Dạo quanh các bãi đỗ xe tại TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, chúng tôi không khỏi xót xa khi hàng trăm chiếc xe giường nằm hiện đại, cao cấp phải nằm đắp chiếu từ nhiều tháng nay.
Chủ nhân của những chiếc xe này thì đang đứng ngồi không yên vì khối tài sản tiền tỉ đang xuống cấp từng ngày cùng với số tiền lãi, tiền phí đang phải gánh mặc dù xe không hoạt động…
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Long - Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Xuân Long - cho biết, công ty chúng tôi hiện có 35 đầu xe khách chạy liên tỉnh, trong đợt dịch COVID-19 năm 2020 các tuyến xe liên tỉnh phải dừng hoạt động gần 1 tháng đã làm cho công ty gặp không ít khó khăn.
“Đến năm nay, các xe đều đã phải dừng hoạt động từ 2 tháng trở lên, riêng tuyến Điện Biên - Bắc Ninh - Bắc Giang đã phải dừng hoạt động gần 6 tháng” - ông Long nói.
Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Xuân Long cũng cho biết: “Gần 80% tiền đầu tư mua xe là công ty và các thành viên phải vay. Xe không hoạt động nhưng lãi ngân hàng vẫn phải gánh, công ty cũng làm đơn xin giãn nợ gốc nhưng không được ngân hàng chấp nhận. Nhiều chủ xe đã phải đăng bán nhà, bán xe để trả nợ...”.
Theo đó, hầu hết các chủ xe đều phải vay vốn ngân hàng nên bắt buộc phải mua bảo hiểm vật chất, khi dừng hoạt động nhưng vẫn phải chịu tiền bảo hiểm, thuế phí vẫn phải đóng, hết hạn vẫn phải đăng kiểm… Gần 5 tháng nay Công ty Du lịch Xuân Long không thu được tiền của các thành viên nên không có tiền để trả cho công nhân.
“Hiện tại hơn 200 lao động của công ty đang thất nghiệp, nhiều lao động thời vụ không có lương cố định thì phải ứng tiền sinh hoạt… sau này hoạt động trở lại thì họ sẽ đi làm để trừ nợ” - ông Long chia sẻ.
Nguy cơ phá sản
Chia sẻ với phóng viên về khó khăn của doanh nghiệp, ông Đặng Văn Thông - Giám đốc Công ty TNHH Thông Lan Điện Biên - cho biết: “Hiện tôi đang phải tự lái xe đi vùng cao để gom khách kiếm từng đồng trả lãi ngân hàng. Từ khi dịch COVID-19, các xe phải dừng hoạt động nhưng tháng nào doanh nghiệp cũng vẫn trả lãi ngân hàng gần 200 triệu đồng”.
Công ty TNHH Thông Lan có hơn 50 đầu xe, trong đó hơn 10 xe chạy liên tỉnh. Từ khi các tuyến xe liên tỉnh không được phép hoạt động kéo theo xe nội tỉnh cũng phải dừng lại vì không có khách.
Hầu hết các thành viên nhờ công ty đứng ra vay vốn ngân hàng, giờ không có tiền nộp, đã có gần chục người trả lại xe vì không có khả năng tiếp tục trả nợ. Vốn liếng của doanh nghiệp giờ cũng hết, nhà ở đồng thời là văn phòng công ty cũng đã bị ngân hàng niêm phong.
Còn anh N.V.Q, một chủ xe đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực vận tải hành khách thì cho biết: “Gia đình tôi đã phải trả lại xe cho công ty vì không có khả năng trả lãi, nhà ở cũng đã phải cắm ngân hàng mà vẫn còn nợ công ty gần 300 triệu đồng vì xe bị mất giá…”.
Trao đổi với phóng viên về giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tài hành khách, ông Trần Thanh Kiên - Giám đốc Sở GTVT Điện Biên - cho biết, hiện tại Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn tất dự thảo kế hoạch tổ chức vận tải hành khách, dự kiến ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 1.10.2021.
Trong khi đó, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế, phí… thì vẫn phải chờ hướng dẫn và chỉ đạo của Chính phủ.
“Thời gian cụ thể để triển khai hoạt động trở lại của các tuyến xe khách liên tỉnh vẫn phải chờ văn bản chính thức và căn cứ tình hình thực tế của 2 đầu tuyến” - ông Kiên nói.
Được biết, theo kế hoạch tổ chức vận tải hành khách của Bộ GTVT, đối với tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch không được chở quá 50% số người. Tuyến cố định liên tỉnh, căn cứ vào tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương, các đơn vị cũng chỉ được hoạt động từ 40-80% tần suất chuyến đã được phê duyệt.
Dù kế hoạch tổ chức vận tải hành khách trở lại được triển khai như thế nào thì đây cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp vận tải hy vọng vào sự phục hồi trong lúc đang đứng bên bờ vực phá sản.
Ý kiến ()