Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:07 (GMT +7)
"Văn hóa Hạ Long mở màn cho quá trình lịch sử vĩ đại của dân tộc"
Chủ nhật, 07/04/2024 | 08:20:25 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có Vịnh Hạ Long không chỉ là tên gọi một di sản thiên nhiên thế giới, một thành phố bên bờ di sản mà còn là tên của một nền văn hóa rực rỡ gắn liền với sự có mặt của người Việt cổ trên mảnh đất này. Những di chỉ khảo cổ học và những cổ vật tìm thấy đã minh chứng cho điều đó. Bên cạnh những di chỉ khảo cổ liên quan đến nền văn hóa Hạ Long, Quảng Ninh còn sở hữu nhiều di tích khảo cổ có giá trị khác. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh vừa có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, về những giá trị khảo cổ tại Quảng Ninh.
- Thưa ông, đối với nghiên cứu khảo cổ học thì địa bàn Quảng Ninh có gì đặc biệt?
+ Quảng Ninh là khu vực hết sức đặc biệt trong việc nghiên cứu khảo cổ học. Tại đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra 3 nền văn hoá tiền sử nối tiếp nhau phát triển hơn vạn năm. Đó là văn hoá Soi Nhụ, văn hoá Cái Bèo và văn hoá Hạ Long. Trong đó, văn hoá Hạ Long độc đáo, có nhiều giá trị. Từ năm 1939, nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển là J. G Andersson đã phát hiện và khai quật di chỉ Ngọc Vừng và gọi đó là di chỉ Đanh-Đô-La để gọi tên cho loại hình di tích này. Di chỉ Ngọc Vừng sau này được xác định là thuộc văn hoá Hạ Long.
Như vậy, có thể coi thuật ngữ văn hoá Đanh-Đô-La là tên khai sinh của Văn hoá Hạ Long. Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã phát hiện 25 điểm thuộc văn hóa Hạ Long với tổng diện tích khoảng 1.550km2, như: Thoi Giếng, Thôn Nam, Dốc Gò Mừng, Gò Chùa, Gò Miếu Cả, Mả Tổ, Gò Bảo Quế, Quất Đông Nam, Ngoài Hàu, Hòn Ngò. Hệ thống di chỉ này tạo thành loại hình Thoi Giếng là các di chỉ ngoài trời có niên đại sớm của văn hóa Hạ Long. Cùng với đó, các di tích hang Bái Tử Long, Soi Nhụ, các di chỉ Ngọc Vừng, Đồng Mang, Xích Thổ, Đống Dài, Minh Khai, Hoàng Tân, Xóm Đông, Xóm Kèo, Cái Dăm, Cột Tám, Vườn Hoa, Cái Bèo, Bãi Bến là những di chỉ thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Hạ Long. Văn hoá Hạ Long độc đáo, đóng góp rất lớn vào nghiên cứu lịch sử văn hoá Việt Nam.
- Như vậy, theo ông văn hóa Hạ Long lại được chia làm hai giai đoạn?
+ Văn hóa Hạ Long thuộc hậu kỳ thời đại Đá mới với hai giai đoạn. Giai đoạn Thoi Giếng là giai đoạn sớm ở các khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Ninh. Đây là kết quả trực tiếp của đợt biển tiến cách ngày nay từ 5.000-6.000 năm. Đợt biển tiến này đã làm mất đi môi trường sống của cư dân văn hóa Cái Bèo vốn là cư dân nguyên thủy phân bố xung quanh các thung lũng, vũng vịnh do các núi đá vôi tạo nên ở khu vực Hạ Long và Bái Tử Long. Do biển tiến, nên họ đã chuyển cư dần lên phía Đông Bắc theo hệ thống đảo Trà Bản, Cái Bèo, Cái Chiên, Vĩnh Thực để rồi định cư lại tại vùng ven biển Hải Ninh cũ tạo nên loại hình Thoi Giếng với di tích tiêu biểu nhất là Thoi Giếng.
