Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 09:25 (GMT +7)
Văn hoá - lực đẩy quan trọng trong phát triển kinh tế
Thứ 4, 06/09/2023 | 09:01:52 [GMT +7] A A
Trong suốt chiều dài lịch sử, Quảng Ninh luôn đề cao vai trò của văn hóa trong dòng chảy phát triển kinh tế. Bằng tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, khoa học, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Quảng Ninh đã gắn kết sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế, tạo thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh.
Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa
Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị nghiên cứu chuyên sâu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Trong đó nổi bật là: Hội thảo công tác quản lý Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; khảo sát, nghiên cứu các di tích thuộc hệ thống thương cảng Vân Đồn; khai quật, nghiên cứu di chỉ Đồng Chổi, Cống Cái - Sơn Hào, khu vực đình - chùa và miếu Quan Lạn; nghiên cứu, đánh giá giá trị, lịch sử văn hóa của di tích Thiên Long Uyển và khu vực Yên Đức trong tổng thể di tích chiến thắng Bạch Đằng năm 1288, đồng thời đề xuất phương án bảo vệ, bảo tồn và phát huy di tích.
Cùng với đó, tỉnh cũng đã nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đối với những di sản văn hóa tiêu biểu và đến nay đã được Bộ VH-TT&DL ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống Vân Đồn (huyện Vân Đồn); Lễ hội đình Trà Cổ (TP Móng Cái).
Các khu di tích được tổ chức kiểm kê, rà soát, quản lý, thường xuyên được quan tâm đầu tư nâng cấp, lập hồ sơ xếp hạng. Trong giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn tỉnh có 2 khu di tích (Khu di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên, Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, nâng tổng số di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh thành 6 di tích, bao gồm: Danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long; Khu di tích lịch sử Bạch Đằng; Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử; Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; Khu di tích đền Cửa Ông - Cặp Tiên; Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô.
Các khu di tích quốc gia đặc biệt này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể đã được tỉnh chỉ đạo, phân cấp để triển khai thực hiện các quy hoạch. Đến nay, có hàng chục dự án thành phần với tổng kinh phí hàng nghìn tỷ đồng đã và đang được đầu tư, nâng tầm giá trị, như: Dự án tu bổ, tôn tạo chùa Ngoạ Vân, đền Thái, chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều); chùa Một Mái, vườn Tháp, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, Trường quay phim cổ trang Việt Nam, Khu trung tâm lễ hội, miếu Cu Linh (TP Uông Bí); đình Yên Giang (TX Quảng Yên); tuyến đường hành hương nối Khu di tích Yên Tử với Ngoạ Vân - Hồ Thiên; hệ thống cáp treo và công trình phụ trợ tại Ngoạ Vân - Hồ Thiên...
Theo thống kê, trong 5 năm (2018-2022), 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tỉnh và các địa phương quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, với tổng kinh phí trên 1.683 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hoá. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã tham gia ủng hộ nguồn lực lớn trong việc trùng tu, cải tạo nâng cấp các di tích. Từ đó, các di sản, di tích đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương, như: Di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều); Khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); Khu di tích Bạch Đằng (TX Quảng Yên); chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (TP Hạ Long); đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)...
Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, các hiện vật, di chỉ khảo cổ cũng được tỉnh quan tâm gìn giữ, giai đoạn 2018-2022 Quảng Ninh đã có 13 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia (bình gốm Đầu Rằm (Hoàng Tân), hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử, trống đồng Quảng Chính, trống đồng thời Trần, mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu...).
Ngoài ra có thêm 4 di tích cấp quốc gia (Di tích lịch sử mỏ than Mạo Khê, TX Đông Triều; Di tích lịch sử đền Xã Tắc, TP Móng Cái; Di tích lịch sử miếu Ông - miếu Bà, huyện Ba Chẽ, Di tích lịch sử Pò Hèn, TP Móng Cái) và 10 di tích cấp tỉnh được cấp có thẩm quyền công nhận (cụm di tích đình, chùa, miếu Phúc Đa, TX Đông Triều; chùa Thanh Vân, TP Hạ Long; đình - miếu Cái Chiên, huyện Hải Hà; cụm di tích đền Trần Hưng Đạo và đền Phạm Tử Nghi, TX Quảng Yên; cụm di tích đình - nghè Bí Giàng, TP Uông Bí; đình - nghè Cẩm Hải, TP Cẩm Phả; địa điểm thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên của TP Móng Cái; đình - miếu Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn; đình Bình Ngọc, TP Móng Cái; đền thờ Đức ông Hoàng Cần, huyện Tiên Yên; ruộng bậc thang Lục Hồn, huyện Bình Liêu).
