Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:42 (GMT +7)
Văn học nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn thiếu nhi
Thứ 2, 17/01/2022 | 09:11:37 [GMT +7] A A
Thiếu nhi là chủ nhân tương lai của đất nước, vì thế việc giáo dục về nhân cách, đạo đức, tâm hồn, thẩm mỹ cho các em là trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của những người sáng tác văn học.
Sự phát triển của công nghệ, thế giới "ảo" đang phổ biến trên thế giới, đặc biệt là giới trẻ, chính vì vậy cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ nhằm chinh phục và nuôi dưỡng trái tim tâm hồn các em thiếu nhi. Đó cũng là lý do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi trong 5 năm (2021-2025).
Văn học nuôi dưỡng tâm hồn
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Trong diễn từ nhận giải Nobel của nhà văn Toni Morison năm 1993, bà kể về một nhà tiên tri có khả năng nhìn thấy tương lai. Một hôm, có một số đứa trẻ đến gặp bà, nhìn bà với một đôi mắt vô cảm và đầy thách thức rồi cất tiếng: "Này bà tiên tri, bà là một mụ già nhìn thấy được tương lai. Vậy bà hãy nói cho chúng ta biết: Con chim trong tay chúng ta sống hay chết?".
Bà tiên tri rùng mình trước câu hỏi của những đứa trẻ. Bà ngước đôi mắt và nhìn thấy tương lai của những đứa trẻ ấy, bà cũng nhìn thấy một phần tương lai của thế giới thông qua đó. Lòng bà đau đớn vô cùng bởi bà biết rõ rằng: Nếu bà nói con chim còn sống thì ngay lập tức những đứa trẻ đó sẽ bóp chết con chim trong tay để chứng minh bà tiên tri sai và thể hiện quyền lực độc ác của chúng. Số phận con chim kia phụ thuộc vào tình yêu thương của những đứa trẻ. Cũng như số phận thế gian này phụ thuộc vào lòng yêu thương của con người...
Câu hỏi thách thức đầy tính độc ác của những đứa trẻ đã cánh bảo về một thế giới mà con người có nguy cơ không dùng tình yêu thương để xây dựng nó, mà dùng bạo lực để thống trị. Những đứa trẻ với câu hỏi như vậy chính là sự xuất hiện của cái ác đang đe dọa giá trị tinh thần của nhân loại. Để cứu thế gian này, hay dựng lên một thế giới mà nhân loại hằng mơ ước, không còn con đường nào khác là con đường của tình yêu thương và sự dâng hiến không chút vụ lợi.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói, câu chuyện trên của nhà văn đã cảnh báo về một đời sống vô cảm và bạo lực đang xâm lấn tâm hồn trẻ thơ; đồng thời gửi đi một thông điệp rằng: Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình. Bởi qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay, họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc ngày mai. Họ hiểu rằng, chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai với một trách nhiệm cao cả nhất và nhân văn nhất.
“Khi chúng ta đặt văn hóa lên tầm cao nhất của đời sống, nghĩa là chúng ta đã thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc. Đó cũng chính là một trong những lý do Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện Chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các tác giả viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của đất nước cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa. Hội Nhà văn Việt Nam lập ra giải thưởng Tác giả trẻ cũng là hướng tới việc khích lệ các nhà văn trẻ tiếp tục sự nghiệp của thế hệ đi trước, bằng những trang viết của mình mở ra những giá trị nhân văn mới, làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống này”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Sự cấp bách phải có những cuốn sách hay cho trẻ em
Nói đến thực trạng văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cho biết, kể từ sau cuốn “Miền xanh thẳm” của nhà văn Trần Hoài Dương được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001, cho đến nay, chưa có tác phẩm nào cho thiếu nhi "lọt" vào hệ thống giải thưởng của Hội. Mà hiện nay, thế giới phẳng, công nghệ 4.0, thế giới của mạng ảo đang ùa vào và thậm chí đang "thống trị" giới trẻ và cả người lớn… Việc giáo dục, xây dựng tâm hồn cho trẻ em Việt Nam là cấp bách, nên cần có những cuốn sách hay, sống động, giàu trí tưởng tượng và những điều đẹp đẽ, để làm giàu thêm tâm hồn trẻ thơ.
Có một thực tế là, trong hệ thống phát hành sách của cả nước, số lượng sách văn học thiếu nhi của nước ngoài được dịch ra tiếng Việt đang chiếm phần lớn, sách của Việt Nam ít hơn và cũng được mua ít hơn. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nguyên nhân của tình trạng này một phần do chất lượng tác phẩm văn học cho thiếu nhi ở trong nước chưa thật cao, chưa thật quyến rũ những người trẻ bằng văn học nước ngoài - thường được lựa chọn và dịch từ những cuốn sách tốt nhất của hàng trăm quốc gia nên hấp dẫn hơn rất nhiều.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng thừa nhận, lâu nay, việc viết cho thiếu nhi của tự thân các nhà văn có sự chểnh mảng, ít tập trung hơn. Có một số cuốn sách ra đời những vẫn viết theo lối cũ, giáo dục thông thường và đầy khô cứng. Trong khi thế giới trẻ em hiện nay có nhu cầu tiếp nhận khác, tự tin hơn, trong sáng hơn, giàu trí tưởng tượng, sống động hơn... Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài thiếu nhi trong 5 năm (2021 đến 2025), nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào sáng tác văn học cho thiếu nhi và về thiếu nhi, làm đa dạng, sinh động thêm đời sống văn học nói chung, mảng văn học về đề tài thiếu nhi nói riêng.
Cuộc vận động được chia làm 2 đợt. Đợt 1 từ tháng 10/2021 đến tháng 6/2023. Đợt 2 từ tháng 7/2023 đến tháng 7/2025. Tác phẩm tham dự cuộc vận động bao gồm những tác phẩm đã xuất bản thành sách, hoặc các bản thảo tập truyện ký, tập truyện ngắn, tập thơ đã hoàn chỉnh. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau, nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh. Tác phẩm dự phải chưa tham dự một cuộc thi nào khác, chưa từng in trước thời hạn cho phép và không tham dự các cuộc thi khác cho đến khi kết thúc cuộc vận động này.
Các tác phẩm văn học cần tập trung cổ vũ tinh thần chăm học tập, chăm lao động, yêu bạn bè, yêu thiên nhiên, yêu Tổ quốc; ca ngợi, tôn vinh lòng cảm thông, sẻ chia, vì người khác, đồng thời cảnh báo, chỉ rõ cho các em thấy những thói hư tật xấu cần phải tránh; khích lệ tinh thần say mê khám phá, óc sáng tạo và trí tưởng tượng của các em. Đặc biệt, các tác phẩm khích lệ ý thức độc lập, tự lực ở lứa tuổi thiếu nhi…
Theo Ban tổ chức, cuộc vận động cũng là cơ hội để Hội Nhà văn Việt Nam tìm kiếm, phát hiện, từ đó bồi dưỡng những tài năng văn học thiếu nhi. “Việc tạo dựng một tâm hồn tốt đẹp, một con người tử tế, một con đường nhân ái, thì những cuốn sách là vô cùng quan trọng. Sách hay, tốt sẽ gieo vào tâm hồn trẻ em, những công dân – chủ nhân tương lai của đất nước những điều tốt đẹp. Và tất cả những gì mà các nhà văn làm hôm nay cho trẻ em và cho thế hệ trẻ dù chỉ là một điều nhỏ bé cũng góp phần vào sự chuẩn bị trọng đại của cả đất nước cho một tương lai tốt đẹp”, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()