Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:36 (GMT +7)
Về Vàng Danh theo câu em hát
Thứ 7, 05/03/2022 | 14:26:40 [GMT +7] A A
Mùa xuân luôn là mùa có nhiều cảm hứng, mùa xuân như thức tỉnh mọi người đều hướng đến những điều tốt đẹp nhất, tươi thắm nhất, và tôi cũng thế, ngồi lặng yên để nghe một ca khúc đón mùa xuân về.
Về Vàng Danh, nghe thợ mỏ hát thì bao giờ tôi cũng mang một nỗi xúc động vô cùng đặc biệt. Âm hưởng ca khúc cứ dâng lên, dâng lên cái tinh thần của người thợ mỏ những năm tháng chưa xa cho đến hôm nay vẫn còn roi rói tươi, đặc biệt ca khúc “Khi chúng tôi vào lò” của nhạc sĩ Trần Chung đã luôn thôi thúc những người thợ mỏ, thôi thúc lớp lớp thế hệ ngày hôm ấy về mỏ làm than. Những lời ca như từ trái tim thợ mỏ thổi bùng lên, là hừng hực sức trẻ, hừng hực tuổi hai mươi của những người đến với mỏ than mang mùa xuân của tuổi thanh niên.
Cho đến bây giờ, lời ca ấy vẫn làm cho cánh thợ mỏ chúng tôi những cảm xúc trào dâng của tinh thần thợ mỏ. Hòn than và sự nhọc nhằn của người thợ mỏ như lùi lại, chỉ còn những ánh lửa than chói ngời rạng rỡ dưới ánh mặt trời, là những điều bí ẩn của mỏ, của than, của người thợ mỏ để tạo nên ca từ cho nhạc sĩ rung cảm những nốt nhạc để ca khúc “Khi chúng tôi vào lò” không chỉ của riêng Vàng Danh mà nó trở thành tài sản của người vùng mỏ than Quảng Ninh. Lời hát dâng lên như sóng: “Khi chúng tôi vào lò, trăng về khuya chờ đợi/ Khi chúng tôi vào lò, sương dần buông đầu núi…/ Khi chúng tôi vào lò, những vì sao mờ dần/ Khi chúng tôi vào lò, ánh bình minh rạng rỡ…/ Vùng than ơi vùng than ơi…/ Bước chân chúng tôi vào lò…”.
Với tôi, mỏ than Vàng Danh - dù bây giờ thì tên gọi đã thay đổi là Công ty, nhưng từ Mỏ nó luôn gợi nhớ, nó hàm chứa nhiều ý nghĩa với thợ mỏ, là tình yêu là nỗi nhớ, là muôn vàn lý do đã ăn sâu trong tâm thức của người Vùng mỏ - đã trở thành thân thiết vô cùng khi tôi luôn trở đi trở lại với mỏ than nằm dưới chân núi uy linh huyền thoại nối dài của dãy Yên Tử. Với cánh thợ mỏ, Vàng Danh đã trở thành quê hương thứ hai của họ khi họ gắn bó với nghề thợ mỏ, gắn bó với hòn than mang tên Vàng Danh. Và câu hát trong ca khúc của Trần Chung: “Khi chúng tôi vào lò” luôn lay động mọi tâm hồn thợ mỏ. Thế hệ hôm nay các cháu sinh ra và lớn lên nếu hỏi về quê hương, chắc chắn họ sẽ trả lời quê họ ở Vàng Danh.
Bây giờ các khu tập thể trong xóm đã trở thành các khu dân cư với vô vàn các ngôi nhà mang màu sơn mới, hiện đại và sang trọng, nếu lần đầu đến làng mỏ - phố mỏ Vàng Danh sẽ vô cùng ngỡ ngàng vì cái màu lam lũ than đen đã gần như không còn bám trên những mái nhà tập thể cấp bốn lầm lụi của ngày xưa. Giờ là một gương mặt Vàng Danh mới, một gương mặt tràn căng sức sống, tràn căng những mùa xuân đang rất đẹp trên những giỏ hoa lan tôi gặp ở vườn nhà ông cựu thợ lò Vàng Danh khi chúng tôi ghé vào. Ôi, hóa ra thợ lò của thế kỷ 21 đã biết sống cho mình, biết tận hưởng những gì mà cuộc sống tươi đẹp mang đến.
