Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:37 (GMT +7)
Về Hà Lâu đi chợ phiên vùng cao…
Chủ nhật, 18/12/2022 | 12:55:10 [GMT +7] A A
Khoảng hai chục năm trước, tôi từng nghe cái tên Hà Lâu (Tiên Yên) với ý nhấn mạnh tới sự khó khăn của một xã vùng cao, trong đó có con đường vào Hà Lâu. Giờ mới có cơ hội đến với Hà Lâu, nhất là vào dịp chợ phiên vùng cao mở gắn với ngày hội của đồng bào Dao, thì có không ít sự tò mò…
Con đường từ quốc lộ 4B vào xã Hà Lâu chừng hơn 2 chục cây số với những khúc cua mềm mại khiến tôi có cảm giác “ngây ngất”, tuy nhiên đường đã được cứng hoá khá dễ đi chứ không còn như thuở nào. Hồi ấy, cách đây chừng hai chục năm, đồng nghiệp tôi đi tác nghiệp ở Hà Lâu phải có sự chuẩn bị kỹ càng, tới thị trấn Tiên Yên nghỉ từ hôm trước để sớm hôm sau lên xã cho kịp, đi về như thế cũng mất tới cả ngày. Xe ô tô cũng phải loại xe 2 cầu, và trên xe luôn thửa sẵn cuốc, xẻng để dọc đường gặp đoạn nào gập ghềnh, khó đi quá thì sẵn sàng “san núi, mở đường”…
Quảng Ninh những ngày đầu tháng 12 này đang vào đợt rét muộn, lên tới Hà Lâu, trời sáng, thoáng đãng hơn nhưng hơi lạnh vùng cao vẫn dường như tăng thêm một chút. Ngược lại, không khí rộn ràng của chợ phiên Hà Lâu, sắc màu “nóng” với những hồng, đỏ, vàng rực rỡ trên khăn áo những bộ trang phục truyền thống của người Dao lại làm chúng tôi phấn chấn hơn.
Chợ phiên Hà Lâu bố trí ở một không gian cố định, không quá lớn, các gian hàng cũng giản dị. Khung cảnh nhìn qua khiến tôi chợt hình dung tới những phiên chợ quê vùng đồng bằng, nơi những đứa trẻ được mẹ dắt tay đi chợ vừa háo hức, vừa tò mò…
Ông Phạm Tiến Dũng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu, cho hay, phiên chợ Hà Lâu là nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao cũng như các dân tộc khác trên địa bàn. Sau 2 năm tạm dừng do Covid-19, năm nay xã đã cho khởi động lại và duy trì 1 tháng/lần. Bà con các thôn tham gia rất nhiệt tình, các gian hàng đa dạng hơn những năm trước, lại có gian hàng của những xã bạn với sản phẩm cũng phong phú hơn. Xã cũng tạo thêm những điểm check-in để du khách lưu lại những hình ảnh đẹp khi đến với Hà Lâu dịp này...
Quả đúng như thế, dạo một vòng quanh chợ phiên, chúng tôi nhận thấy bà con bán hàng hoá với “cây nhà lá vườn” là chính. Đồ ăn chiếm nhiều nhất, có khoai lang, ngô bắp, cá khô, xôi nhiều màu, gạo tẻ, nếp nương, thịt lợn bản, các loại rau như bí đỏ, bí xanh, ngọn su su, bắp cải rồi cam quýt, trứng gà, vịt, mật ong và các loại bánh như bánh chưng gù, cốc mò. Bên cạnh đó là quần áo, đồ chơi, dụng cụ sản xuất, các loại lá thuốc, rễ cây, hoa, quả khô ngâm rượu…
Phiên chợ cuối năm của Hà Lâu mở vào cuối tuần, cùng với dịp Lễ hội Văn hoá - Thể thao dân tộc Dao trên địa bàn, có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao gắn với văn hoá đặc trưng của đồng bào Dao diễn ra xung quanh chợ phiên. Vì thế, chợ càng thu hút đông người hơn, thêm sôi động hơn. Gian hàng cho thuê quần áo truyền thống rộn ràng các chị em thử đồ để mặc đi chơi, chụp ảnh check-in. Khu bán các vật dụng lao động sản xuất đặc trưng của đồng bào nơi đây có ông Kiều Đức Minh, vừa bán hàng vừa mau mắn giới thiệu khi khách hỏi về cách đan các đồ tre.
