Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:29 (GMT +7)
Về miền đất Phật mùa thu
Chủ nhật, 10/09/2023 | 09:46:08 [GMT +7] A A
Đối với nhiều du khách, thời điểm để vãng cảnh chùa thích hợp nhất trong năm cho những tâm hồn tĩnh lặng là mùa thu chứ không phải mùa xuân. Và các địa danh Yên Tử hay Ngoạ Vân cũng là những nơi được nhiều người lựa chọn.
Yên Tử hay Ngoạ Vân vốn luôn là điểm đến thu hút hàng vạn du khách vào mỗi dịp đầu xuân. Thậm chí, hội xuân Yên Tử kéo dài cả ba tháng mùa xuân. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, dịp cuối năm, cảnh sắc tại Yên Tử có những nét đẹp rất riêng. Trong không gian văn hóa thanh tịnh của Yên Tử, vạn vật phủ nắng thu vàng, nhiều loài hoa tỏa hương khoe sắc, những loại cây rừng bắt đầu trút lá…
Về non thiêng Yên Tử mỗi độ thu sang, du khách sẽ bắt gặp cái tinh khôi của núi rừng cùng năng lượng tâm linh. Những bước chân bình an trên đường tùng huyền thoại, đường trúc biểu tượng cho người quân tử sẽ đưa bạn trở về để lắng nghe và thấu hiểu chính mình. Rồi khi tính thiện được thắp lên cùng thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, bạn như mới mẻ, tinh khôi qua những ngày trở về kết nối với chính mình và những người thân yêu. Tâm hồn du khách như được gọi dậy bởi tiếng chuông tỉnh thức khi đón bình minh lên trên non xanh núi biếc...
Mùa thu ở Yên Tử cũng là thời điểm diễn ra những nghi lễ quan trọng tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông. Bởi vậy, mùa thu hành hương về dãy Yên Tử, về những địa danh cánh cung Đông Triều không chỉ là tìm về đất Phật mà còn để tu tâm dưỡng tính, để sống chậm lại giữa những hối hả thường ngày. Tìm về không gian của dãy núi Yên Tử cũng là đến gần hơn với tư tưởng nhập thế tích cực của Phật hoàng Trần Nhân Tông, để học được đức hạnh của Phật về từ, bi, hỷ, xả và về hiếu hạnh của ngài.
Tại TP Uông Bí và TX Đông Triều nơi có những Di tích Quốc gia đặc biệt liên quan đến Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, cuộc đời và hành trạng của Phật hoàng Trần Nhân Tông mấy năm gần đây đã tổ chức gói kích cầu du lịch "Về miền đất Phật mùa thu, tưởng nhớ Phật hoàng Trần Nhân Tông" gắn với sự kiện kỷ niệm ngày Phật hoàng nhập niết bàn. Gói kích cầu này đã đem theo nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong mùa thu đông.
Đặc biệt, khác với sự sôi động trong mùa lễ hội đầu năm, dãy núi Yên Tử vào mùa thu cây cỏ xanh tươi chuyển sang điểm vàng. Thời tiết dịu mát, trong trẻo đến lạ thường. Du khách chọn thời điểm này về Yên Tử thường mong muốn tìm về sự tĩnh tại trong nội tâm và trải nghiệm những hoạt động văn hóa, du lịch, thể thao mang lại một ý nghĩa sâu lắng hơn.
Nắm bắt được xu thế đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo đã phối hợp tổ chức nhiều sự kiện thu hút đông đảo du khách. Đây cũng là thời điểm mà những khóa lễ "Vu Lan báo hiếu" được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chủ trì tổ chức tại Yên Tử, có sức thu hút rất lớn với phật tử và du khách. Liền sau đó là giải võ thuật truyền thống TP Uông Bí năm 2023 tại Yên Tử vào tháng 9; chương trình "Gia đình hạnh phúc 2023" với chủ đề "Nơi tình thương có mặt" diễn ra từ ngày 8 đến 10/9; giải leo núi Yên Tử "Theo dấu chân Phật hoàng Trần Nhân Tông” vào tháng 11/2023 gắn với sự kiện kỷ niệm 715 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2023).
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ văn hóa, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, cho biết: Chương trình "Yên Tử - Suối nguồn tuệ giác" đã được tổ chức thành công 2 kỳ trong dịp hè vừa qua, thu hút hàng nghìn học sinh, sinh viên khắp cả nước về tham gia. Phát huy kết quả đó, chương trình sẽ tổ chức nhiều hơn với số lượng mỗi tháng 1 lần vào 2 ngày cuối tuần ngay trong mùa thu này. Các nội dung có sự mở rộng kết hợp giữa chương trình của các khóa tu ngắn và hoạt động trải nghiệm tại khu vực làng Nương Yên Tử, do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chủ trì, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh phối hợp tổ chức.