Cư dân văn hóa Thoi Giếng của văn hóa Hạ Long cư trú ở các xã Vạn Ninh, Hải Đông, Hải Tiến của TP Móng Cái vốn là bề mặt của một đồng bằng cổ, có nguồn gốc sông biển bị cắt xẻ, xung quanh là phức hợp các dãy núi cao ở phía Bắc rồi trải dài ở vùng thấp hơn và các vũng vịnh cửa sông bãi triều, biển. Người Thoi Giếng tiếp tục chế tạo công cụ đá cuội, tiếp tục đời sống săn bắt hái lượm và đã phát triển công cụ mài theo truyền thống văn hóa Bắc Sơn với rìu mài lưỡi và rìu mài lan thân, tiếp tục làm gốm, khai thác hải sản ven bờ và trên biển tạo dựng nền tảng cơ bản để văn hóa Hạ Long phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
- Sau giai đoạn này là đến giai đoạn nào, thưa ông?
+ Sau đó đến giai đoạn Hạ Long tức là giai đoạn muộn, là giai đoạn biển thoái +4m xuống -3m với niên đại khoảng 4.000-3.000 năm cách ngày nay. Biển rút tạo nên địa bàn cư trú của người Hạ Long phong phú hơn, gồm các đồng bằng bị cắt xẻ cạnh biển, cạnh cửa sông, doi cát, bậc thềm vũng vịnh, một số hang động và chân núi ven biển.
Người Hạ Long giai đoạn muộn phát triển mạnh kỹ nghệ chế tác cưa đá, khoan đá chuốt bóng, bộ di vật đá phong phú với rìu bôn có vai, phát triển nghề gốm, chế tạo gốm xốp, phát triển nghề khai thác biển. Giao thoa văn hóa khá rộng rãi trong khu vực Đông Nam Á, hải đảo, lục địa và Nam Trung Quốc và trở thành một nền văn hóa độc đáo có giá trị to lớn vào bậc nhất trong việc góp phần tạo dựng nên nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
- Những nét đặc sắc của văn hoá Hạ Long là gì thưa ông?
+ Thứ nhất, văn hóa Hạ Long là một nền văn hóa biển độc đáo trong hệ thống văn hóa biển cùng thời ở Việt Nam. Văn hoá biển cổ rất lớn, rất rõ ngay từ cội nguồn gốc rễ của nó. Định hình với biển, khai thác biển, sống với biển để phục vụ cuộc sống. Kỹ nghệ đi lại trên biển, kỹ nghệ khai thác biển từ xa đã được người Hạ Long nắm bắt một cách thuần thục. So với các văn hóa biển cùng thời khác ở Việt Nam, như: Văn hóa Hoa Lộc Thanh Hóa, văn hóa Bàu Tró Quảng Bình, văn hóa Xóm Cồn Khánh Hòa thì quy mô của văn hóa Hạ Long là lớn nhất, số lượng di tích là nhiều nhất, loại hình di tích phong phú nhất với các di tích cư trú hang động, di tích cư trú ngoài trời, di tích mộ táng trên các vùng địa hình đa dạng.
Thứ hai, văn hóa Hạ Long là một nền văn hóa năng động, có sức thu hút, lan tỏa, giao thoa rộng mở với các nền văn hoá khác của Tổ quốc cũng như các nước trong khu vực. Người ta tìm thấy dấu vết của văn hoá Hạ Long ở các nền văn hoá khác, như: Văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Hoa Lộc, văn hóa Bàu Tró. Các nhà khảo cổ tìm thấy những chiếc bôn có vai có nấc kiểu Hạ Long tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội. Bàn mài kiểu Hạ Long tìm thấy ở văn hóa Hoa Lộc Thanh Hóa. Vỏ ốc biển Hạ Long tìm thấy ở văn hóa Mai Pha Lạng Sơn. 6 chiếc bôn có vai nấc kiểu Hạ Long được tìm thấy ở văn hóa Hà Giang. Những rìu đá lưỡi xòe có vai có nấc kiểu Hạ Long cũng được tìm thấy tại Thái Lan, Philippin.
