Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:52 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm: Vẫn nhiều việc phải làm
Thứ 6, 11/06/2021 | 10:07:37 [GMT +7] A A
Từ những tác động bất lợi của thời tiết, môi trường, quy trình nuôi chưa đảm bảo quy chuẩn, công tác tiêm phòng dịch bệnh đạt kết quả chưa cao và cả những lỗ hổng trong hệ thống thú y cơ sở… đã ít nhiều ảnh hưởng tới an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của Quảng Ninh trong thời gian qua.
Bùng phát nhiều ổ dịch
Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn tỉnh hiện nay là 32.800 con trâu, 37.000 con bò, 283.000 con lợn, 4 triệu con gia cầm. Trong 5 tháng qua, Quảng Ninh đã xuất hiện hơn 70 ổ dịch gia súc, gia cầm ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2020. Chủ yếu vẫn là các dịch bệnh quen thuộc, bao gồm 8 ổ dịch cúm gia cầm, 2 ổ dịch lở mồm long móng, 18 ổ dịch tả lợn châu Phi, 39 ổ dịch viêm da nổi cục, 3 ổ dịch bệnh dại... Riêng bệnh tả lợn châu Phi, sau năm 2020 gần như vắng bóng đã liên tục xuất hiện trở lại; bệnh viêm da nổi cục là loại bệnh lần đầu phát hiện trên đàn gia súc lớn của Quảng Ninh.
Chỉ tính trong tháng 5, bệnh viêm da nổi cục xảy ra ở 7 địa phương, làm 124 con bò mắc bệnh, trong đó 34 con không điều trị được, buộc phải tiêu hủy. Tại TP Hạ Long, dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát đáng lo ngại nhất tỉnh, với nhiều ổ dịch, buộc tiêu hủy 340 con lợn với hơn 12 tấn trọng lượng.
Trước đó, các địa phương: Đông Triều, Quảng Yên, Hải Hà, Đầm Hà đã xảy ra ổ dịch H5N6 trên đàn gia cầm, buộc phải tiêu hủy cả chục ngàn con, kéo dài thời gian tái đàn. Riêng TX Đông Triều được coi là vùng chăn nuôi tập trung của toàn tỉnh với số lượng hơn 4.000 hộ chăn nuôi và tổng đàn gia súc, gia cầm là 46.000 con lợn, 915.000 con gia cầm, lớn nhất tỉnh. Từ đầu năm đến nay, tại Đông Triều xuất hiện đủ các loại dịch bệnh trên đàn lợn, gà, trâu, bò, kể cả đàn bò sữa. Đáng tiếc hơn, đầu tháng 5 vừa qua, tại huyện Đầm Hà đã xảy ra vụ chó dại làm chết người, khiến cho Quảng Ninh liên tiếp 3 năm gần đây đều có người chết vì bị chó dại cắn.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, tổng số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ các hộ dân có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh (mức 30% giá trị vật nuôi) từ đầu năm đến nay là trên 8 tỷ đồng. Tương đương tổng giá trị thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên đàn gia súc, gia cầm ít nhất là 25 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác liên quan đến công tác dập dịch, xử lý môi trường, tổ chức tiêu hủy vật nuôi bị bệnh...
Nhiều lỗ hổng trong phòng dịch
Thời tiết diễn biến thất thường, giai đoạn chuyển mùa dễ phát sinh, lây lan virut gây bệnh là những nguyên nhân khách quan tác động đến an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin chưa cao và kịp thời khiến sức đề kháng của vật nuôi và tỷ lệ bảo hộ của vắc xin trên tổng đàn vật nuôi thấp. Tư duy chăn nuôi nông hộ, thiếu quy chuẩn, thiếu các mô hình nuôi tập trung, an toàn sinh học, đã khiến việc kiềm chế, kiểm soát, chủ động phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi khó... Đó đều là những nguyên nhân khiến cho tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của tỉnh thời gian qua gia tăng như nói ở trên và còn nguy cơ diễn biến phức tạp thời gian tới.
Đầu tháng 6, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị lấy ý kiến về xây dựng chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong vùng đô thị buộc phải dừng hoạt động hoặc di chuyển địa điểm. Đây được coi là giải pháp để giảm thiểu, dẫn tới xóa bỏ mô hình nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, nuôi trong khu đông dân cư và thiếu các điều kiện nuôi an toàn. Tuy nhiên, nếu như thời điểm hiện nay đơn vị chuyên môn mới đang xây dựng chính sách, chưa đưa vào triển khai, có nghĩa các cơ sở nuôi thiếu chuẩn trên vẫn tồn tại, kéo theo đó là nguy cơ phát sinh, lây nhiễm về dịch bệnh.
Theo con số rà soát tính đến cuối tháng 5, toàn tỉnh hiện có trên 40.000 cơ sở chăn nuôi các loại, trong đó số cơ sở chăn nuôi tập trung chỉ chiếm chưa tới 1.000 đơn vị, khoảng 7.000 cơ sở nuôi đang ở những vùng đô thị rất đông người, không đủ điều kiện tối thiểu để hoạt động sản xuất. Trong khi đó, thực tế các ổ dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy đều phát sinh tại các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, thiếu các điều kiện an toàn sinh học.
Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để đảm bảo an toàn dịch bệnh trên tổng đàn vật nuôi, cần triển khai những biện pháp trước mắt cũng như lâu dài. Trong đó tiến tới nuôi quy mô tập trung, công nghiệp, an toàn sinh học là giải pháp bắt buộc và bền vững nhất. Ít nhất trong 3 tháng hè thời tiết sẽ diễn biến phức tạp với mức nắng nóng cao độ, kéo dài, xen kẽ những đợt mưa lớn đột ngột, từ đó dễ phát sinh các mầm dịch bệnh và giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm.
Bởi vậy, giai đoạn này cần phải tăng cường chế độ dinh dưỡng phù hợp và tạo môi trường sống an toàn, thông thoáng cho vật nuôi, phát triển đàn trên cơ sở con giống có nguồn gốc và tiêm phòng đầy đủ. Khi phát hiện vật nuôi có dấu hiệu mắc bệnh không tự ý chữa trị, đồng thời đặc biệt cần thực hiện đúng quy tắc “5 không” là không giấu dịch, không bán chạy, ăn thịt, vận chuyển và vất vật nuôi bị bệnh ra môi trường.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()