Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:05 (GMT +7)
“Văn hoá góp phần tạo ra dòng chảy thông suốt và mạnh mẽ cho Quảng Ninh”
Chủ nhật, 25/02/2024 | 20:04:57 [GMT +7] A A
Văn hoá nói chung, văn hoá phi vật thể nói riêng trong đó có các lễ hội truyền thống đã góp phần tạo ra dòng chảy thông suốt và mạnh mẽ cho Quảng Ninh. Đầu xuân Giáp Thìn 2024, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá, về vấn đề này.
Nhận định về văn hoá Quảng Ninh, GS.TS Lê Hồng Lý chia sẻ:
Quảng Ninh là một tỉnh đặc biệt ở chỗ vừa có biên giới trên bộ và trên biển, lại có các tộc người cùng chung sống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khác với các tỉnh biên giới khác hoặc là có biên giới trên bộ thì không có biên giới trên biển. Chỉ Quảng Ninh và Kiên Giang vừa có biên giới trên đất liền vừa có biên giới trên biển. Tuy nhiên, Quảng Ninh hơn Kiên Giang ở chỗ chỉ có tỉnh này có biên giới giáp biển, đồng bằng và cả núi trên đất liền với Trung Quốc. Ngoài môi trường tự nhiên và khí hậu khác biệt hoàn toàn với phía Nam, Quảng Ninh còn là vùng đất khác biệt ở chỗ đã ghi dấu ấn sâu đậm về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc trong tất cả mọi thời kỳ lịch sử với những chiến thắng Vân Đồn, Bạch Đằng rồi sau này là chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Những sự kiện ấy không chỉ xảy ra ở nơi biên cương đất liền, núi rừng mà đặc biệt là trên biển, vì đây là cửa ngõ vào lãnh hải của Tổ quốc. Chính vì vị trí vô cùng quan trọng mà Quảng Ninh có bề dày lịch sử đồ sộ với nhiều sự kiện chiến công lừng lẫy qua các thời đại từ quá khứ đến hiện tại.
- Thưa Giáo sư, bối cảnh môi trường sống như vậy đã tạo ra bản sắc văn hoá Quảng Ninh như thế nào?
+ Cuộc sống con người bám trụ lại nơi đây với đời sống sinh hoạt văn hoá của họ trong bối cảnh chống chọi với thiên tai địch hoạ. Từ đây, cũng đã tạo nên một kho tàng văn hoá Quảng Ninh với hệ thống đền chùa, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán của người Việt, đặc biệt là bản sắc văn hoá của các dân tộc thiểu số sinh sống trên dải đất này. Đây chính là nguồn lực to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh hôm nay, đồng thời cũng tạo ra một dòng chảy văn hoá trong huyết mạch của mỗi người. Những giá trị văn hoá của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử và hệ thống chùa chiền cảnh quan của nó, rồi những di tích lịch sử cùng với những di sản văn hoá phi vật thể mà Quảng Ninh đang sở hữu và không gian cảnh quan biển đảo là tiềm năng to lớn của Quảng Ninh để phát triển trong hiện tại và tương lai.
- Theo Giáo sư, những nét văn hoá đó đang được người Quảng Ninh bảo tồn và phát huy như thế nào?
+ Từ một tỉnh chỉ biết đến những mỏ than được khai thác hàng trăm năm qua, những vùng rừng núi dân tộc thiểu số khó khăn, những người thợ mỏ từ tứ xứ về đây bán sức lao động để kiếm miếng cơm manh áo, Quảng Ninh hôm nay đã khang trang sạch đẹp thành nơi đáng sống, nơi phát triển mạnh mẽ nhất miền Bắc. Cùng với tiềm năng kinh tế thì Quảng Ninh đang phát triển trong dòng chảy về mọi mặt mà Hạ Long là điểm nhấn trong bức tranh chung ấy để cho dòng chảy văn hoá càng thông suốt và mạnh mẽ. Nhất là thời gian gần đây, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành và triển khai các nghị quyết về văn hoá. Cùng với việc triển khai các Nghị quyết của Trung ương Đảng về văn hoá thì việc triển khai các nghị quyết nói trên của Quảng Ninh thực sự đã đem lại nguồn sinh khí mới.
Có thể nói, dòng chảy văn hoá Quảng Ninh không nằm ngoài dòng chảy văn hoá Việt Nam, song nó có những nét độc đáo riêng do bối cảnh tự nhiên và xã hội. Từ đó, tạo nên sự đa dạng phong phú cho cả nước. Chính sự đa dạng ấy làm cho Quảng Ninh có thế mạnh, có ưu thế riêng so với các tỉnh khác. Mà việc khai thác nó không chỉ góp phần vào sự phát triển của bản thân Quảng Ninh mà còn làm cho hình ảnh và vai trò của đất nước ta càng nổi bật trong nền văn hoá nhân loại.
- Giáo sư vừa nói Hạ Long là điểm nhấn trong bức tranh văn hoá Quảng Ninh. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?
