Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:21 (GMT +7)
Vật vã tìm người giúp việc sau Tết
Thứ 2, 19/02/2024 | 15:49:26 [GMT +7] A A
Chuyện người giúp việc nghỉ việc ngay sau kỳ nghỉ Tết khiến nhiều gia đình rơi cảnh dở khóc dở cười.
Khó như... tìm giúp việc
Cuối năm 2023, người giúp việc lâu năm của gia đình bà Lưu Thị Oanh ở Võng Thị, Tây Hồ, Hà Nội thông báo sẽ nghỉ việc, không quay lại khiến gia đình bà lo lắng đứng ngồi không yên cả dịp Tết.
"Để tìm được người giúp việc gắn bó với gia đình lâu năm không phải là dễ dàng dù trước đó gia đình tôi đã phải trải qua tới 3-4 “đời” người giúp việc. Nguồn thì tìm qua trung tâm, nhờ người quen tìm, về quê nhờ họ hàng... Phải may mắn lắm mới gặp được một người có thể gắn bó suốt 5 năm qua", bà Oanh nói.
Không có người giúp việc, các con bà Oanh "lăn lộn" khắp các diễn đàn để tìm người. Ban đầu, mức lương đưa ra là 6,5 triệu đồng/tháng nhưng chẳng ai quan tâm, sau đó con bà Oanh tăng lên 7 triệu đồng/tháng, nay vẫn chưa tìm được người.
May mắn hơn bà Oanh, giúp việc nhà chị Lê Vân (Mễ Trì, Nam Từ Liêm) đồng ý lên làm việc từ mùng 6 Tết, tuy nhiên kèm thêm điều kiện là phải cho đi "kiếm thêm" lúc rảnh việc nhà.
Chị Vân chia sẻ về sự gắn bó ngắn ngủi với 5 người giúp việc chỉ trong một năm. Sau khi sinh bé đầu lòng, chị phải quay lại guồng quay công việc và tìm người giúp việc để trông con.
"Tôi tìm kiếm người giúp việc thông qua các trung tâm "tự gắn mác" uy tín với mức phí môi giới là 500.000 đồng/lần. Sau đó, tôi lần lượt tiễn 5 người chỉ trong một năm bởi những lý do rất "trời ơi đất hỡi": Người thì lười biếng để mặc bé khóc la nhưng vẫn ngủ ngon lành; người thường xuyên xin nghỉ với lý do bận việc gia đình; người thì liên tục than thở và đòi tăng thù lao trong khi chưa phụ giúp được nhiều..." chị Vân nói.
Kinh nghiệm để tìm được giúp việc tốt
Để tìm được người giúp việc tốt, an toàn, nếu tìm thông qua các mối quan hệ quen biết cũng không nên đặt niềm tin hoàn toàn mà cần phải tìm hiểu tính cách, nhân thân người giúp việc thông qua các “nguồn” quen biết.
Nếu thông qua môi giới, các gia đình cần tìm đến những cơ sở uy tín, chọn lọc người giúp việc có nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng. Đồng thời nên lựa chọn cơ sở cung cấp có huấn luyện các kỹ năng làm việc nhà cho người giúp việc, có hợp đồng cam kết về trách nhiệm khi có những vấn đề vi phạm pháp luật liên quan đến giúp việc. Đặc biệt cần tránh trường hợp vì gấp mà tìm vội vàng, miễn có giúp việc là được.
Còn theo lời khuyên của các chuyên gia, giúp việc không chỉ là một nghề nghiệp như làm thuê thông thường, mà người giúp việc cũng được coi là một thành viên trong gia đình, ảnh hưởng rất lớn đến không khí, lối sống trong nhà, thậm chí đến cả sự phát triển lành mạnh của trẻ nhỏ. Chính vì thế, khi lựa chọn giúp việc, các gia đình không chỉ cần xem xét kĩ đến nhân thân mà còn cần chú trọng đến phẩm cách, thói quen của người giúp việc.
Trong thời gian thuê giúp việc, cũng không nên bỏ mặc toàn bộ việc nhà, việc chăm sóc con cái cho người giúp việc mà cần phải theo sát sao. Thông qua quan sát thái độ, cách làm việc của người giúp việc để biết được tính cách, đạo đức, hành xử, có yêu thương trẻ em, kính trọng người già hay không, lối sống có phù hợp với văn hóa gia đình hay không... Bên cạnh đó, chủ nhà cũng cần cởi mở, coi người giúp việc như thành viên trong nhà, đối đãi với họ chân thành, tử tế. Có như thế mới mong nhận được chân tình, yêu quý và hết lòng từ người giúp việc.
Để tránh gặp phải những tình huống “dở khóc, dở cười”, người sử dụng lao động cần làm hợp đồng với người giúp việc chặt chẽ hơn với các điều khoản kín kẽ hơn nữa, tránh những nỗi bức xúc phát sinh giữa đôi bên.
Tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 38/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu với người giúp việc gia đình trong năm 2023 được thực hiện theo mức lương tối thiểu vùng. Theo đó, mức lương tối thiểu tháng được điều chỉnh cao nhất ở vùng I là 4.680.000 đồng và thấp nhất vùng IV là 3.250.000 đồng. Mức lương theo công việc bao gồm cả chi phí tiền ăn, ở của người lao động tại gia đình người sử dụng lao động (nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), tối đa không quá 50% mức lương theo công việc ghi trong hợp đồng lao động. |
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()