Tại văn hoá Hạ Long cũng đón nhận những người văn hoá khác đến sinh sống. Người ta tìm thấy trong khu vực của văn hóa Hạ Long cả các xẻng đá lớn của Quế Lâm, rìu một vai của Nam Ninh, rìu bôn vai có nấc ở Phúc Kiến và Quảng Đông. Trong khi người Hạ Long tiến sâu vào đất liền thì Hạ Long đón tiếp người Phùng Nguyên sát cánh cùng Hạ Long khai thác vùng biển hai bên cửa sông Bạch Đằng, hội nhập để tạo ra một sắc thái văn hóa mới và hình thành một trung tâm chế tác đồ đá trang sức đẹp vào bậc nhất Việt Nam. Văn hóa Hạ Long đã tham gia tích cực vào quá trình giao thoa, hòa nhập với văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa đóng vai trò mở màn cho quá trình lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Thứ ba, trên tinh thần văn hoá biển và sự giao thoa rộng mở đã đóng góp rất lớn, góp phần tạo ra những nét văn hoá hình thành nhà nước Văn Lang, góp một luồng năng lượng cực mạnh trong việc hình thành và phát triển của thời kỳ dựng nước và giữ nước đầu tiên của Việt Nam.
- Những căn cứ nào để chúng ta khẳng định điều đó, thưa ông?
+ Ví dụ trong sáng tạo đồ gốm, nghệ thuật trang trí hoa văn, các nghề truyền thống. Trong kỹ nghệ sản xuất gốm, cư dân văn hóa Hạ Long có nhiều sáng tạo to lớn trong quá trình sinh sống và phát triển tại khu vực vùng biển Đông Bắc Việt Nam. Họ đã phát triển kỹ nghệ chế tác đá và để lại dấu ấn rất đặc sắc chỉ có ở đây như những bôn đá có vai có nấc, rìu bôn có vai có nấc, rìu xéo lệch, rìu xèo cân, bôn xèo cân, những bàn mài có dấu ấn Hạ Long. Kỹ nghệ sản xuất gốm cũng mang những yếu tố biển với đặc trưng gốm xốp, nghĩa là loại gốm hình thành với chất liệu nhào luyện giữa đất sét với vỏ nhuyễn thể giã vụn chế tác đồ gốm rồi đem nung. Những sáng tạo cách đây hơn 5.000 năm còn được duy trì và phát triển về sau.
- Bên cạnh Hạ Long thì Quảng Ninh còn có một vùng khảo cổ đặc sắc khác là Yên Tử. Ông đánh giá thế nào về giá trị khảo cổ của Yên Tử?
+ Di sản Yên Tử đang đệ trình UNESCO có đặc trưng lớn là di sản chuỗi di sản liên vùng đầu tiên có không gian rộng. Những yếu tố hình thành di sản có những di tích khảo cổ đặc biệt dưới lòng đất. Đồng thời, trên mặt đất nhiều di tích vẫn bảo tồn các di sản văn hoá vật thể. Có những di sản phi vật thể sống trong cộng đồng. Cộng đồng sống cùng di sản, bảo vệ di sản hướng đến những điều tốt đẹp cho cuộc sống con người hiện đại. Yên Tử có những tiêu chí văn hoá độc đáo về văn hoá tâm linh, văn hoá Phật giáo do con người Việt sáng tạo ra.
Di tích kết hợp với thiên nhiên và văn hoá tạo ra một cảnh quan hài hoà gọi là cảnh quan văn hoá. Giá trị cảnh quan của khu di sản văn hoá Yên Tử cũng được bảo tồn rất tốt từ xưa đến nay. Yên Tử là một bài học, một tấm gương về con người sống với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, hình thức cư trú của giáo phái Trúc Lâm gắn bó chặt chẽ với cảnh quan của núi rừng Yên Tử.
Đó là các di tích do con người sáng tạo ra ở đây với những kiến trúc Phật giáo nhỏ nhẹ, đa dạng, địa thế linh hoạt, gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên và thể hiện rõ tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá Yên Tử là dung dưỡng một tinh thần vị tha, khoan dung, để phát triển văn hoá, con người một cách bền vững.
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()