Ông bảo, gia đình có nhiều đời sinh sống ở Hà Lâu, từ nhỏ ông đã biết đan giành, đơm cá, xúc (vật để đựng đồ, có thể dùng quang gánh để gánh hai bên), mũ tre rồi, nhưng gần đây ông mới bán hàng để có thêm tiền mua chén nước, chén chè... Các vật dụng này đan khá kỳ công, từ chọn tre, vót nan, công đan cũng mất cả buổi, đồ khó có khi 2-3 ngày mới xong, đan xong còn phải đưa lên gác bếp hong bồ hóng để chắc bền hơn…
Chị Giáp Thị Hải với bộ trang phục Dao truyền thống, bán tại gian hàng xã Điền Xá ở chợ phiên Hà Lâu, khi trò chuyện với chúng tôi luôn giữ nụ cười trên môi. Chị bảo, sau 2 năm phải tạm dừng do dịch Covid-19, chị rất háo hức tới chợ phiên và các lễ hội trên địa bàn, vừa là để trao đổi, giao lưu hàng hoá cũng như giao lưu văn hoá giữa các dân tộc với nhau…
Sắc màu văn hoá các dân tộc thiểu số hội tụ ở chợ phiên cũng chính là điểm hấp dẫn với du khách. Ở gian hàng đầy màu sắc của Hội Phụ nữ xã Hà Lâu, chúng tôi gặp chị Lại Thị Thanh Xuân (TP Hạ Long) đang mua cả bao gạo tẻ và gạo nếp nương. Nghe chị kể mới thấy bất ngờ. Chẳng là hôm trước chị vừa nghe qua radio nói hôm nay có phiên chợ Hà Lâu, vậy nên nhân ngày chủ nhật, cả nhóm bạn của chị đã rủ nhau đi chơi, khám phá chợ vùng cao. Chị chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân tới đây. Trước thì tôi cũng chỉ được xem nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số qua các phương tiện thông tin đại chúng thôi, lần này được đến, tận mắt chứng kiến những nét văn hoá đó thì thấy rất thú vị.
Chợ phiên Hà Lâu đầu giờ sáng còn khá thưa thớt, nhưng càng lúc dường như càng đông hơn. Ước đoán qua trang phục, qua dáng vẻ, gương mặt khách, chúng tôi cho rằng những du khách từ các địa phương khác, giống như nhóm bạn của chị Thanh Xuân chắc cũng không hiếm.
Chị Trần Thị Tâm đến từ huyện Vân Đồn, bày tỏ: Chợ chủ yếu là sản phẩm của người dân địa phương, mang tính đặc thù riêng, khá đa dạng cho nên tôi muốn mua vừa để thưởng thức, vừa để ủng hộ đồng bào mình phát triển kinh tế, phát triển du lịch địa phương. Tôi mong muốn có nhiều hơn những phiên chợ như thế này để người dân biết nhiều hơn đến những nét văn hoá vùng, miền đặc trưng nơi vùng cao.
Thậm chí như chị Hoàng Thị Hường, đến từ thị trấn Tiên Yên, chỉ cách Hà Lâu hơn hai chục cây số thôi, cũng rất vui vẻ chia sẻ: Đến chợ phiên có rất nhiều trải nghiệm thú vị, được thưởng thức, mua các đặc sản vùng miền ở đây, như cam Canh do bà con ở đây trực tiếp trồng, ngọt lắm mà chỉ có 15 nghìn/kg thôi. Các sản phẩm khác cũng thế, giá cả rất phù hợp, rẻ hơn các trung tâm đô thị nhiều…
Hà Lâu giờ đây cũng không còn quá xa, vì giao thông thuận lợi, vì các phương tiện thông tin liên lạc đã phát triển rộng khắp. Vì vậy, chợ phiên Hà Lâu cũng có những gian hàng chở đồ từ phố lên, từ quần áo, phụ kiện, thực phẩm cho đến trà sữa các loại… Nhưng hàng hoá lên vùng cao, đúng như chị Hoàng Thị Hường nhận xét, có giá khá mềm. Dưa hấu ruột đỏ chỉ 5 nghìn/kg ăn vẫn ngọt lịm, thơm mát. Còn chỉ với 45 nghìn đồng, trẻ em nơi đây đã có thể mua một món đồ chơi rồi. Bé trai có thể mua hộp đồ chơi siêu nhân, bé gái có thể mua một con thú nhồi bông với nhiều màu sắc, loại hình phong phú, khá đẹp mắt.
Ngược lại, với những nông sản do bà con nơi đây nuôi trồng ra, có sản phẩm giá rất mềm như cam, quýt chẳng hạn, cũng có sản phẩm tương đối được giá như gạo nếp nương 30 nghìn/kg, trứng gà con so là 40 nghìn/chục, ngang với vùng xuôi… So như vậy để thấy mừng cho bà con vùng cao, hàng hoá được bán với giá tốt sẽ giúp thúc đẩy sản xuất, góp phần nâng cao đời sống để bà con vùng cao từng bước tiến kịp với miền xuôi…
Chợ phiên Hà Lâu dịp này mở trong 2 ngày cuối tuần, chỉ đến trưa mùng 4 đã khá vãn hàng hoá, cũng vãn người qua lại. Chợ vãn nhưng không khí lễ hội thì chưa, người dân, du khách sau khi mua bán, vui chơi tại chợ lại tiếp tục tản ra đi chơi, tham quan, chụp ảnh tại các điểm check-in khu vực lân cận chợ phiên của xã, như cầu treo, Cung điện hoa tại thôn Bắc Lù, cầu treo Khe Liềng (thôn Co Mười - Khe Liềng)…
Rời chợ phiên, rời Hà Lâu trên con đường bê tông còn nhiều đoạn uốn khúc, tôi lại nghĩ về một lần trở lại nơi đây tham gia phiên chợ vùng cao. Khi ấy, con đường chắc chắn đã được mở rộng hơn, kéo thẳng hơn bởi trong lộ trình của huyện Tiên Yên, tuyến đường vào Hà Lâu sẽ được triển khai vào năm 2023 tới đây. Và du lịch nơi đây khi ấy chắc chắn cũng sẽ rộng mở hơn, sức hút du khách sẽ lớn hơn từ chính những giá trị văn hoá bản địa đặc sắc của Hà Lâu.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()