Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:49 (GMT +7)
Về nơi lưu giữ truyền thống ngành Than
Thứ 7, 12/11/2016 | 04:37:56 [GMT +7] A A
Bức chỉ dụ của vua Minh Mạng về việc cho phép khai thác than tại vùng mỏ Đông Triều ngày 10-1-1840 (tức ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20) đã khẳng định vua nước Nam là người khai sinh nền công nghiệp than Việt Nam. Năm 2008, “Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam” tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, TX Đông Triều đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.
Đến nay, Khu di tích lịch sử - địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam đã được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đầu tư tôn tạo trở thành nơi du lịch về nguồn của ngành Than. Đồng thời, đây cũng sẽ là điểm tham quan du lịch văn hoá của nhân dân, du khách bốn phương trong thời gian tới. Giai đoạn 1 bảo tồn, tôn tạo và phát huy Di tích lịch sử cấp tỉnh địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam với đền Thượng và các hạng mục chính đã hoàn thành.
Đền Thượng (miếu Mỏ) được xây dựng khang trang, là di tích chính trong không gian văn hoá tâm linh của Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam. |
Khu đền Thượng (miếu Mỏ) uy nghi nằm trên sườn núi Yên Lãng. Từ giữa thế kỷ XIX, nơi đây là điểm khai thác than sơ khai đầu tiên của Việt Nam do người Việt khai thác, hiện là khu vực khai thác than của Công ty Than Mạo Khê, phần phía Nam giáp Xí nghiệp Địa chất trắc địa Đông Triều và khu dân cư. Đền Thượng là di tích chính trong không gian văn hoá tâm linh của Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam. Không gian di tích đền Thượng được phát triển theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Mặt chính đền nhìn về hướng Tây Nam, lấy gò núi sau đền làm “hậu chẩm” và gò đất Thạch trụ làm “tiền án”. Các công trình kiến trúc của đền được xây dựng đăng đối qua trục chính tâm và cao dần về phía sau đảm bảo sự phù hợp với địa hình khu đất và quan niệm xây dựng truyền thống. Ông Mạc Văn Dũng, đại diện đơn vị thi công - Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại (Tổng Công ty Đông Bắc) cho biết: “Công trình Đền Thượng được Công ty triển khai thi công từ tháng 4-2016 với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành các hạng mục. Đây là nơi phát hiện ra hòn than đầu tiên - nguồn tài nguyên khoáng sản quý của Việt Nam và được vua Minh Mạng cấp chỉ dụ khai thác từ năm 1840. Công trình có ý nghĩa rất lớn, là phát tâm công đức của những người thợ mỏ nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016)”.
Cùng với đền Thượng, không gian đền Hạ cũng được phát triển song song với trục chính tâm của đền Thượng, được thiết kế theo kiến trúc truyền thống với thứ tự từ ngoài vào trong: Nghi môn ngoại, Đài Hoàng đế lệnh chỉ, nghi môn nội, toà bái đường, toà hậu cung. Tháp Thạch trụ có kiến trúc độc lập phát triển cân đối theo 4 phương 8 hướng liên kết không gian tổng thể của khu đền Hạ và đền Thượng.
Trong thời gian tới, ngành Than sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án theo quy hoạch chi tiết đã được tỉnh phê duyệt như: Bảo tàng ngành Than, khu tái tạo cảnh quan tự nhiên, khu quản lý di tích và tiếp đón đoàn tham quan... Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh tại chương trình kiểm tra ngày 27-10, tới đây, đơn vị thi công sẽ phối hợp với UBND TX Đông Triều quy hoạch xây dựng khu vực đường vào, biển chỉ dẫn vào khu di tích, trồng cây thông, mai vàng Yên Tử tại đây và tăng cường tuyên truyền, quảng bá để nhân dân và du khách thập phương biết đến khu di tích. Qua đó để khẳng định thêm niềm tự hào về lịch sử hình thành giai cấp công nhân mỏ, cũng như truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc khai mỏ của các thế hệ thợ mỏ Việt Nam.
Phương Thuý
Liên kết website
Ý kiến ()