Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:52 (GMT +7)
Vé máy bay tăng cao: 1 vé “cõng” trên 20 loại phí
Thứ 5, 11/04/2024 | 15:53:33 [GMT +7] A A
Một trong những nguyên nhân khiến vé máy bay tăng cao là do mức thu thuế, phí hiện nay không hề nhỏ.
Thuế, phí cao hơn cả giá vé
Trong bài viết "Vé máy bay không chỉ đắt mà còn khan hiếm" đăng tải trước đó, Lao Động đã phản ánh việc vé máy bay không chỉ liên tục "lập đỉnh" mà còn rơi vào tình trạng khan hiếm. Chi phí đi lại tăng, chi phí đi du lịch trở nên đắt đỏ, điều này đang tác động không nhỏ đến việc kích cầu du lịch, và phát triển kinh tế - xã hội.
Khi tìm hiểu nguyên nhân vì sao giá vé máy bay tăng cao, phóng viên ghi nhận việc mỗi chiếc vé máy bay phải “cõng” rất nhiều loại phí.
Khi mua vé máy bay, người dân chỉ quan tâm đến số tiền cuối cùng họ phải bỏ ra, không ít người cho rằng, vé máy bay hiện nay quá đắt. Thế nhưng sẽ là “oan ức” nếu chỉ quy hết trách nhiệm giá vé cao cho các hãng hàng không. Bởi cấu thành giá vé máy bay, ngoài giá vé do hãng hàng không thu về, còn có thuế, phí cho các đơn vị khác mà hãng hàng không chỉ đơn thuần là đơn vị đứng ra thu hộ.
Đơn cử, khi đặt vé máy bay của hãng hàng không Vietjet Air chặng Hà Nội đi Điện Biên Phủ ngày 22.5, giá vé máy bay khi chưa có thuế, phí chỉ là 290 nghìn đồng, thuế VAT của vé là 23 nghìn đồng.
Tuy nhiên, khách sẽ phải trả 584 nghìn tiền thuế phí, bao gồm, phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội) là 215 nghìn, phí an ninh soi chiếu là 20 nghìn, phí sân bay quốc nội là 100 nghìn, phụ thu quản trị hệ thống 215 nghìn đồng, phần thuế VAT của phí là 34,4 nghìn đồng.
Như vậy, để đến được tay người tiêu dùng, giá cuối cùng của vé máy bay lên tới con số 897 nghìn đồng.
Nghĩa là giá vé máy bay chưa có thuế, phí chỉ bằng 1/3 với giá vé có thuế phí.
Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do nhà nước quy định.
Trong số này gồm có 5 loại dịch vụ do nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do nhà nước quy định khung giá.
Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.
Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối...
Người dân vào sân bay còn phải nộp thêm các loại phí như phí vào sân bay, phí đỗ xe...
Như vậy, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một vé máy bay sẽ phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.
Trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp hàng không cần chia sẻ với nhau
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TPHCM - cho biết, trong bối cảnh ngành hàng không đang gặp khó khăn chung, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cần phải có sự sẻ chia khó khăn với nhau.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, mức phí sân bay hiện nay cần được giảm để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay.
Trên thực tế, năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép ACV giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, khi phí sân bay quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé máy bay buộc phải đẩy cao lên, khách đi máy bay, khách du lịch cả trong nước và quốc tế vì thế cũng ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu.
"Hơn nữa, vé máy bay cao, khách du lịch giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
Nói về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích, thay vì phân loại quá nhiều loại phí, chúng ta chỉ cần quy định gọn 2 loại. Đó là phí theo chuyến bay gồm phí cất hạ cánh tại sân bay và phí phục vụ hành khách tại sân bay.
Hiện nay, nhằm khuyến khích ngành hàng không, Chính phủ một số nước đã hỗ trợ miễn phí cất hạ cánh tại sân bay. Trong điều kiện của Việt Nam, nếu làm được việc này thì rất tốt.
Trong điều kiện chưa thực hiện được, Việt Nam có thể áp dụng trước tại 4 sân bay lớn là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Đà Nẵng, sân bay quốc tế Cam Ranh.
Ngoài ra, cần loại bỏ phí vào sân bay. Hiện nay, trên thế giới không có nước nào thu phí vào sân bay. Các sân bay trên thế giới chỉ thu phí đỗ ở sân bay. Do đó, Việt Nam cần có quy định khi vào sân bay bao lâu sẽ không mất phí để giảm gánh nặng cho người dân.
Tiến sĩ Bùi Doãn Nề - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - cho rằng, giá vé máy bay phụ thuộc nhiều vào khung giá trần Nhà nước quy định và không được vượt qua mức giá trần.
Như vậy, đầu ra của giá vé được ấn định mức trần. Tuy nhiên, đầu vào cấu thành giá vé luôn biến động. Ngoài giá nhiên liệu tăng, các chi phí dịch vụ hàng không luôn biến động. Do đó, phương pháp giảm thuế, phí cùng gỡ khó cho ngành hàng không lúc này là rất cần thiết.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()