Hiện Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang triển khai lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Nguồn lực của nền kinh tế
Các huyện, thị, thành ủy đã quan tâm chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ mang đặc trưng của địa phương, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Một số người có uy tín dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Sán Chỉ, Tày, Sán Dìu ở Hạ Long, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí đã gây dựng nên những CLB văn nghệ dân gian, CLB thể thao truyền thống, thêu may trang phục, phát triển nghề truyền thống phục vụ khách tham quan, du lịch, cũng như đưa vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh.
Từ đó, ở một số địa phương các doanh nghiệp đã hình thành và đưa vào hoạt động mô hình du lịch cộng đồng, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng các tuyến, điểm du lịch, gắn với văn hoá, lịch sử để thu hút thêm du khách.
Điển hình như sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm du lịch làng quê, sinh thái, trải nghiệm tại Yên Đức (TX Đông Triều); đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ (TX Quảng Yên), nuôi cấy ngọc trai (huyện Vân Đồn)... đã khẳng định được thương hiệu và tiếp cận thị trường. Cùng với đó, các điểm dừng chân phục vụ nhu cầu tham quan, mua sắm được đầu tư đã có kết nối với những đơn vị lữ hành đón tiếp, phục vụ khách du lịch và đã được công nhận là điểm du lịch của địa phương, như Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều), Khu trưng bày sản phẩm ngọc trai Hạ Long (TP Hạ Long).
Cùng với hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh, các đơn vị nghệ thuật do tư nhân đầu tư quản lý và tổ chức hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng đã dần hình thành, bước đầu hoạt động kinh doanh có hiệu quả, tạo thêm sản phẩm văn hoá góp phần thu hút khách du lịch. Đáng chú ý là các bộ môn nghệ thuật truyền thống (múa rối, chèo, cải lương, dân ca, dân vũ của đồng bào dân tộc thiểu số...) được biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng hàng không Vân Đồn, tại các lễ hội và cùng du khách trên các hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh... đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của Quảng Ninh.
Một số sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch tiêu biểu như: Chương trình văn hóa, văn nghệ hát chèo, múa rối truyền thống tại Khu du lịch làng quê Yên Đức, Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều); hát đối, hát giao duyên trên thuyền của cư dân làng chài Cửa Vạn (TP Hạ Long); sinh hoạt văn hóa, tìm hiểu về phong tục tập quán sinh hoạt của cộng đồng nhân dân cùng thưởng thức hát then của người Tày, hát soóng cọ của người Sán Chỉ (huyện Bình Liêu và Tiên Yên); chương trình du lịch “Cốc Cốc đảo Hà Nam” cùng điệu hát đúm ở đảo Hà Nam (TX Quảng Yên); hát nhà tơ, hát múa cửa đình ở Vạn Ninh (TP Móng Cái)...
Đặc biệt, nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng mô hình thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch địa phương. Đơn cử như TP Hạ Long đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y (xã Bằng Cả) trở thành điểm du lịch văn hóa với các điệu múa trống trong lễ cấp sắc, múa lễ cầu mùa, hát sáng cố do người dân trong xã Bằng Cả biểu diễn, kết hợp ẩm thực với những món ăn truyền thống của người Dao.
Huyện Bình Liêu hoàn thiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 tại Bản Cáu, xã Lục Hồn” và đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. UBND huyện Vân Đồn phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu, huyện Vân Đồn giai đoạn 2020-2022”; UBND huyện Ba Chẽ phê duyệt đề án “Bảo tồn bản sắc văn hóa người Dao gắn với phục vụ phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ”.
Việc phục dựng các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội của đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ trong lễ hội được tỉnh và các cấp, ngành quan tâm. Hiện Quảng Ninh có tới 12/13 địa phương có hoạt động tổ chức lễ hội (trừ huyện Cô Tô), với tổng số 118 lễ hội, trong đó có 76 lễ hội đã được kiểm kê đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể. Các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được các địa phương huy động nguồn lực tổ chức hiệu quả, trong đó có nhiều lễ hội mới được xây dựng thành sản phẩm văn hóa thường niên (Lễ hội Carnaval, Lễ hội hoa sở, Lễ hội trà hoa vàng...), vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo thành sản phẩm văn hóa riêng có.
Hệ thống di tích lịch sử, truyền thống văn hóa, lễ hội và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn Quảng Ninh được bảo tồn đã giúp các địa phương tận dụng, khai thác, phát huy giá trị trong phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao giá trị đời sống cho nhân dân, trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Mạnh Trường
Liên kết website
Ý kiến ()