Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:42 (GMT +7)
Vệ tinh Trung Quốc rơi ‘như thiên thạch’ trên bầu trời Mỹ
Thứ 3, 24/12/2024 | 15:39:41 [GMT +7] A A
Một vệ tinh hình ảnh của Trung Quốc đã ngừng hoạt động, trong quá trình tái nhập khí quyển tạo thành quả cầu lửa rực sáng trên bầu trời một số vùng nước Mỹ.
Người dân Mỹ trông thấy và ghi lại hiện tượng này tối 21/12. Một số mảnh vỡ có thể đã rơi xuống mặt đất ở Mississippi, Missouri, Arkansas hoặc các bang lân cận.
Cảnh tượng này bị nhiều người nhầm lẫn là thiên thạch, nhưng các nhà khoa học xác nhận rằng đó thực chất là vệ tinh GaoJing 1-02 (Superview 1-02), một trong 4 vệ tinh thuộc chòm vệ tinh được Trung Quốc phóng vào quỹ đạo tầm thấp năm 2016.
Nhà thiên văn học và chuyên gia theo dõi quỹ đạo đầu ngành Jonathan McDowell cho biết vệ tinh này đã bắt đầu hành trình trở lại Trái đất đầy biến động phía trên bầu trời bang New Orleans và có khả năng đã tan rã khi tiếp tục di chuyển về phía bắc.
Vệ tinh rơi xuống thành nhiều mảnh vỡ, dân Mỹ phấn khích vì tưởng đó là thiên thạch.
Nhà khoa học NASA Marc Fries sử dụng dữ liệu công khai để xác định các vụ rơi vệ tinh, nhấn mạnh rằng ít nhất 4 radar thời tiết đã phát hiện mảnh vỡ rơi xuống khi quả cầu lửa bay qua bầu trời Jackson, Mississippi, rồi tiếp tục về phía Arkansas và Missouri.
Khoảng rơi mảnh vỡ của một vật thể khi vào bầu khí quyển từ không gian có thể rất dài và rộng, vì nó di chuyển với vận tốc hàng nghìn km mỗi giờ. Ma sát tạo ra từ va chạm và lực cản của bầu khí quyển dày đặc hơn nhiều so với không gian gây ra nhiệt độ cực lớn, đốt cháy vệ tinh.
McDowell cho biết GaoJing 1-02 là một vệ tinh tương đối nhỏ, nên rất có thể nó đã cháy hoàn toàn trong không khí mà không để lại gì rơi xuống mặt đất. Cho đến nay, chưa có báo cáo nào về việc tìm thấy các mảnh vỡ, nhưng chúng có thể rất nhỏ và khó nhận dạng là một phần của vệ tinh.
Hội Thiên thạch Mỹ đã nhận được ít nhất 120 báo cáo về quả cầu lửa tạo ra do vệ tinh bốc cháy.
Theo McDowell, vệ tinh GaoJing 1-02 đã ngừng hoạt động cách đây gần 2 năm. Từ thời điểm đó, nó bắt đầu mất độ cao nhanh chóng, dẫn đến kết cục cuối cùng là tái nhập khí quyển. Việc các vệ tinh, đặc biệt là những vệ tinh nhỏ hoạt động trong quỹ đạo tầm thấp, rơi trở lại Trái đất là rất phổ biến hiện nay. McDowell cho biết ông không biết về bất kỳ sự cố nào gây thiệt hại từ các vật thể như thế này khi chạm đất.
Tuy nhiên, điều này không áp dụng với những vật thể lớn và nặng hơn như các tầng tên lửa đã qua sử dụng. Dù vậy, thiệt hại từ các trường hợp này cũng rất hiếm, vì phần lớn các mảnh vỡ không gian thường được tính toán rơi xuống đại dương.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()