Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:49 (GMT +7)
Về miền cù lao sông Hậu
Chủ nhật, 12/06/2022 | 17:31:41 [GMT +7] A A
Với tôi mỗi chuyến đi là những trang bản thảo mới, là những kiến thức được nạp nhanh, nạp ngay khi đến những vùng đất dù đã đến, đã trở lại nhiều lần vẫn luôn là điểm đến đầy thú vị và khát khao khám phá về miền đất đó.
Những dư vị ngọt
Với miền sông Hậu khúc qua TP Cần Thơ thì tôi có cơ duyên nên đã có nhiều dịp đến và ở lại với thành phố thủ phủ miền Tây Nam bộ này. Ngẫu nhiên tôi đến TP Cần Thơ đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bước chân tôi như muốn đi thật chậm trước quảng trường trên bến Ninh Kiều, đứng dưới tượng đài Người với nhiều cảm xúc đan xen khó tả. Người Cần Thơ tự hào có công trình hoành tráng là Đền thờ các Vua Hùng tại TP Cần Thơ vừa khánh thành vào dịp Giỗ Tổ 10/3 năm nay. Tự hào hai tiếng Việt Nam, tự hào về nguồn cội. Niềm tự hào lan tỏa như những mùa nắng đẹp lênh loang ở miền châu thổ Cửu Long trù phú hoa trái bốn mùa. Một vùng đất được bồi đắp phù sa để những dòng sông không chỉ chở nặng phù sa, mà còn dâng cho con người những mùa hoa trái tốt tươi, những sản vật mà không nơi nào có được. Chị nhà thơ ở Hội Văn học nghệ thuật TP Cần Thơ rủ rỉ với tôi “Cần Thơ mà em, cứ thong thả như đám lục bình trôi thôi, cuộc sống thanh nhàn vì đồng bằng khá ưu đãi cho con người nơi đây, chỉ cần chịu khó một chút thì đã dư dả cuộc sống quanh năm không bị thúc ép như miền đất khác”.
Cần Thơ mà em. Vâng, tôi nhớ có dịp vào Cần Thơ đòi chị đi kiếm hoa điên điển, loại hoa chỉ có vào mùa nước nổi mà chúng tôi thì đến khi mùa nước nổi chưa tới, chị bảo cũng có điên điển sớm rồi nhưng mà khó kiếm quá. Chị chạy xe honda ngược xuôi tìm và đã không tìm được. Khi chạy về chỗ chúng tôi trú ngụ mấy ngày ở đó, chị nói tiếc sao các bạn không vào mùa nước nổi để chị tặng cả gánh bông điên điển. Nghe chị nói càng thấm thía tình cảm thương mến của người châu thổ. Mùa nước nổi, lục bình trôi, các món ăn cũng là những thứ từ sông, từ đồng bưng để đầy bàn ăn. Tôi thích món củ kiệu xào với thịt bò, thích món cá kho tộ đúng miền Tây, thích cái mùi lẩu mắm đặc trưng của vùng đất này.
Dọc con sông nặng phù sa cuồn cuộn ấy là cơ man những số phận con người neo dọc bờ bãi trù phú hai bên bờ của dòng sông. Tôi cứ miên man nghĩ liệu đã có ai đi đếm được biết bao những cánh đồng, những làng quê trên hai bờ của ngả đường sôi sục phù sa ấy. Mỗi ban mai thức dậy tôi lại bắt gặp dòng sông Hậu cuộn đục chảy trôi ra biển và khi chiều thì lại như thấy đám lục bình trôi ngược về phía ban sáng nó trôi ra. Tôi hỏi ông già bảo vệ ở Nhà sáng tác, ông bảo: “Ờ, cô nhìn tinh thế, nhìn những tảng lục bình trôi xuôi ra biển ban sáng và như trôi ngược lại ban chiều thì cô tinh mắt đấy. Vì ban sáng biển như hút nước về phía đó, ban chiều, những con sóng biển như no căng lại đẩy ngược trở lại và những tảng lục bình lại bám nhau trôi…ngược!”. Tôi bật cười, ồ, lạ quá, chả có lẽ mình nhầm, nhưng ông già sông Hậu ở cồn Khương bảo tôi đã nói đúng, dù bây giờ tôi vẫn bán tín, bán nghi. Phải chăng những cái dị biệt đó là những gì mà dòng sông mênh mang này đã mang phù sa bồi đắp những của nả khổng lồ của tiểu vùng sông Mê Kông đổ vào, để mà cả vùng đồng bằng cứ được ban tặng cơ man những cá tôm, hoa trái bốn mùa sinh sôi.
Gặp chàng trai quê Móng Cái ở cù lao Tân Lộc
Một điều lạ, ở xứ sở đồng bằng có nhiều cái tên dân dã đến ngỡ ngàng. Tất cả những hòn đảo bồi lên giữa những khúc đi của dòng sông Hậu hay sông Tiền mênh mang đều được gọi là cù lao hoặc gọi là cồn. Nhưng mỗi nơi gọi thêm một tên kèm như tôi biết cồn Khương, là nơi có ông Khương đến lập nghiệp đầu tiên mà lâu dần có thêm những cư dân mới, nên giờ có tên cồn Khương thành địa danh hành chính ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Ở dọc các dòng sông miền Tây Nam Bộ đều có rất nhiều địa danh như thế, những cách gọi dân dã đã gắn vào đời sống tinh thần của cư dân từ thuở lập làng, lập xã.