+ Hạ Long là điểm hội tụ tất cả tinh hoa cũng như một điều kiện cho mọi sự phát triển. Tại đây tập trung các trung tâm văn hoá lớn, các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giao thông nhằm điều chỉnh điều phối mọi hoạt động của toàn tỉnh. Hạ Long còn là nơi kết nối và tiếp nhận những luồng văn hoá mới, những sự kiện, những tiềm lực tinh hoa văn hoá của bốn phương tụ hội về, từ đó lan toả đến toàn tỉnh Quảng Ninh. Hạ Long kết nối với các địa phương trong tỉnh, cả khu vực đồng bằng, miền núi đến hải đảo. Vì thế, vai trò kết nối và lan toả của Hạ Long vừa có tính chất điều phối đi đầu, hướng dẫn cho các địa phương trong tỉnh. Từ những thành tựu, xu hướng văn hoá mới của nước ngoài cũng như trong nước khi đến đây, Hạ Long sẽ là nơi đầu tiên tiếp nhận lan toả, điều phối và tạo điều kiện hướng dẫn cho các giá trị đó được phổ biến.
Hạ Long là điểm nhấn trong dòng chảy văn hoá Quảng Ninh với những biển đảo đẹp nổi tiếng và văn hoá các dân tộc thiểu số vùng miền núi, biên giới, văn hoá biển đảo, những lễ hội cùng với văn hoá tâm linh của Phật giáo Trúc Lâm. Hạ Long còn chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam một thời oanh liệt và cũng là lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây cũng là nét văn hoá cần được định hình cho văn hoá Hạ Long thành điểm kết nối lan toả thật sự có tầm cỡ ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó cũng là một đặc sản văn hoá của Hạ Long nhìn từ góc nhìn văn hoá công nghiệp.
- Là một chuyên gia về nghiên cứu lễ hội dân gian, Giáo sư có nhận xét gì về lễ hội ở Quảng Ninh?
+ Quảng Ninh còn có sự tồn tại đa dạng phong phú của các tôn giáo. Quảng Ninh có sự đa dạng văn hoá phi vật thể, trong đó có những lễ hội nổi tiếng như: Hội xuân Yên Tử, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội đình Trà Cổ, đình Quan Lạn. Tôi đặc biệt chú ý đến vùng văn hoá biển đảo với những lễ hội độc đáo. Còn có nhiều lễ hội nhỏ hơn cùng những phong tục tập quán, nghi lễ sẽ góp phần làm cho kho tàng văn hoá phi vật thể Quảng Ninh thêm phong phú hơn.
- Bên cạnh lễ hội truyền thống thì Giáo sư quan tâm điều gì đến những lễ hội hiện đại đã được tổ chức trong thời gian vừa qua tại Quảng Ninh?
+ Lễ hội hiện đại là cơ hội quảng bá tiềm năng thế mạnh những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá văn hoá con người Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Lễ hội Hoa anh đào hay Lễ hội Hokkaido gần đây là những ví dụ điển hình cho việc thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước trên thế giới thông qua hoạt động văn hoá. Đây sẽ là mẫu hình tương lai cho nhiều hoạt động văn hoá tương tự, cho thấy vị trí kết nối hội tụ và lan toả của Quảng Ninh. Không chỉ kết nối với Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, mà còn ra các vùng khác trong nước và vượt ra ngoài biên giới.
- Giáo sư có thể lý giải rõ hơn về sự kết nối và lan toả của Lễ hội Yên Tử?
+ Lễ hội dân gian nói lên sự phong phú của không gian văn hóa Yên Tử. Theo không gian của dãy Yên Tử thì lễ hội dân gian trong khu vực này không chỉ thuộc khu vực Yên Tử, mà còn là một hệ thống chuỗi lễ hội suốt dãy Yên Tử trải qua các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Quảng Ninh. Vì thế, lễ hội dân gian cũng như các loại hình khác không dừng lại ở một điểm mà trải rộng trên một không gian lớn và có sự kết nối giữa các nơi để thành một không gian văn hóa tâm linh hết sức hấp dẫn. Hơn nữa, các lễ hội này không phải chỉ là những lễ hội tôn giáo đơn thuần mà là rất nhiều lễ hội dân gian diễn ra xung quanh khu vực này, để tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng hấp dẫn.
Riêng ở Quảng Ninh có thể điểm ra các lễ hội như: Lễ hội đền An Sinh, lễ hội của các làng ven dãy Yên Tử. Kết nối với các lễ hội theo dãy Yên Tử là nhiều lễ hội khác liên quan đến nhà Trần trên đất Quảng Ninh như: Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội đền Đức Ông, Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Vân Đồn...
- Nếu chúng ta tổ chức được một lễ hội hành hương theo đúng con đường mà Phật hoàng đã đi thì sẽ có ý nghĩa như thế nào thưa Giáo sư?
+ Đó là mơ ước. Thực tế phải thẳng thắn nói rằng, Yên Tử có những di tích đã bị công trình hiện đại chồng lấn lên. Trong khi đó UNESCO lại chú trọng đến những di tích nguyên gốc. Vì thế, nếu chúng ta khôi phục được thì quá tốt. Nếu chúng ta quan tâm đến văn hóa phi vật thể thì dần dần người ta sẽ hiểu biết hơn rồi quay trải lại những dấu xưa của lịch sử.
- Cảm ơn Giáo sư về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()