Ông cựu thợ lò quê gốc Thái Bình bảo tôi, giờ nghỉ hưu, gắn bó với Vàng Danh cả đời, có mảnh vườn thì trồng hoa lan thưởng thức thôi. Quê hương là ở trong lòng, nơi đâu có niềm vui an hưởng nơi ấy là quê hương. Cuộc đời bình dị thôi khi mình biết bằng lòng với những gì mình có. Tôi đã len lỏi cùng đồng nghiệp vào khu làng cũ của thợ mỏ, dù biết giờ nó mang tên địa danh hành chính là phường, nhưng tôi vẫn thích cái cộng đồng “làng mỏ” hơn, nó có sức nặng vô cùng lớn, nó đã gắn kết người làng mỏ từ lâu lắm rồi, nó là một cơ thể làng dù khi lam lũ hay đã vươn lên như màu phố thị thì nó vẫn còn dáng vóc của làng, của xóm, thân thiết và gắn kết. Hơn hết nó là sự gắn kết văn hóa cộng đồng của người Việt lâu bền nhất, ấy là Làng! Dù Vàng Danh giờ có vóc dáng một đô thị sầm uất thì cái tinh thần “làng” vẫn trọn vẹn trong tâm thức cư dân mỏ, và tôi nghĩ, đó là một nét văn hóa đẹp của cộng đồng ít nơi nào có được như ở Vùng mỏ Quảng Ninh.
Khi tôi len lỏi cùng các đồng nghiệp giữa làng mỏ Vàng Danh thì chợt nghe bài hát qua loa của Đài truyền thanh mỏ thật da diết là ca khúc “Anh về đất mỏ” như là lời động viên, lời rủ rỉ của cô gái là tha thiết giữ chân anh thợ lò xa quê hãy ở lại, gắn bó với mỏ. Tôi biết, việc tuyển thợ lò cho mỏ những năm gần đây của các công ty than thuộc ngành Than vô cùng khó khăn. Sự lựa chọn ngành nghề của người trẻ hôm nay cũng khác. Vì thế, có được thợ lò và giữ chân thợ lò gắn bó lâu dài với mỏ là một khâu hết sức quan trọng trong công tác quản lý mỏ hiện tại đối với các mỏ khai thác hầm lò.
“Anh về đất mỏ", qua giọng ca của Nghệ sĩ Vùng mỏ Ánh Tuyết có chất liệu âm hưởng dân gian hiện đại da diết: “Anh về đất mỏ quê em/ nắng hồng trải lụa cỏ chen ven đường/ không rực rỡ đèn hoa thành phố/ không ồn ào náo nhiệt.../ nhưng cũng đủ tấm lòng rộng mở…/ anh có nghe tiếng mìn nơi lòng đất/ âm vang mãi trong lòng người thợ.../ anh hãy đến quê em Vùng mỏ/ có Yên Tử linh thiêng hùng vĩ/ có Vịnh Hạ Long đi vào huyền thoại…”. Lời hát da diết với ca từ chỉ có người ở mỏ mới thẩm thấu hết những ân tình trong đó, nhất là thợ mỏ Vàng Danh khi thấy mình là hình ảnh trong câu hát, trong lời thơ, là nỗi nhớ Vàng Danh trong tâm tưởng. Ca khúc đi vào tâm khảm người nghe, vì bước chân họ đã đi vào câu hát, đi vào âm hưởng của âm nhạc, dìu dặt và tạo nên những giá trị riêng của người thợ mỏ Vàng Danh và của những người thợ mỏ vùng than Quảng Ninh nói chung.
