Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:37 (GMT +7)
Văn học viết về công nhân mỏ: Nhìn từ một cuộc thi
Chủ nhật, 06/11/2016 | 00:55:21 [GMT +7] A A
Trong thời gian vừa qua, bạn đọc đã quen thuộc với nhiều tác giả, tác phẩm văn học viết về người thợ mỏ được xuất bản và đoạt được những giải thưởng tại các cuộc thi lớn của trung ương, địa phương và các ngành. Những tác phẩm đó đã góp phần xây dựng đề tài văn học công nhân, tạo ra hình tượng người thợ mỏ trong văn học đương đại và diện mạo văn học Vùng mỏ.
Nhà thơ Thi Sảnh được trao giải nhất tại cuộc thi. |
Để thiết thực chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày Truyền ngày thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành Than 12-11 (1936-2016), ngay từ năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã tổ chức cuộc thi sáng tác văn, thơ với chủ đề “Tự hào Than - Khoáng sản Việt Nam”. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi nhằm mục đích tìm ra những tác phẩm văn học khơi dậy và hun đúc truyền thống lịch sử vẻ vang của lớp lớp các thế hệ thợ mỏ đã lao động cần cù, sáng tạo, kiên cường, bất khuất không quản gian khó, hy sinh, kiên cường bám mỏ, chiến đấu, sản xuất và dựng xây; tô thắm thêm truyền thống hào hùng của đội ngũ công nhân Vùng mỏ. Từ đó tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho thợ mỏ tiếp bước trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Than trong thời kỳ mới.
Đề tài công nhân mỏ luôn có sức hút lớn đối với lực lượng sáng tác văn học. Điều đó một lần nữa được khẳng định khi cuộc thi này hội tụ các tác giả từ Trung ương đến các địa phương, có cả người dân tộc thiểu số, ở nhiều ngành nghề và địa phương khác nhau. Nhiều tác giả không phải là người gắn bó với ngành Than nhưng cũng đã có những tác phẩm xúc động dù cho họ chỉ là một đôi lần tiếp xúc với đời sống của người thợ mỏ như: Lê Thị Bích Hồng, Bùi Thị Như Lan, Trần Đỗ Cầm Thơ, Lê Toán v.v.. Còn nếu nói riêng về những tác giả có xuất thân từ thợ mỏ thì lực lượng này khá hùng hậu với những cái tên quen thuộc như: Văn Chư, Trần Tâm, Trần Đình Nhân, Lê Xuân Nguyện, Bùi Văn Phúc, Trần Thưởng, Trần Ngọc Dương, Nguyễn Quang Tình, Vũ Thế Hùng, Nguyễn Chính Viễn, Đức Doanh, Hoàng Tháp, Nguyễn Nghiêm v.v..
Về kết quả cuộc thi, phần văn xuôi đã có 18 giải thưởng (không có giải nhất) được trao. Đấy là chưa kể đến hàng chục bút ký, hàng trăm truyện ngắn khác của các tác giả dù chưa đoạt giải nhưng cũng đã thể hiện sự đồng hành của người viết cùng người thợ mỏ trên lĩnh vực lao động khó nhọc, nguy hiểm và có tính đặc thù này. Các tác phẩm văn xuôi đã tích cực khắc hoạ hình ảnh những cán bộ, công nhân của mỏ dạn dày, ý chí, trải qua nhiều thử thách để vươn lên, trưởng thành từ chính môi trường lao động nhọc nhằn của nghề làm mỏ. Nhà văn Lê Toán, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, người vừa được giải ba lĩnh vực văn xuôi, nhận định: “Từ tay người thợ, hòn than sẽ trở thành hàng hoá để đi khắp muôn nơi. Sứ mệnh của nó là thành xỉ và trở về với đất. Nhưng tác phẩm văn học viết về Vùng mỏ và công nhân mỏ thì sẽ còn đọng lại được lưu giữ và có những tác phẩm tồn tại lâu dài hơn đời người đã sáng tác ra nó”.
Cùng với văn xuôi, riêng về thơ, số lượng tác phẩm tham gia dự thi khá nhiều, các tác giả từ nhiều lứa tuổi, vùng miền khác nhau. Ban Giám khảo đã làm việc một cách trách nhiệm, công tâm và khá vất vả để có thể chọn ra 18 bài thơ (hoặc chùm thơ) hay nhất để trao giải. Nhà thơ Thi Sảnh đã xuất sắc đoạt giải nhất với chùm thơ viết về thợ mỏ. Các tác giả thơ đã có nhiều tìm tòi, phát hiện ra chất thơ trong công việc và đời sống riêng tư của người thợ mỏ. Tuy nhiên, để thơ mới hơn và hấp dẫn hơn, nhà văn Trần Tâm cho rằng, hiện thực đòi hỏi người viết phải có cách tiếp cận, cách thể hiện khác mới mong có chút gì đó lấp lánh trong giai đoạn này, trước khi nói đến những điều sâu xa hơn. Ngoài khả năng thiên bẩm ra, người viết phải trau dồi kiến thức về mọi mặt thế nào để tái hiện lên hình dạng, cuộc sống, cách nghĩ và cách làm của người hôm nay. Điều đó, có lẽ còn đeo đẳng, day dứt trong tâm tư người viết mãi mãi.
Nhìn chung, văn học viết về những người thợ mỏ là một dòng chảy liên tục. Nó góp phần làm giàu thêm những giá trị văn hoá và tinh thần của vùng đất này. Không dừng lại ở việc tham gia cuộc thi, các nhà văn, nhà thơ đang cố gắng rút ngắn khoảng cách giữa người viết và bạn đọc, họ tích cực tiếp cận thực tế, xông vào tầng mỏ, lò bãi để nắm bắt tâm tư tình cảm của người thợ mà sáng tác. Và chắc chắn, trong tương lai không xa, văn học Quảng Ninh sẽ có những tác phẩm tầm cỡ hơn nữa viết về người thợ mỏ.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()