Vẹo cột sống thường gặp ở trẻ em, hơn 80% không rõ nguyên nhân, gây chèn ép khiến cơ quan nội tạng không phát triển được.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Ngọc Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ngày 19/5 cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận hai trường hợp đặc biệt. Ca đầu tiên là bé gái quê ở Thái Nguyên phát hiện vẹo cột sống khi 8 tuổi nhưng không điều trị kịp thời. Sau 2 năm em bị vẹo cột sống 68 độ, dáng đứng không thẳng, vai trái thấp hơn vai phải, lưng gồ khi cúi người.
Người nhà cho biết bé từng mổ tim, vết mổ ở vùng lưng đau nên phải ngồi với nhiều tư thế để tránh đụng chạm vết thương. Lâu dần, cột sống bị cong, lệch khỏi vị trí ban đầu. Năm 2020, bé vẹo cột sống khoảng 40 độ, bác sĩ bệnh viện tuyến tỉnh chỉ định tập phục hồi chức năng với áo nẹp. Tuy nhiên, việc tập luyện bị gián đoạn trong hai năm nên không cải thiện được tình trạng vẹo cột sống. Ngày 19/5, kết quả khám lại cho thấy bé bị vẹo cột sống 68 độ, phải nhập viện để phẫu thuật.
Trường hợp thứ hai là nữ sinh 15 tuổi ở Lạng Sơn, ngày 19/5 tái khám định kỳ, vẫn còn đeo công cụ nẹp phục hồi chức năng. Em này từng bị vẹo cột sống hơn 60 độ, người nhà không biết cho rằng con ngồi học không đúng tư thế, hai vai không cân bằng một bên cao, một bên thấp. Sau một năm học, tình trạng cong vẹo cột sống nặng thêm, "quá sức tưởng tượng của gia đình". Em tập thể dục hàng tuần, song bệnh vẹo cột sống không được cải thiện.
Tháng 7/2021, em được các bác sĩ bệnh viện Việt Đức phẫu thuật cột sống. Đến nay, nữ sinh đã có thể đứng thẳng, cao hơn, hai vai cân bằng song vẫn cần theo dõi, tập phục hồi chức năng.
Bác sĩ Sơn cho biết cả hai em bé này bị cong vẹo cột sống nặng. Trong đó, bé 10 tuổi đáng lẽ có thể được điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật sớm hơn, nhưng gia đình chưa theo dõi sát tình trạng bệnh của trẻ nên đưa đi khám muộn. Do đó, lần này bé phải nhập viện để phẫu thuật sớm, tránh kéo dài không chữa trị khiến vẹo cột sống thêm nặng, khó can thiệp.
Đối với nữ sinh 15 tuổi, em còn cần tiếp tục theo dõi và tập phục hồi chức năng đến năm 18 tuổi. Các bài tập này nhằm phục hồi chức năng các cơ xung quanh xương sống, giúp cân bằng cơ thể và cột sống đứng thẳng. Em cũng cần tránh các công việc phải cúi lâu, chạy dài, nhảy cao, mang vác nặng gây ảnh hưởng tới cột sống.
Cong, vẹo cột sống là bệnh nặng nhất trong lĩnh vực cột sống, tỷ lệ mắc 0,5-1% dân số. Bệnh thường gặp ở người dưới 18 tuổi, trong đó nhóm 4-10 tuổi mắc nhiều nhất. 80-85% trường hợp bị vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp khác bị vẹo cột sống do ngồi sai tư thế lâu ngày.
Bác sĩ Sơn ví cột sống trẻ em là cây non, vẫn phát triển khi bị cong, vẹo cho đến khi trưởng thành. Vẹo cột sống nặng khiến cho các cơ quan có thể không phát triển, ví dụ không đủ phế nang phổi gây khó thở, sau đó ảnh hưởng tim, hệ tiêu hóa, tuần hoàn, chèn ép gan, lách...
Do đó, bác sĩ Sơn khuyên người thân theo dõi sát trẻ, phát hiện bệnh vẹo cột sống càng sớm càng tốt. Gia đình có thể quan sát các dấu hiệu bất thường khi trẻ ngồi học hoặc khi tắm, ví dụ vai thấp vai cao, vùng lưng bị gồ lên khi cúi người... Khi được điều trị kịp thời, trẻ sớm lấy lại tự tin, cơ thể phát triển cân đối để tiếp tục học tập, sinh hoạt.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức khám, tư vấn miễn phí về bệnh cong vẹo cột sống vào ngày 4/6. Các gia đình lo lắng trẻ bị cong vẹo cột sống nên đưa đến khám, phát hiện bệnh kịp thời.
Ý kiến ()