Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:31 (GMT +7)
Về miền căn cứ cách mạng Hải Chi anh hùng
Chủ nhật, 22/10/2023 | 07:49:29 [GMT +7] A A
Ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, huyện Ba Chẽ là một vùng đất đẹp với núi đồi trùng điệp giăng phủ chân mây. Nụ cười hồn hậu của đồng bào các dân tộc hoà quyện với núi rừng thiên nhiên xanh tươi. Ít ai biết được rằng, Ba Chẽ từng được chọn là căn cứ địa cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, với tên gọi Căn cứ Hải Chi.
Địa bàn phòng thủ chiến lược
Cũng nhờ được bao bọc bởi những cánh rừng bạt ngàn, dòng sông, khe suối, địa thế núi cao, rừng sâu hiểm trở, Ba Chẽ là vùng đất có vị trí quan trọng chiến lược giáp với cửa biển và nối liền với Hạ Long, Cẩm Phả thành một dải liên hoàn bao bọc lấy một phần đất rộng lớn của Quảng Ninh.
Xuôi dòng Ba Chẽ đến đoạn sông Cổ Ngựa, tôi miên man nghĩ về quá khứ. Chuyện xưa như vén cho chúng tôi tấm rèm huyền thoại để lật từng trang sử cũ. Chuyện là, cũng bởi vì có rừng núi um tùm nên sông Ba Chẽ kín đáo thích hợp cho phòng thủ quân sự. Năm 1285, trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2, thế giặc mạnh, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ (Ba Chẽ ngày nay) lánh nạn nhưng thực chất là một cuộc rút lui chiến lược của nhà Trần để rồi sau đó xây dựng thế trận phản công, giành thắng lợi.
Sau này, giữa núi rừng xanh tươi là những trục đường giao thông huyết mạch của miền Đông Bắc, gồm đường số 4 phía Bắc, đường 18 phía Đông, đường số 13 ở phía Tây và Nam, Ba Chẽ vừa là cửa ngõ, là hành lang bảo vệ phía Đông Nam của chiến khu Việt Bắc. Thế nhưng, những năm 40 của thế kỷ trước, vùng rừng núi Ba Chẽ hoang vu hẻo lánh tiêu điều dưới ách thống trị của thực dân, phát xít và thổ phỉ.
Nghe theo tiếng gọi của Đảng, nhân dân các dân tộc Ba Chẽ đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù. Tại gốc đa làng Dạ xã Thanh Lâm vào năm 1946, trước sự chứng kiến của hàng trăm đại biểu là đồng bào dân tộc yêu nước, Ủy ban Hành chính Kháng chiến huyện Hải Chi tức huyện Ba Chẽ ngày nay chính thức ra mắt.
Ngay sau khi thành lập, chính quyền non trẻ của huyện Hải Chi đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết chống lại thực dân, thổ phỉ và bọn phản động. Đồng bào các dân tộc nơi đây chiến đấu anh dũng, lập nên nhiều chiến công vang dội ở trên những cánh rừng, dòng sông Ba Chẽ, trên địa bàn xã Minh Cầm, đoạn sông Cổ Ngựa v.v. bảo đảm an toàn cho căn cứ cách mạng.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Ba Chẽ là khu căn cứ kháng chiến của tỉnh Hải Ninh. Lịch sử Đảng bộ huyện kể cho chúng ta biết rằng, ngày 6/6/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Ninh lần thứ nhất họp tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Đại hội đã ra Nghị quyết "Đông tiến" nhằm gây cơ sở trong vùng địch tạm chiếm ở các huyện miền Đông. Để thực hiện chủ trương này, Tỉnh ủy Hải Ninh nhận thấy rằng không thể ở mãi căn cứ tận núi cao Lộc Bình để chỉ đạo phong trào được mà phải chọn địa điểm nào làm căn cứ vừa an toàn vừa đảm bảo tiếp tế lại vừa làm bàn đạp tiến ra miền Đông và chỉ đạo phong trào toàn tỉnh thuận lợi.
Qua phân tích tình hình, Tỉnh ủy Hải Ninh thấy 2 xã Lương Mông và Minh Cầm của huyện Hải Chi tương đối đảm bảo được các yếu tố bí mật an toàn, thuận lợi về nhiều mặt cho việc chỉ đạo kháng chiến. Chính vì vậy, Tỉnh ủy quyết định chọn hai xã này là căn cứ của tỉnh làm bàn đạp tiến ra miền Đông, đẩy mạnh phong trào cơ sở quần chúng trong lòng địch, tạo diều kiện từng bước xây dựng các khu căn cứ tiến hành chiến tranh du kích. Chỉ trong một thời gian ngắn nơi đóng quân của căn cứ tỉnh Hải Ninh đã được xây dựng xong tại hai xã Lương Mông, Minh Cầm, thuận tiện trong sinh hoạt cũng như đảm bảo yếu tố bảo vệ.
Các cơ quan chuyên môn trong tỉnh Hải Ninh đều chuyển ra Hải Chi bắt đầu từ ngày 20/9/1948 trong niềm vui, phấn khởi nô nức của nhân dân. Nhân dân đã góp công, góp sức xây dựng khu căn cứ, dựng nhà, làm kho, bắc cầu, mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược và các phương tiện phục vụ cho đời sống và nhu cầu công tác của cán bộ khu căn cứ.
