Vật liệu sống (ELM) được tạo ra từ loại vi chuẩn chỉnh sửa gene mang tên Komagataeibacter rhaeticus. Các nhà khoa học sắp xếp vi khuẩn theo cấu trúc hình cầu gọi là phỏng cầu, đồng thời đặt cảm biến để phát hiện hư hỏng. Sau đó, họ đục lỗ trên lớp cellulose của vi khuẩn và nhét một số phỏng cầu vào trong lỗ. Sau ba ngày, nhóm nghiên cứu nhận thấy các lỗ đã được vá lành. Hình dáng của vật liệu khôi phục như cũ. Họ mô tả phát hiện trong nghiên cứu công bố hôm 19/8 trên tạp chí Nature Communications.
"Phát hiện của chúng tôi mở ra hướng tiếp cận mới, trong đó vật liệu nuôi cấy có thể được sử dụng như các module với chức năng khác nhau, giống như trong xây dựng. Vật liệu sống tạo ra theo cách này rất đa dạng, chẳng hạn với tế bào men tiết protein, chúng tôi có thể sản xuất màng phim vá lành vết thương. Hormone và enzyme sinh ra từ băng gạc sẽ giúp tăng tốc độ lành da", Joaquin Caro-Astorga, trợ lý nghiên cứu ở Khoa kỹ thuật sinh học tại Đại học Hoàng gia London (ICL), trưởng nhóm nghiên cứu, giải thích.
Patrick Rose, giám đốc khoa học tại Văn phòng nghiên cứu hải quân toàn cầu của Mỹ ở London, đơn vị đóng góp kinh phí cho nghiên cứu, chia sẻ họ muốn tăng tuổi thọ của sản phẩm, ngăn các hệ thống hỏng hóc trước khi có thể nhìn thấy vấn đề bằng mắt thường. Hiện nay, các nhà khoa học muốn phát triển nhiều khối xây dựng hình phỏng cầu hơn và tạo nhiều thiết kế phức tạp hơn, kết hợp khối xây dựng với vật liệu như cotton hoặc graphite.
Đây không phải lần đầu tiên giới nghiên cứu tìm hiểu vật liệu có thể tự vá lành. Trong cuốn sách Các hệ thống tự vá lành dựa trên polymer, tác giả Martin Hager và Stefan Zechel cho biết một số loại polymer có thể làm liền vết nứt và khôi phục đặc tính cơ học.
Những nhà nghiên cứu khác đang xem xét cách sử dụng một loại nấm để sửa vá vết nứt ở bê tông. Phòng thí nghiệm Moore tại Đại học Illinois đang tìm cách mở rộng quy mô và thương mại hóa hệ thống tự vá lành, trong đó chất lỏng được đổ vào vết nứt để dính liền vật liệu với nhau. Phương pháp này cho phép vá khe hở rộng tới 9 mm.
Ý kiến ()