Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:36 (GMT +7)
Về miền hoa dâu da
Thứ 6, 20/01/2023 | 09:03:42 [GMT +7] A A
Mỗi năm hai mùa hoa dâu da. Mùa hoa tháng tư dày đặc, còn tháng mười, hoa lẻ tẻ từng chùm như có, như không. Khi ấy, khắp các con phố của Cẩm Phả đều thấy mùi hương dịu nhẹ toả ra từ những chùm hoa trắng tinh khôi. Cứ nhẹ nhàng như thế, hoa dâu da đã trở nên thân thuộc với người dân phố mỏ, trở thành nét đặc trưng của vùng than Cẩm Phả yêu thương.
Những người dân sống lâu năm ở Cẩm Phả đều không thể quên cây dâu da bởi với họ đó là một miền ký ức. Hai ba chục năm trở về trước, Cẩm Phả chỉ trồng một số loại cây như: Dâu da, sấu, bàng, long não. Trong số đó, cây dâu da được trồng nhiều hơn cả. Các con đường, các góc phố, nơi nào cũng có dâu da. Nhiều nhất là phố Lê Lợi ngang dốc Thị ủy chạy sang đầu dãy phố Hòa Bình, dọc theo đường phố Ngô Quyền ra Cầu Trắng, rồi đường Lê Hồng Phong, phố Nguyễn Du năm xưa.
Không đỏng đảnh trước sự đổi thay của thiên nhiên, loài cây ấy cứ bền bỉ vươn lên, dù bám trên sườn núi hay mạnh mẽ cắm thẳng rễ vào lòng đất khô cằn. Như bao loài cây khác khi đi qua mùa đông lạnh giá, dâu da chỉ còn lại trơ trọi những cành khẳng khiu. Nhưng khi xuân sang hạ tới, những chồi non lại thi nhau mọc lên tua tủa như chứng minh sức sống dẻo dai của mình. Có lẽ bởi chính sự mạnh mẽ của loài cây này mà người dân Cẩm Phả đã lựa chọn dâu da để làm xanh một vùng đất hay bị lấm bụi bởi than đen.
Cẩm Phả không phải là nơi duy nhất ở Quảng Ninh có than, nhưng tâm hồn than, nếp sống công nghiệp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” dường như ở đây là đậm nét nhất. Phần lớn những đứa trẻ như chúng tôi được sinh ra trong các gia đình có bố mẹ làm công nhân ngành Than. Ký ức thời thơ ấu của chúng tôi không chỉ gắn liền với các khu tập thể Than Dương Huy, Cơ khí Trung tâm, Than Mông Dương…, mà còn với những cây dâu da.
Mùa hè thường bắt đầu bởi những cơn mưa rào. Sau những cơn mưa rào đó, một mùi hương ngan ngát, thơm mát, trong trẻo của hoa dâu da lan tỏa khắp phố phường. Đó cũng là lúc những đứa trẻ chúng tôi háo hức bước vào kỳ nghỉ hè để được tha hồ rong chơi.
Nhớ lắm những buổi thong dong đạp xe qua hết con đường này, con phố nọ của Cẩm Phả. Sáng sáng chiều chiều, trên chiếc xe đạp mini hàng bãi mua được từ đồng lương công nhân ít ỏi của bố mẹ sau nhiều tháng dành dụm, dưới vòm hoa trắng như sữa, chúng tôi cứ ngửa cổ lên mà hít hà hương thơm của dâu da. Mỗi lúc gió mạnh ào qua, ngàn vạn bông hoa li ti bay bay trên đầu, trên tóc, phủ trắng cả mặt đất. Tuổi thơ của chúng tôi và đám bạn bè đã tắm bao lần những trận mưa hoa như thế. Bánh, kẹo... là những món quà vặt xa xỉ với lũ trẻ chúng tôi thời đó. Vì thế, đơn giản vài cành lá dâu da non, gói vài hạt muối vào bên trong mỗi chiếc lá, cuộn chặt như tổ sâu kèn trở thành món quà ăn ưa thích, ngon lành khiến lũ trẻ tranh nhau, làm ồn ã cả một góc đường mỗi buổi trưa hè.
