Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:33 (GMT +7)
Vệ tinh phát hiện Nga bố trí phòng tuyến dày đặc ở Crimea, có thể để phòng Ukraine tấn công
Thứ 4, 05/04/2023 | 21:47:09 [GMT +7] A A
Khi giới chức Ukraine tuyên bố sẽ chiếm lại các vùng lãnh thổ, Nga đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp phòng thủ phức tạp, đặc biệt là ở Crimea, bán đảo mà nước này sáp nhập vào năm 2014. Crimea hiện là một trong những nơi được củng cố vững chắc nhất trong vùng chiến sự.
Nga chuẩn bị phòng thủ
Theo tờ Washington Post, sau nhiều tuần đào bới, khu vực xung quanh thị trấn nhỏ Medvedivka (gần đường hướng tới đất liền Ukraine) đã có một hệ thống hào phức tạp kéo dài vài km. Các lối đi được đào vào đất theo các góc để giúp binh lính có phạm vi bắn rộng hơn. Gần đó là các công sự khác, như các rãnh sâu được thiết kế để bẫy xe tăng và xe hạng nặng.
Theo hình ảnh vệ tinh do Maxar, một công ty công nghệ vũ trụ thương mại cung cấp cho The Washington Post, Nga đã xây dựng hàng chục hệ thống phòng thủ tương tự.
Hệ thống phòng thủ đã mọc lên nhanh chóng để đề phòng cuộc tấn công mà Ukraine dự kiến phát động vào mùa xuân. Chỉ trong vài tuần, Nga đã xây dựng hàng km công sự gần Vitino, một thị trấn trên bờ biển phía Tây của Crimea.
Máy đào hào BTM-3 đào với tốc độ 800m một giờ, ngay cả khi mặt đất bị đóng băng.
Nga cũng sử dụng sức người để đào hào. Họ tuyển công nhân xây dựng để lắp các bộ phận bằng gỗ và bê tông trong các chiến hào ở Crimea.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga xây dựng một số chướng ngại vật ở Crimea chỉ trong vài ngày. Nhiều hệ thống phòng thủ của Nga được xây dựng dọc theo các vùng nước, tạo thêm chướng ngại cho phía Ukraine.
Mặc dù Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ ở những nơi khác, nhưng quy mô ở Crimea vẫn lớn hơn. Các chướng ngại vật đã được đặt dọc theo những con đường quan trọng nối Crimea với đất liền Ukraine.
Nga cũng đã xây dựng các chiến hào dọc theo 32km bờ biển ở phía Tây Crimea, gần Vitino. Hình ảnh vệ tinh từ ngày 31/3 cho thấy pháo kéo đã được bổ sung trong cùng khu vực.
Địa lý của khu vực Crimea gây ra những khó khăn lớn cho cả Ukraine và Nga. Crimea nối với lục địa Ukraine bằng eo đất Perekop - một dải đất hẹp, lầy lội, có chiều rộng nhất là 7km và do đó có thể cản trở cuộc tấn công. Nhưng vị trí gần mặt trận của Crimea cũng có thể gây khó cho Nga, cô lập lực lượng nước này và đặt họ vào tầm ngắm của vũ khí Ukraine.
Đặc điểm địa lý có thể là lợi thế phòng thủ tốt nhất của Crimea. Chỉ có hai con đường chính dẫn vào bán đảo này từ phía Bắc. Đường M17 ở phía Tây đã được tăng cường nghiêm ngặt và đường M18 ở phía Đông – con đường có một cây cầu và dễ bị phá hủy. Trong khi đó, khu vực đầm phá Syvash lại hạn chế các hoạt động quân sự quy mô lớn và mũi đất Arabat ở phía Đông hầu như chỉ có những con đường không được trải nhựa.
Về tương lai của Crimea, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cam kết giành lại bán đảo này, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ.
Nhưng một số quan chức phương Tây lo ngại rằng một cuộc chiến trực tiếp ở Crimea có thể dẫn đến leo thang nguy hiểm. Các quan chức cấp cao Nga, trong đó có cựu Tổng thống Dmitry Medvedev, đã ám chỉ rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ Crimea.
Crimea đã là mục tiêu tranh chấp trong nhiều thế kỷ do có vị trí chiến lược. Đối với Nga, bán đảo này là nơi đóng căn cứ suốt cả năm cho Hạm đội Biển Đen. Các bãi biển ở đây cũng là một điểm đến nghỉ mát phổ biến.
Cuộc chiến ở Crimea
Theo Steve Danner, cựu kỹ sư thuộc Lục quân Mỹ, sẽ cần có thời gian, nỗ lực và thiết bị đáng kể để chọc thủng các công sự phía Bắc của Crimea. Theo ông Danner, Nga chuẩn bị rất tốt các vị trí phòng thủ.
Còn ông Michael Kofman, một nhà phân tích quân sự ở Virginia (Mỹ), cho rằng Ukraine khó có thể chiếm Crimea, nhưng có thể theo đuổi chiến lược làm tiêu hao bằng cách thiết lập kiểm soát hỏa lực đối với lối tiếp cận Crimea.
Ukraine đã thử nghiệm chiến lược này. Kể từ tháng 8/2022, hơn 70 cuộc tấn công đã xảy ra ở các địa điểm của Nga ở hoặc gần Crimea mà Nga cáo buộc lực lượng Ukraine hoặc những người liên quan thực hiện.
Nhiều cuộc không kích đã xảy ra, có cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Một số dường như là hành động của những kẻ phá hoại. Mặc dù Nga đã chặn được một số cuộc không kích, nhưng những cuộc không kích khác đã thành công và đôi khi gây ra hậu quả tàn khốc.
Vào tháng 8/2022, ít nhất 6 vụ nổ đã làm rung chuyển căn cứ không quân Saki gần bờ biển phía Tây Crimea. Các quan chức Nga cho rằng lực lượng đặc biệt Ukraine đã tiến hành vụ tấn công làm hư hỏng hoặc phá hủy ít nhất 8 máy bay quân sự. Ukraine không thừa nhận trách nhiệm.
Các cuộc tấn công cũng nhắm vào Dzhankoy, một thị trấn ở phía Bắc Crimea, là trung tâm hậu cần quan trọng cho các lực lượng Nga ở miền Nam Ukraine. Các vụ nổ làm rung chuyển thành phố vào ngày 20/3. Sau đó, các vụ nổ được xác nhận là có liên quan đến một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào các tên lửa hành trình của Nga đang được vận chuyển bằng đường sắt.
Có lẽ cuộc tấn công lớn nhất diễn ra vào ngày 8/10/2022, khi cầu Crimea bắc qua eo biển Kerch bị hư hỏng trong một vụ nổ. Cây cầu này đã được xây sau khi Nga sáp nhập Crimea.
Các công sự ở Crimea có nghĩa là Nga sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. Phát biểu với truyền thông nhà nước Nga vào tháng trước, ông Sergei Aksyonov, lãnh đạo Crimea do Nga bổ nhiệm, cho biết công việc xây dựng tuyến phòng thủ của Crimea đã đúng tiến độ.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()