Khi tôi tìm hiểu thì biết lời thơ của ca khúc “Anh về đất mỏ” là của Giám đốc Công ty Than Vàng Danh Phạm Văn Minh. Tôi biết, anh là người kiệm lời, chẳng bao giờ kể về mình, nhưng trong công việc luôn quyết đoán và hành động rất hợp tình hợp lý. Vì thế, khi tôi hỏi về xuất xứ bài thơ, anh chỉ cười hiền. Để có khoảng thời gian dành cho văn học nghệ thuật thật sự hiếm hoi, nhưng anh Minh đã lựa chọn góc hẹp của công việc mà cân bằng cuộc sống với bài thơ được phổ nhạc với tinh thần động viên người đến với mỏ thì ở lại mỏ, đừng tìm nơi chốn nào khác dù đất mỏ không lung linh như thành phố, không ồn ào phồn hoa như phố thị.
Như đã nói ở trên, việc tuyển thợ lò bây giờ thật khó, khi họ đã đến rồi, thì phải có những chế độ đãi ngộ xứng đáng để giữ họ lại. Và, hơn bao giờ hết, đó chính là sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần là bằng văn hóa, văn nghệ, ngoài sự đãi ngộ về vật chất thì đời sống tinh thần là vô cùng quan trọng trong cuộc sống, nhất là cánh thợ lò trẻ. Đã lâu rồi mỏ than Vàng Danh duy trì rất tốt hoạt động tổ chức sinh nhật cho anh chị em ở khu tập thể theo tháng hoặc quý. Đó là một chương trình văn hóa văn nghệ rất sôi động và ý nghĩa với người thợ mỏ than Vàng Danh, là nét đẹp văn hóa của thợ mỏ Vàng Danh, của vùng than Uông Bí.
Than Vàng Danh hiện là một trong những đơn vị sản xuất than hầm lò lớn nhất TKV, với trên 5.000 cán bộ, công nhân đang làm việc tại mỏ. Những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành Than, Than Vàng Danh đã đầu tư đổi mới công nghệ khai thác để nâng cao năng suất lao động. Mỏ luôn đặc biệt chú trọng đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động. Thu nhập của người lao động ổn định và luôn có mức tăng trưởng. Năm 2021, Than Vàng Danh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất kinh doanh, trong đó, với mức lương bình quân là 16 triệu đồng/người/tháng, có thợ lò bậc cao thu nhập cao hơn mức đó là trên 25 triệu đồng/người/tháng.
Để tăng năng suất, có thu nhập cao cho người lao động nói chung, của thợ lò nói riêng, Công ty đã có những quan tâm đặc biệt, cả đời sống vật chất và tinh thần cho họ. Với thợ lò, họ là lực lượng lao động mũi nhọn ở mỏ than hầm lò, vì thế, họ luôn được lãnh đạo công ty và các tổ chức đoàn thể quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để họ gắn bó với mỏ, với công ty và cống hiến dài lâu cho mỏ.
Và vì thế, lời hát trong ca khúc “Anh về đất mỏ”, tôi nghĩ, nó như góp và nối dài thêm tình yêu của người thợ mỏ với Vùng mỏ thân yêu như các thế hệ cha anh đã hát “Khi chúng tôi vào lò” đầy tinh thần lạc quan và tự hào thì bây giờ, thế hệ hôm nay được tiếp nối với những tinh thần hãy gắn bó với Vùng mỏ, hãy yêu hơn Vùng mỏ: “Anh về đất mỏ quê em/ nắng hồng trải lụa cỏ chen ven đường/ không rực rỡ đèn hoa thành phố/ không ồn ào náo nhiệt.../ nhưng cũng đủ tấm lòng rộng mở…/ anh có nghe tiếng mìn nơi lòng đất/ âm vang mãi trong lòng người thợ..” sẽ là hơi thở, là tình cảm của người thợ đã đến và sẽ ở lại với mỏ lâu dài. Chỉ một bài hát, một lát cắt giữa bộn bề công việc của Giám đốc Minh để có được ca khúc “Anh về đất mỏ” nhanh chóng trở thành nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, và thông qua bài hát, người ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ đã hoàn thành sứ mạng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa đó. Chỉ cần ngân lên câu hát là gói gọn biết bao tình cảm về đất và người Vàng Danh.
Ghi chép của Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()