Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:13 (GMT +7)
“Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và hành trình đi tới phát triển bền vững
Thứ 4, 24/11/2021 | 08:45:10 [GMT +7] A A
Ngày 24/11/2021, từ điểm cầu hội trường Diên Hồng tại Nhà Quốc hội (Hà Nội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu trên cả nước.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa cũng như đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.
Diễn ra sau đúng 75 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (tháng 11/1946), tròn ¾ thế kỷ, những bài học của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 chính là kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.
Không thể không nhắc đến bối cảnh đặc biệt của thời điểm tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và Hội nghị Văn hóa năm 2021. Điểm chung của cả hai hội nghị là diễn ra ở những thời đểm khi tiến trình xây dựng và phát triển đất nước đều đứng trước những chuyển biến cùng những đòi hỏi cao độ của lịch sử.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra vào thời điểm xốc lại tinh thần của cả dân tộc để bước vào cuộc thử lửa với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra ở thời điểm năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp, tác động sâu xa đến tăng trưởng nói riêng và phát triển nói chung.
Một điểm chung nữa là ở cả hai thời điểm mang tính bước ngoặt này, Đảng ta đều nhất quán khẳng định quan điểm sức mạnh và tinh thần của văn hóa Việt Nam vẫn luôn là gốc rễ, là điểm tựa cho sự trường tồn của dân tộc, sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển.
Cụ thể hơn, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền văn hóa mới của nước nhà lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở… Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Người lại nhấn mạnh cùng với chính trị, kinh tế, xã hội, thì văn hóa là một trong bốn mặt trận rất quan trọng và được coi là ngang nhau.
Trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (tháng 5/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Thực tế văn hóa của dân tộc Việt Nam được xây dựng, vun đắp từ hàng nghìn năm lịch sử và được bổ sung thêm những yếu tố mới. Nền văn hóa chúng ta xây dựng có rất nhiều yếu tố tiến bộ thời kỳ mới là khoa học, dân chủ, nhân văn, tiến bộ. Nhận thức này không phải lúc nào hoặc chỗ nào cũng được hiểu, được quán triệt đầy đủ và sâu sắc.
Quá trình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống quan trọng nhất là thể chế hóa bằng chủ trương, cơ chế của Nhà nước. Cũng có lúc này lúc kia, mặt này mặt kia chúng ta làm chưa tốt. Một số nghị quyết xây dựng rất tốt, nhưng khi triển khai lại khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý, các chính sách và nguồn lực.
Thực tế đòi hỏi chúng ta cần nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa. Bởi khi và chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống và nâng tầm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến là tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì doanh nghiệp được coi là trái tim của nền kinh tế. Do đó phải xây dựng môi trường này bảo đảm hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa. Nói khác đi bối cảnh càng nhiều thử thách, càng cần phải phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa.
Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động không nhỏ tới hoạt động của các doanh nghiệp trên cả nước. Câu chuyện ở đây chính là cần củng cố đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa. doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh.
Bởi trong hoàn cảnh bình thường, các kết quả khảo sát đều cho thấy một kết quả là đại đa số các giám đốc điều hành và các nhân viên đều tin rằng, văn hóa. mang tính quyết định với thành công của doanh nghiệp. Khi thực tiễn phát triển xuất hiện những thử thách gay gắt thì vai trò của văn hóa với sự phát triển và thành công của doanh nghiệp càng trở nên cần thiết và quan trọng.
Nhiều chuyên gia khẳng định, văn hóa chính là vũ khí không chỉ giúp công đồng doanh nghiệp thích ứng được với những bối cảnh kinh doanh mới mà còn kiến tạo những lộ trình phát triển mới để từ đó đóng góp xứng đáng vào tiến trình phát triển của đất nước.
Đó cũng là tinh thần của “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” ngày hôm nay.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()