Bên cạnh đó, lễ hội hoa đăng gắn với chương trình "Yên Tử - Suối nguồn tuệ giác” sẽ được tổ chức ở quy mô lớn vào dịp cuối năm, phục vụ các đoàn khách lớn, khách du lịch MICE tổ chức hội nghị khách hàng ở Yên Tử. Nghi lễ thiền hoa đăng tri ân, cảm tạ vào buổi tối và ngắm bình minh vào buổi sớm sẽ cho du khách tận hưởng những năng lượng và không gian rất đẹp của mùa thu Yên Tử.
Yên Tử còn có chương trình chăm sóc sức khỏe dành cho mọi người. Hy vọng, mỗi người khi trở về Yên Tử sẽ hòa mình cùng thiên nhiên, chữa lành cơ thể, tìm được lại bình yên trong tâm hồn. Trải qua hàng trăm năm, Yên Tử mang trong mình một trường năng lượng đặc biệt, nguồn năng lượng được lưu truyền qua các đời đạo sĩ đã tu tập tại đây, tạo nên một chốn non thiêng với nhiều giá trị rất khác biệt cho thân thể và cả tâm hồn.
Với dòng khách nghỉ dưỡng là khách lẻ gia đình, hội nhóm sẽ có chương trình “Mùa thu nơi tiên cảnh”, “Thu sang an nhiên” gắn các dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống và những giá trị trải nghiệm khác về thiên nhiên, văn hoá, lịch sử của Yên Tử vào thu.
Tại đây cũng thường xuyên có các hoạt động trải nghiệm làng nghề khác như: Nặn tò he, làm quạt, đan nón lá, chuồn chuồn tre, in tranh Đông Hồ, pha trà truyền thống. Cùng với đó là trải nghiệm bơi thuyền ở hồ Ngoạn Nguyệt, cây nguyện ước để du khách viết những điều nguyện ước may mắn. Du khách cũng có thể thuê cổ phục mô phỏng trang phục các triều đại Việt Nam để chụp ảnh, trải nghiệm làm đồ mộc, tự tay chế tác các vật dụng thường ngày như đũa, bát, thìa, đồ dùng học tập như thước kẻ, êke cho đến các vật phẩm lưu niệm, trang trí như vòng gỗ thơm đeo tay.
Qua hết mùa thu, tại Yên Tử sẽ có chương trình “Tri ân và ước nguyện” phục vụ nhu cầu lễ tạ cuối năm vào buổi đêm với các nghi lễ lên đăng, lễ thỉnh chuông, nhiễu tháp ở Huệ Quang Kim tháp. Với dòng khách nước ngoài, đặc biệt, dòng khách Hàn Quốc thường đến Quảng Ninh khi thời tiết đã dịu mát, sản phẩm cho khách sẽ được thiết kế đến với làng Nương trải nghiệm làm nón lá hoặc set up các cổ phục chụp ảnh checkin hoặc leo núi hứa hẹn là sản phẩm hấp dẫn.
Thực tế, không gian non thiêng Yên Tử không chỉ gói gọn trên địa giới hành chính của TP Uông Bí mà là không gian của cả dãy Yên Tử gồm cả TX Đông Triều, điều này cũng trùng khớp với hành trạng của Trúc Lâm tam tổ. Nếu Yên Tử được nhiều người biết đến là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, thuyết pháp, độ tăng, thì Ngọa Vân chính là điểm kết thúc quá trình tu hành thành Phật của Ngài, nơi đây được coi là thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Ngày nay, di tích Ngọa Vân ngoài việc được xem một điểm du lịch tâm linh, nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn thì còn là một địa điểm thực tập Thiền lý tưởng cho du khách.
Ngoạ Vân vốn là tên một đỉnh núi trên núi Bảo Đài, đúng như chiết tự mây nằm trên núi là đỉnh núi quanh năm mây phủ, có phong cảnh núi non hùng vĩ, linh thiêng với thế đất tọa sơn hướng thủy. Phía sau tựa vào núi đá, phía trước có minh đường rộng và có ngọn núi nhỏ như một bức bình phong. Hai bên tả có thanh long, hữu có bạch hổ. Dù trên đỉnh núi rất cao nhưng dòng suối thanh long nước chảy quanh năm không bao giờ cạn. Phong cảnh đó làm cho mùa thu trên đỉnh Ngọa Vân vừa hùng vĩ vừa trang nghiêm, thanh tịnh.
Đó là khung cảnh làm mê mẩn cho những ai muốn khám phá thiên nhiên và cảm niệm sâu sắc ân đức cao dày của bậc thiền sư và thu nạp những năng lượng tích cực, an trú trong chánh niệm. Hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, thắp một nén hương thơm chiêm bái Phật hoàng và thưởng ngoạn cảnh đẹp núi non mỗi độ thu sang có lẽ là một trải nghiệm quý giá đối với mỗi du khách khi đến với Quảng Ninh.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()