Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:17 (GMT +7)
Vẫn khó trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm
Thứ 3, 28/06/2022 | 07:13:10 [GMT +7] A A
Mới đây, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo số 3554/UBND-NLN3 gửi các địa phương, các ngành liên quan về việc tăng cường công tác kiểm soát giết mổ động vật và quản lý buôn bán thuốc thú y. Có thể thấy, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm đã được các ngành, địa phương quan tâm trong thời gian qua, nhưng thực tế, công tác này gặp không ít khó khăn.
Khó khăn lớn nhất của tỉnh trong kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn là còn quá ít cơ sở giết mổ tập trung. Được biết, ngay từ năm 2006, vấn đề về quy hoạch, xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đã được tỉnh đặt ra thông qua Quyết định số 1214/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đến tháng 12/2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 5240/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh bổ sung mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh gồm 24 điểm; trong đó, có 9 cơ sở loại I, 12 cơ sở loại II và 3 cơ sở gom nhỏ lẻ.
Hiện nay, tiến độ xây dựng các lò giết mổ tại các địa phương quá chậm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn rất khó bởi để xây dựng cơ sở giết mổ theo đúng quy chuẩn, đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ, vốn thu hồi lại chậm. Đến nay, trên địa bàn tỉnh mới chỉ xây dựng, cải tạo, nâng cấp và đi vào hoạt động 6 cơ sở giết mổ tại Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí và Đông Triều với quy mô công suất khoảng 100-250 con/ngày. Ngoài ra còn 1 cơ sở giết mổ loại I đang trong giai đoạn xin chấp thuận chủ trương đầu tư tại Hải Hà. Việc giám sát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được giao cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện, đảm bảo kiểm tra giám sát theo quy định từ khâu tiếp nhận lợn vào cơ sở giết mổ cho đến quá trình giết mổ, xuất thịt đi các chợ...
Còn tại các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, hầu hết các địa phương giao về cho Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện thực hiện. Cái khó của các địa phương là hiện nay, số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn quá nhiều (toàn tỉnh khoảng 500 cơ sở) với lượng giết mổ hơn 1.000 con gia súc/ngày. Số lượng gia súc, gia cầm giết mổ lại tập trung vào một thời gian cố định: 2-3 giờ sáng và 14-15 giờ chiều, trong khi số lượng nhân viên thú y của địa phương có hạn nên mỗi ngày chỉ luân phiên đi kiểm soát được 1-2 cơ sở nhỏ lẻ. Với gia cầm, phần nhiều được giết mổ tại gia đình người buôn bán hay giết ngay tại các điểm chợ; trong khi toàn tỉnh có khoảng 130 chợ, chưa kể các điểm chợ cóc... Do đó, việc kiểm soát vệ sinh thú y trong giết mổ gia cầm gần như ít được thực hiện.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, năm 2021, toàn tỉnh kiểm soát giết mổ 321.000 con gia súc, gia cầm, thu phí 1 tỷ đồng. Còn 3 tháng đầu năm 2022, kiểm soát giết mổ 87.600 con gia súc, gia cầm, thu phí 406 triệu đồng. Số lượng gia súc, gia cầm được giám sát, kiểm tra vệ sinh thú y, ATTP mới chỉ chiếm gần 40% so với lượng gia súc, gia cầm giết mổ thực tế.
Được biết, năm 2021, tổng sản lượng thịt xuất chuồng các loại của tỉnh đạt 97.344 tấn, còn 5 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thịt xuất chuồng trên địa bàn tỉnh đạt 38.343 tấn. Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã rất nỗ lực trong thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (năm 2021, toàn tỉnh kiểm dịch 1.388 con bò thịt, 15.669 con lợn các loại; 167.294 con gà thịt...), nhưng việc kiểm dịch động vật vào địa bàn tỉnh lại khó khăn. Thực tế, số lượng gia súc, gia cầm do tỉnh sản xuất, chăn nuôi chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn; 40% còn lại nhập từ các tỉnh, thành khác về. Tuy nhiên, kiểm dịch động vật vào địa bàn lại phụ thuộc vào các địa phương xuất gia súc, gia cầm; cán bộ, nhân viên thú y địa phương chỉ thực hiện kiểm dịch được ở các điểm xuống lợn; trong khi có hàng trăm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn, mỗi cơ sở là một điểm xuống lợn nên cũng không thể bố trí người đến kiểm dịch hết được.
Để kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y được tốt thì điều quan trọng nhất là phải có lò giết mổ tập trung, chấm dứt hoạt động của các lò nhỏ lẻ. Do đó đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt vào cuộc trong vận động, tuyên truyền, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung trên địa bàn. Trong khi chờ xây dựng được các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trước mắt các địa phương nên thu gom cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thành một số điểm nhất định để đảm bảo cho công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Cầm Khuê
- Siết chặt quản lý kinh doanh mặt hàng thuốc thú y
- Giảm 50% mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực thú y
- Bất cập của hệ thống thú y cơ sở
- Tăng cường công tác vệ sinh thú y
- Tiếp tục hỗ trợ đưa gia súc, gia cầm vào nơi giết mổ tập trung
- Cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
- Giải pháp nào gỡ khó cho cơ sở giết mổ tập trung
- Xây dựng cơ sở giết mổ tập trung: Khó chồng khó
Liên kết website
Ý kiến ()