Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:37 (GMT +7)
Văn hóa là cội nguồn
Thứ 4, 18/09/2024 | 15:04:15 [GMT +7] A A
Văn hóa là hồn cốt, cội nguồn của dân tộc. Do đó, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều hoạt động cụ thể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tạo động lực cho sự phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được của Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9/3/2018, Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU (ngày 30/10/2023) về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Nghị quyết đã đặt ra 18 mục tiêu phát triển con người Quảng Ninh toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tình yêu quê hương, đất nước với các đặc trưng “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” phù hợp với xu thế thời đại, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu phát triển KT-XH; xây dựng, phát triển nền văn hóa giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp, Văn hóa đặc sắc, Xã hội văn minh, Hành chính minh bạch, Kinh tế phát triển, Nhân dân hạnh phúc”. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn từng cơ quan, đơn vị.
Điển hình như huyện Bình Liêu, với hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc, địa phương này là vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để huyện phát triển du lịch. Do đó, trong những năm qua, huyện đã chú trọng dành nhiều nguồn lực hoàn thành Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; hoàn thiện đề cương Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030"; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”... qua đó, xây dựng thành “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.
Bên cạnh khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, ngày hội Kiêng gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán… huyện cũng quan tâm tổ chức các chương trình hoạt động du lịch mới dựa trên bản sắc văn hoá các dân tộc như: Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu… Những hoạt động này đã giới thiệu những nét đẹp trong văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tới du khách, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách.
Xác định văn hóa là cội nguồn của dân tộc, thời gian qua, các địa phương đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục văn hóa cho học sinh trên địa bàn, từ đó, củng cố niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị nhân văn tốt đẹp, giá trị lịch sử; xây dựng cảm xúc, lý tưởng đúng đắn, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn... Có thể kể đến như huyện Ba Chẽ, bên cạnh giảng dạy về lịch sử Đảng bộ huyện, Ba Chẽ đã biên soạn và phát hành tài liệu giáo dục truyền thống và lịch sử huyện Ba Chẽ cho cấp tiểu học và THCS. Riêng cấp học mầm non, huyện cũng tổ chức lồng ghép giáo dục văn hóa địa phương thông qua các hoạt động như: Phát triển “Ngôn ngữ và văn hóa dân tộc”, “Ngày Tết quê em”, “Em làm chú bộ đội”… Học sinh cấp THPT được tham gia vào các phiên chợ vùng cao, hoạt động Stem tìm hiểu văn hóa, trang phục và ẩm thực truyền thống của các dân tộc.
Huyện Ba Chẽ cũng đã tiến hành phục dựng, mở 12 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 320 người về các nội dung: Dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay; hát then đàn tính của dân tộc Tày… Đồng thời, thành lập các CLB hát soóng cọ, hát đối, hát then, thêu thổ cẩm với hơn 230 người tham gia. Đặc biệt, một số nghi lễ đặc trưng của người Dao như nhảy lửa, múa rùa, dân ca cổ, dân vũ... đang từng bước được phục dựng. Tùy từng cấp học, học sinh trên địa bàn huyện đều được tham gia vào các câu lạc bộ tìm hiểu lịch sử, giữ gìn, xây dựng bản sắc văn hóa.
Với quan điểm sự chuyển biến lớn sẽ bắt đầu từ những việc nhỏ”, những nét đẹp văn hóa của Quảng Ninh sẽ tiếp tục được bảo tồn, gìn giữ, phát huy hiệu quả, góp phần quảng bá những tiềm năng du lịch, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()