Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:06 (GMT +7)
Du xuân trảy hội Miếu Ông - Miếu Bà
Chủ nhật, 20/02/2022 | 11:15:12 [GMT +7] A A
Không chỉ là di tích ghi lại quá trình dựng nước, giữ nước, chống giặc ngoại xâm của vua tôi nhà Trần, hàng năm vào dịp đầu xuân mùng 1 tháng 3 Âm lịch, nơi đây còn có một lễ hội lớn, đặc sắc và độc đáo với nhiều hoạt động hấp dẫn du khách.
Theo cung đường Đông Bắc trên hành trình về thăm Ba Chẽ, chắc hẳn bạn sẽ trầm trồ với cảnh đẹp hoang sơ, xanh ngát một màu rừng, biển nơi dải đất miền Đông của tỉnh. Từ cầu Ba Chẽ trên Quốc lộ 18A, nơi tụ hội của vùng ngã ba sông xanh ngát, nước lặng, yên bình, đi vào không xa là khung cảnh đẹp sơn thủy hữu tình của di tích Miếu Ông – Miếu Bà (xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ).
Nằm ngay hạ lưu con sông Ba Chẽ mênh mang, kéo dài như dải lụa đem lại sự trù phú cho các xã, huyện Ba Chẽ, Miếu Ông - Miếu Bà thuộc địa phận thôn Làng Mới, xã Nam Sơn. Cách Quốc lộ 18A chừng 1km nhưng khung cảnh ở vùng lưu vực sông Ba Chẽ như đưa lữ khách vào một không gian, cảnh quan thiên nhiên yên bình, nên thơ giữa núi rừng xanh ngát của sông nước bạt ngàn.
Và thú vị hơn khi du khách về đây vào dịp đầu xuân, ngày mùng 1 tháng 3 Âm lịch để trẩy hội Miếu Ông - Miếu Bà, thêm hiểu về lịch sử hào hùng, phong tục tập quán của cha ông. Theo thư tịch cổ, miếu từng được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư với tên là "Tam Trĩ nguyên", nơi vua tôi nhà Trần từng về ẩn náu trên đường chạy giặc Nguyên Mông trong cuộc rút lui chiến lược năm 1284 - 1285. Tại đây có tướng quân Lê Bá Đức, người hộ giá vua Trần rời thuyền đi bộ để tiếp tục hành trình về Hải Phòng, Thanh Hóa... phá thế gọng kìm của giặc. Và trong một lần giáp lá cà với giặc, tướng Lê Bá Đức hy sinh và được người dân lập miếu phong thần hoàng của làng.
Xưa kia, Miếu Ông là ngôi miếu nhỏ, nằm trên ngọn đồi thấp thuộc núi Cái Vồng Ông, được xây dựng từ thời Trần (thế kỷ XIII-XIV) tường gạch đất nung, xây bằng vữa tam hợp gồm cát vôi và đường mật. Xung quanh miếu là sân rộng nhiều cây cối và rất thiêng, thu hút đông đảo người tới thắp hương ngày rằm, mùng một. Miếu Bà bên kia sông thờ Mẫu Thượng ngàn, có công dạy người dân miền núi cách trồng lúa nương, làm ruộng bậc thang, hái thuốc chữa bệnh…, thuộc khu núi Cái Vồng Bà.
Theo nghiên cứu, từ lối kiến trúc, thế tựa lưng vào núi, nhìn ra biển theo kiểu “thoái khả dĩ thủ, tiến khả dĩ công”, nhiều nhà nghiên cứu nhận định: Khu vực di tích Miếu Ông từng là một căn cứ thủy quân của nhà Trần. Ngoài vết tích các công trình đồn trú, để lại đến ngày nay còn là hàng vạn mảnh sành, sứ, trong đó gồm cả sứ cao cấp. Đây từng là một vùng đô thị, cảng thị thô sơ, khởi phát từ thời trước và đến thời Trần được nối tiếp mở rộng. Như vậy, càng khẳng định thêm, việc vua tôi nhà Trần rút về Ba Chẽ không phải chạy giặc kiểu tự phát trong thế bức bách mà là có sự chủ động để căng lực lượng địch đang mạnh.
Không chỉ là di tích lịch sử có ý nghĩa to lớn, hàng năm dịp đầu xuân nơi đây còn nhiều hoạt động lễ hội hấp dẫn, phản ánh phong tục tập quán, sinh hoạt độc đáo của bà con các dân tộc địa phương. "Đặc sản" hấp dẫn du khách phương xa nhất có lẽ là lễ rước nước, lễ mộc dục, dâng hương và nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi độc đáo. Tham gia lễ hội, du khách được ngắm những chiếc thuyền rồng lớn, đi dọc dòng sông Ba Chẽ tới khu bán đảo Nu-Tân-Chuông, tương truyền là nơi sâu nhất, có nguồn nước sạch nhất để về làm lễ tại miếu. Trong lễ hội còn nhiều trò chơi hấp dẫn như: đua thuyền rồng, chọi chim, đi trên cầu tre, đập niêu, nấu cơm...
Du xuân đầu năm, xuôi dòng Ba Chẽ du khách có thể tới thăm rừng ngập mặn Đồng Rui, Mũi Lòng Vàng tuyệt đẹp trên biển. Ngoài ra, du khách cũng có thể ngược dòng sông Ba Chẽ ghé thăm lò gốm cổ tại thôn Làng Mới, xã Nam Sơn với quy mô 1.000m2, được giới khảo cổ phát hiện năm 2009, ngắm vẻ trù phú 2 bên sông nơi phù sa bồi đắp làm nên những đặc sản của địa phương, như: mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm, sa nhân Lương Mông, thăm các trang trại Trà hoa vàng lớn, tìm hiểu phong tục tập quán của người Dao sống bên dòng sông Ba Chẽ...
Năm 2013, Miếu Ông - Miếu Bà được UBND tỉnh cấp bằng Di tích cấp tỉnh. Năm 2014, lễ hội nơi đây được phục dựng. Năm 2015, di tích này được tôn tạo lại khang trang, có thế “tựa sơn đạp thủy” trên diện tích 500m2. Năm 2020, di tích được cấp bằng công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()