Nhân dân xã Lương Mông đã không quản ngày đêm phối hợp với lực lượng của tỉnh khẩn trương đào hầm hào, công sự và phòng tuyến chiến đấu, sửa lại nhà cửa để các cơ quan tỉnh sớm triển khai được công tác. Đã có rất nhiều gia đình sẵn sàng nhường nhà cửa của mình tình nguyện chuyển đi nơi khác để mở rộng nơi làm việc cho các cơ quan của tỉnh.
Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn gian khổ phải sống trong những căn nhà lá đơn sơ, cháo bẹ rau măng, mưa rừng, gió núi, thú dữ luôn đe dọa, không lùi bước trước khó khăn gian khổ, cán bộ kháng chiến đã bám đất, bám dân xây dựng khu căn cứ kháng chiến. Họ đã cùng nhân dân vượt qua những tháng ngày cam go.
Căn cứ Lương Mông - Minh Cầm chỉ được đóng chân hơn một năm nhưng đây là lúc tỉnh Hải Ninh xác định đường lối kháng chiến của tỉnh trong giai đoạn này, qua đó đề ra các chỉ thị, nghị quyết đúng đắn, quan trọng để lãnh đạo cuộc kháng chiến của tỉnh. Tinh thần đoàn kết, yêu thương đùm bọc của nhân dân xã Lương Mông đối với căn cứ kháng chiến, tinh thần bảo vệ khu căn cứ của quân dân huyện Ba Chẽ đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá về công tác xây dựng Đảng, công tác tư tưởng, công tác dân vận và bài học về bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong gian khổ hy sinh, trong đau thương mất mát, nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ luôn thể hiện tinh thần quật cường, chiến đấu, hy sinh, góp phần làm vẻ vang trang sử hào hùng của dân tộc. Tháng 7/1954, những tên lính Pháp cuối cùng cuốn cờ rút khỏi Ba Chẽ. Cuối năm 1954, Bộ Nội vụ ra quyết định chính thức thành lập huyện Ba Chẽ với 6 đơn vị hành chính, gồm nhiều dân tộc anh em.
Vươn mình trong đổi mới
Tô điểm thêm trang sử hào hùng của tỉnh Quảng Ninh, cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Chẽ đã dựa vào rừng để củng cố căn cứ địa cách mạng, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Hiện nay, người Ba Chẽ lại chung sức, đồng lòng đẩy lùi gian khó, chiến thắng đói nghèo, phát huy tiềm năng thế mạnh từ kinh tế rừng để vươn mình trong công cuộc đổi mới.
Trước những khó khăn đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã nỗ lực vượt qua thách thức ổn định đời sống, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương trở thành hậu cứ vững chắc bảo vệ Đặc khu Quảng Ninh, góp phần bảo vệ tuyến biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Bước vào những năm đổi mới, hội nhập với sự phát triển của các địa phương trong tỉnh, huyện Ba Chẽ định vị được tiềm năng lợi thế của mình, phát huy cao độ ý chí tự lực vượt khó vươn lên. Các nghị quyết đều xác định phát triển lâm nghiệp, củng cố quốc phòng an ninh xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ vững chắc của tỉnh.
Sản xuất lâm nghiệp của Ba Chẽ được quan tâm bằng nhiều cơ chế, chính sách phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất đang trên lộ trình thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát huy hiệu quả bền vững và mang lại nguồn thu nhập chủ yếu cho người dân.
Người dân Ba Chẽ đã biến nơi heo hút, với địa hình đèo dốc hiểm trở, dân cư thưa thớt, khí hậu khắc nghiệt, xơ xác tiêu điều bởi hậu quả của chiến tranh thành những vạt rừng xanh tốt, xứng đáng với sự hy sinh của biết bao đồng bào, đồng chí.
Ông Hoàng Mít, nguyên Chủ tịch UBND huyện, cho rằng, nhân dân đã có nhận thức đặc biệt thay đổi với thời cuộc, tự mình phấn đấu vươn lên có trách nhiệm với thôn bản cùng với địa phương phát triển kinh tế xoá đói giảm nghèo. Người dân không còn ỷ lại, hoặc chấp nhận nghèo đói, thay vào đó là tư duy vươn lên lao động, sản xuất, biết đầu tư cho con em phát triển, tiến bộ. Người dân cũng bảo nhau cùng xây dựng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt, phát triển các loại cây bản địa, tận dụng đặc thù về điều kiện tự nhiên của địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển các sản phẩm vô cùng giá trị như trà hoa vàng, ba kích, trồng rừng...
Ông Vũ Thành Long, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ cho biết: Thời gian tới, huyện Ba Chẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh công tác trồng rừng với mục tiêu đưa huyện trở thành thủ phủ “vàng xanh’, là trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh, xứng đáng là căn cứ địa cách mạng của vùng đất Hải Chi anh hùng.
Phạm Học
- Móng Cái: Công bố quyết định kết nạp 90 đảng viên mới chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh
- Công trình ý nghĩa chào mừng 60 năm thành lập tỉnh
- Thấm đượm tình yêu với Đất mỏ
- Quảng Ninh rực rỡ cờ hoa đón ngày trọng đại
- Bảo vệ bình yên Vùng mỏ
- Hành trình trải nghiệm thực tế nhân kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()