Khi mùa hoa dần qua đi. Những trái non bắt đầu nhu nhú như ngón tay rồi lặng lẽ lớn. Người người thi nhau trèo hái. Từng chùm, từng thúng, từng gánh quả. Cả những quả đã chín và quả còn xanh. Chua, chát, ngọt, bùi... mỗi quả đều mang những vị riêng. Dưới gốc dâu da, buổi sáng là quán chè xít của một bà cô tần tảo, chắt chiu từng đồng với mỗi chai nước ngọt, tép thuốc lào… Chiều đến, lũ trẻ con tíu tít nô đùa, tinh nghịch trèo lên cây hòng hái cho được chùm quả vàng vàng, đo đỏ mới vừa chín tới cho thỏa chí. Ngày ấy, quả dâu da còn được các bà, các cô bày bán dọc khắp con đường lên mỏ bởi đó là món ăn ưa thích của những người công nhân mỏ và cả đôi lứa trai gái hẹn hò.
Cứ như vậy, hoa dâu da từ bao giờ đã trở thành ký ức của mỗi người Cẩm Phả. Những chùm hoa trắng ngần, tinh khôi, lấp lánh khắp phố thợ lầm bụi lại thấp thoáng như biểu tượng của tâm hồn người Vùng mỏ vậy: Trung thực, trong sáng và nồng nàn. Bình dị, mộc mạc và lặng lẽ, dâu da không chỉ đi vào kỷ niệm của bao thế hệ người thợ mỏ, mà còn trong cả vần thơ, áng văn và lời ca, tiếng hát như trong bài hát Về với quê anh của cố nhà báo, nhà thơ Ngô Tiến Cảnh:
Cẩm Phả ơi!
Miền đất xa xôi mà sao quen thuộc
Nhịp máy âm vang dòng than xuôi ngược.
Trăng sáng mơ màng đường hoa dâu da
Ríu rít tiếng cười vào đêm ca ba ...
Tốc độ phát triển của TP Cẩm Phả hôm nay khiến cho mỗi người đi xa khi trở về đều không khỏi ngỡ ngàng. Cẩm Phả với những than đen, tiếng ồn, bụi bẩn giờ đã được thay thế bằng màu xanh phủ khắp, đô thị hiện đại, nhà cao tầng san sát, cả những công trình kết cấu hạ tầng mang tính đột phá, như: Đường bao biển nối Hạ Long - Cẩm Phả, Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp Quang Hanh... cùng hàng loạt đô thị đang dần được hình thành.
Mỗi góc phố của Cẩm Phả hôm nay đều đã đổi thay. Trên các con đường của thành phố mỏ hôm nay ngày càng xuất hiện nhiều "người bạn mới”: Những gốc phượng non, những cây sưa xanh mới trồng hay sắc vàng của những chùm muồng hoàng yến… Người ta chỉ còn thấy vài gốc cây dâu da ở cầu Lộ Phong, khúc cua Tài Còng, chân cầu Cọc Sáu, phố Phan Đình Phùng, phố Lê Lợi… khiến những người gắn bó với mảnh đất này không khỏi tiếc nuối.
Thế nhưng, hy vọng rằng, trong hành trình xây dựng Vùng mỏ Cẩm Phả là đô thị công nghiệp, dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, thành phố sẽ luôn quan tâm bảo tồn, giữ gìn và phát huy tốt nhất các thế mạnh hiện có về biển, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như: Quảng trường 12/11, Đài tưởng niệm tại Vũng Đục, cầu Poóc Tích Cửa Ông... Nhất là xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khôi phục văn hóa truyền thống mang dấu ấn của tâm hồn than, nhịp sống than, con người than để tạo nên dấu ấn riêng như: Chợ quê với chủ đề: “Hương sắc ẩm thực phố mỏ Cẩm Phả”, phố đêm thợ mỏ… mà Cẩm Phả đang làm. Và hy vọng rằng trong một tương lai không xa những đường hoa dâu da sẽ được khôi phục, trồng mới, tạo thành dấu ấn riêng có của Vùng mỏ và sẽ luôn là một trong những điều đặc biệt khi mỗi người nghĩ về Cẩm Phả.
Hạ An
Liên kết website
Ý kiến ()