Chúng tôi đến phường Tân Lộc, nhưng tên cũ từ xa xưa bà con đã gọi cồn Tân Lộc hay cù lao Tân Lộc. Muốn đến cồn Tân Lộc thì phải qua phà Thốt Nốt - Tân Lộc. Con phà đi ngang qua đoạn sông Hậu tầm ba chục phút đồng hồ là tới. Mọi người đều ngỡ ngàng trước một vùng cây trái sum suê. Cậu An, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin quận Thốt Nốt đưa chúng tôi đi thực tế rất xởi lởi. An nói cậu sinh ra và lớn lên ở đây. Tôi ngạc nhiên hỏi về cái tên Lâm Hoàng Trường An của cậu thì An nhanh nhảu trả lời: “Ông bà cố em có nguồn gốc từ Móng Cái đến đây lập nghiệp và ở lại đây lâu rồi chị ạ”. An cho biết, gia phả các cụ cố vẫn ghi thế, nên thế hệ bây giờ vẫn cứ ghi trong tâm khảm mình là người Móng Cái.
An nói cậu là chít trực hệ của cụ cố Lâm Quang Ky từng là phó tướng của cụ Nguyễn Trung Trực. Cụ Ky là người trực tiếp dùng thuyền của gia đình đi chiêu binh cho cụ Nguyễn Trung Trực và tham gia đánh Pháp cùng Nguyễn Trung Trực - người có câu nói nổi tiếng:“Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”. Cụ Lâm Quang Ky cũng bị giặc Pháp bắt và đem xử tử khi thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực cầm quân thất bại đánh đồn Kiên Giang năm 1868.
Những câu chuyện về một thời điểm lịch sử chưa xa nơi cù lao xanh thẳm này, tôi ngồi nghe An kể chuyện trong cơn mưa châu thổ bất chợt ào xuống, những dòng mưa xối xả nhưng chỉ tức khắc thì tạnh. Bầu trời Tân Lộc lại sáng rực rỡ, những tán dừa xanh thẫm, những vườn cây quả như cùng vóng lên một màn nhung xanh miên man dọc con đường xuyên cù lao. Hai bên trường học, trạm xá của phường, là nhà dân đã thi nhau xây cất những căn biệt thự to nhỏ đủ hình đủ kiểu. Giữa cù lao mà ngỡ như đứng giữa thành phố hoa lệ nào đó, sự giàu lên của người dân cù lao được vun lên nhờ nuôi trồng thủy hải sản, từ cây trái bốn mùa xanh tốt, như đất cù lao đã ngàn năm qua được hút dòng phù sa của Mê Kông giàu có. Tôi chợt thấy như có những cư dân từ Móng Cái địa đầu đã và đang hóa thân vào dòng sông lịch sử giữa cù lao trù phú này với biết bao nhiêu là câu chuyện về lịch sử, với niềm tự hào về dòng dõi tổ tiên của An. Tôi hẹn An sẽ có dịp ghé thăm ngôi nhà cổ mà cha An đang ở để biết thêm về những cư dân Móng Cái đến đây từ nửa cuối thế kỷ 19, họ đã tấp thuyền vào cù lao này và ở lại lập nghiệp. An cũng bảo, nhất định có dịp em sẽ ra Móng Cái, Quảng Ninh để có dịp cảm nhận mảnh đất địa đầu đất nước nơi cụ cố đã từng sinh ra ở đó.
Trên cù lao Tân Lộc, chúng tôi có dịp ngang qua khu di tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thốt Nốt. Năm 1934, Chi bộ Tân Lộc Tây được thành lập có 3 đảng viên do đồng chí Ba Thử làm Bí thư. Vùng đất này thuộc tỉnh An Giang cũ, chỉ qua một chút nữa, cù lao Tân Lộc lại nối với cù lao Ông Hổ thuộc thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang - nơi có người cộng sản kiên trung với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam là Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.
Mỗi miền đất đi qua là một nơi chứa đựng biết bao những câu chuyện ẩn sau những vườn cây trái, ẩn sau những bến sông, con người. Như khi chúng tôi đến vùng Thốt Nốt này, vừa chợt ngạc nhiên cái bờ sông áp chân vườn nhà ông Đoàn Nô, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Cần Thơ với một cơ ngơi rộng mát. Cái khoanh ao ông khoanh lại ven bờ, ông chỉ quây vài đám lục bình buông lơi gọi là rào thôi, nhưng đám cá ba sa sông cứ thế tụ vào khi chủ nhân rắc thức ăn. Như thành nơi chốn thân quen nên đám cá ba sa cứ thế tụ lại, ông chỉ việc… vớt cá ăn! Đúng là như chuyện cổ tích, chỉ vài cái vỗ tay, đàn cá nhô lên kín mặt ao nhà ông Đoàn Nô.
Chia tay An, chia tay miền cù lao ấy, tôi cứ bảng lảng câu nói của An “Quê em ở Móng Cái!”.
Hạ Long, cuối tháng 5/2022
Vũ Thảo Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()