Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:21 (GMT +7)
Văn nghệ sĩ Quảng Ninh: 60 năm tô điểm vẻ đẹp quê hương
Chủ nhật, 22/10/2023 | 09:08:35 [GMT +7] A A
Trong thời gian qua, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã khai thác chất liệu phong phú từ đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa, con người Vùng mỏ nói riêng và cả nước nói chung. Thông qua trang viết của họ, hình ảnh vùng đất và con người Quảng Ninh được tô điểm đẹp đẽ hơn và lan tỏa ngày càng sâu rộng trong trái tim của công chúng.
60 năm qua, văn học nghệ thuật Quảng Ninh không chỉ thể hiện sự mở rộng biên độ nội dung, đề tài mà còn cách tân để đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Là vùng đất có bề dày văn hoá, có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, con người thân thiện, mến khách, Quảng Ninh có thể cung cấp những chất liệu sinh động và đa dạng cho sáng tạo văn học nghệ thuật. Quảng Ninh còn là nơi sản sinh, hội tụ nhiều thế hệ văn nghệ sĩ có năng lực sáng tác dồi dào.
Năm 1958, đoàn văn nghệ sĩ Trung ương do nhà thơ Huy Cận, lúc đó là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, dẫn đầu đã thực tế “ba cùng” ở Vùng mỏ, mang đến luồng gió mới cho những sáng tác về công nhân mỏ. Gần một năm sau đó, hàng loạt tập sách của Huy Cận, Nguyễn Dậu, Tạ Hữu Yên, Võ Huy Tâm đã ra đời. Đặc biệt, tiểu thuyết Vùng mỏ của nhà văn Võ Huy Tâm được coi là tác phẩm mở đầu cho văn học nghệ thuật Quảng Ninh viết về công nhân.
Về âm nhạc, tháng 4/1964, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dẫn đầu một đoàn nhạc sĩ về Vùng mỏ thực tế sáng tác. Từ đó họ đã có những ca khúc đóng đinh trên sân khấu ca nhạc Vùng mỏ. Các ca khúc được viết thời điểm đó đã vẽ nên một không gian âm nhạc Vùng mỏ với những đặc trưng riêng đẹp về ca từ và giai điệu. Cũng từ sự tiếp xúc này, sau đó một loạt nhạc sĩ nghiệp dư của Vùng mỏ đã được hình thành.
Mỹ thuật Quảng Ninh cũng đã có những "vụ mùa bội thu" sau những chuyến thực tế sáng tác có chất lượng này. Họ vừa thực tế sáng tác, vừa tham gia giảng dạy cho các lớp vẽ công nhân. Sau đó một vài năm, Ty Văn hoá - Thông tin, Liên hiệp Công đoàn tỉnh và Hội Văn nghệ Quảng Ninh đã mở nhiều lớp, nhiều trại sáng tác hội hoạ ở TX Hòn Gai và cử người đi học Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội hay Trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp. Từ môi trường thuận lợi đó, nhiều công nhân đã trở thành hoạ sĩ vững tay nghề, được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Trong bối cảnh cần sự đoàn kết, tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ, năm 1969, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đã ra đời và dần phát huy tốt vai trò của mình trong việc đẩy mạnh sự nghiệp văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Hội ra đời đã tập trung xây dựng lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác, biểu diễn; đổi mới hình thức tổ chức hoạt động văn học nghệ thuật theo hướng liên kết vùng, đẩy mạnh xã hội hóa.
Trải qua 60 năm, song hành cùng với sự phát triển của đất nước và của tỉnh, văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã bám sát hiện thực cuộc sống, chuyển tải bằng hình tượng nghệ thuật những vấn đề nóng hổi của đời sống xã hội; đóng góp tích cực vào mặt trận tư tưởng văn hóa của tỉnh cũng như cả nước.
Thời gian qua, tỉnh nhà đã tổ chức hàng loạt các sự kiện văn học nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Quảng Ninh đến với đông đảo bạn bè quốc tế, mở rộng giao lưu về văn học nghệ thuật, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, biểu diễn. Văn nghệ sĩ Quảng Ninh có nhiều đóng góp cho sự phát triển của văn học nghệ thuật cả nước làm nên diện mạo chung cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Nhắc đến Quảng Ninh là công chúng nhớ ngay đến một vùng văn học nghệ thuật khai thác đề tài công nhân, công nghiệp sản xuất than. Bên cạnh đề tài người thợ mỏ, Quảng Ninh còn cung cấp hàng loạt đề tài phong phú để các văn nghệ sĩ thỏa sức sáng tác, như: Đề tài Phật giáo gắn với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và vương triều Trần, đề tài lịch sử gắn với những chiến công trên sông Bạch Đằng, đề tài Vịnh Hạ Long, đề tài biên giới biển đảo, đề tài các dân tộc thiểu số v.v..
Các tác phẩm đó không chỉ bó hẹp trong công chúng tỉnh nhà mà còn đến gần hơn với công chúng cả nước. Có được những thành công đó là do văn học nghệ thuật Quảng Ninh cởi mở, phóng khoáng, ít bị gò vào khuôn khổ và tương đối nhạy bén để dễ dàng tiếp thu tư tưởng, phong cách, trào lưu sáng tác mới.
Nhờ vậy, năm nào văn nghệ sĩ Quảng Ninh cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi văn học nghệ thuật khu vực và cả nước. Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh được nhận những giải thưởng, những danh hiệu cao quý của Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành và giải thưởng từ các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật trong và ngoài tỉnh...
Kế thừa và phát huy truyền thống sáng tạo văn học nghệ thuật, văn nghệ sĩ Quảng Ninh bằng trách nhiệm công dân của mình đã và đang ra sức tự đổi mới để bứt phá mạnh mẽ hơn trên hành trình sáng tạo. Họ đã đem đến bức tranh đa dạng, phong phú về tư tưởng nghệ thuật và phong cách sáng tạo, góp phần xứng đáng xây dựng quê hương Quảng Ninh giàu đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh của con người Vùng mỏ.
Ông Đào Huy Toàn, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, khích lệ văn nghệ sĩ sáng tạo, đem hơi thở cuộc sống vào tác phẩm, tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ có môi trường tốt để sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, phát hiện bồi dưỡng những tài năng văn học nghệ thuật để có được những thành tựu xứng tầm với tiềm năng của tỉnh và đòi hỏi của công chúng.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()