn trên khu vực bãi thải, khai trường khai thác… Toàn tỉnh bố trí cả ngàn nhân vật lực sẵn sàng phương án tìm kiếm cứu nạn trong trường hợp phát sinh tình huống xấu…
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh khẳng định: Tinh thần phòng chống mưa bão của Quảng Ninh là rất chủ động, triển khai đồng bộ, từ sớm, từ xa.Từ đó, tạo sự lan toả cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở và đến mỗi doanh nghiệp, người dân. Chính bởi vậy sự phối kết hợp giữa các đơn vị, sự hợp tác của người dân trong công tác phòng chống bão lũ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Lan toả tinh thần chủ động ứng phó
Có thể thấy, trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn mùa mưa bão. Cụ thể: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, tổ chức Đảng; kiểm tra công trình thuỷ lợi, đê điều, khu neo đậu tránh trú cho tàu cá và xác định những khu vực nguy hiểm, trọng yếu để điều chỉnh phương án PCLB&TKCN; thực hiện hiệu quả phương châm “ba trước, bốn tại chỗ”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, diễn tập, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm về PCTT, bảo vệ dân cư ổn định sản xuất…
Riêng đối với phương châm “ba trước, bốn tại chỗ” được Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, nhất quán. Theo đó các đơn vị phân công cụ thể người phụ trách chỉ huy tại mỗi khu vực riêng biệt, đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực, lương thực, nước uống, thuốc men y tế…. Trong năm 2022, riêng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động gần 2.600 lượt cán bộ chiến sĩ, 30 tàu, xuồng, ô tô, thường trực hơn 2.000 lượt dân quân tự vệ để sẵn sàng đối phó với cơn bão số 2 và số 3. Các đơn vị trong tỉnh cũng dự trữ trên 70.000 thùng mì tôm, lương khô, nước uống, gần 100 tấn gạo và lương thực thực phẩm khác, gần 45 triệu lít xăng dầu. Cùng với đó, người dân tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi bão lũ luôn chuẩn bị cho mình các điều kiện phù hợp để tham gia chống bão, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của bản thân và gia đình.
Từ sự vào cuộc đồng bộ này, Quảng Ninh đã hạn chế tối đa tác động tiêu cực do những cơn bão lũ gây ra. Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh không có thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không lớn. Năm 2022 vừa qua, Quảng Ninh bị ảnh hưởng bởi 7 cơn bão, trong đó 2 cơn bão đổ bộ trực tiếp; sau bão lũ bị ảnh hưởng bởi lượng mưa lớn hơn so với nhiều năm, với tổng lượng mưa phổ biến 1.400mm – 2.700mm; chịu tác động bởi các đợt áp thấp nhiệt đới cũng như tình hình rét đậm, rét hại… Thiệt hại do các loại thiên tai gây ra là khoảng 10 tỷ đồng và đều đã được khắc phục ngay sau thiên tai.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Công tác lãnh chỉ đạo quyết liệt, tích cực, sát thực tế, từ sớm, từ xa, từ cơ sở, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó phát huy vai trò người dân, doanh nghiệp để phòng chống bão lũ; xây dựng và triển khai kịch bản, phương án PCLB&TKCN phù hợp tình hình, thông tin, hướng dẫn thông suốt, toàn diện, đầy đủ đến người dân, doanh nghiệp và luôn đề cao cảnh giác, không lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh… đã tạo nên hiệu quả trong công tác PCLB&TKCN thời gian qua.
Bước sang năm 2023 này, dự báo tình hình mưa bão tiếp tục có biến động mạnh. Bão trên biển Đông có cường độ mạnh, hướng đi phức tạp, mưa lớn cục bộ, số lượng cơn bão nhiều hơn năm trước… Vì vậy, các biện pháp PCLB&TKCN càng phải được triển khai quyết liệt, hiệu quả hơn, nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Hiện nay, cùng với các biện pháp PCLB&TKCN đang triển khai, các đơn vị chức năng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hiện đại hoá ngành lâm nghiệp nhằm tăng cường khả năng phòng hộ của rừng, tăng cường tính chống chịu vùng ven biển… Tỉnh Quảng Ninh cũng đang duy trì 20 điểm đo mưa tự động. Tới đây, các trạm đo mưa này sẽ tiếp tục được tăng cường kết nối với các trạm, điểm quan trắc các thông số tự nhiên khác, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để cảnh báo thiên tai. Đây sẽ là một trong những giải pháp cảnh báo thiên tai sớm và có độ chính xác cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ trên địa bàn tỉnh.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()